Cụ thể, bệnh nhân tên L.G.T (50 tuổi, ở Thanh Ba, Phú Thọ) được chẩn đoán là ung thư thanh quản từ nhiều năm trước đây.
Bệnh nhân chia sẻ cách đây 4 năm, mình bỗng nhiên thấy khàn cổ, ho nhiều, giọng nói thay đổi. Tình trạng ngày càng nặng hơn khiến ông bị mất tiếng, hụt hơi và lúc nào cũng có cảm giác có vật gì vướng trong cổ họng.
Bệnh nhân đã đi khám ở các cơ sở y tế tuyến dưới, được chẩn đoán ung thư thanh quản. Tiền sử bệnh án, bệnh nhân này có “thâm niên” hút thuốc từ khi mới 15 tuổi và nghiện nặng với số lượng hút hơn 2 bao/ngày, hơn nữa còn thường xuyên uống rượu mỗi ngày.
Đầu tháng 3 vừa qua, anh đến khoa Tai mũi họng, Bệnh viện E để tiếp tục hành trình tìm lại giọng nói. Sau thăm khám, PGS.TS Lê Minh Kỳ, chuyên gia cao cấp của bệnh viện và TS Lê Đình Hưng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng quyết định tạo hình lại thanh quản, hồi phục giọng nói cho bệnh nhân bằng chính vật liệu tự thân là sụn thanh nhiệt. Đây là kỹ thuật khó, hầu như chưa được thực hiện trên bệnh nhân sẹo hẹp thanh quản tại Việt Nam.
Nhờ được tạo hình thanh quản nên giọng nói của bệnh nhân được phục hồi tối đa, thậm chí người bệnh còn có thể hát.
Bệnh nhân chia sẻ: “Tôi đã rất đắn đo, lo lắng trước mổ vì sợ sẽ không còn nói được nhưng được các bác sĩ Bệnh viện E tư vấn về phương pháp phẫu thuật hiện đại này, tôi quyết định thực hiện và giờ tôi đã nói được, hít thở bình thường và trở về cuộc sống sinh hoạt, lao động… Hy vọng những bệnh nhân ung thư thanh quản giống tôi sẽ đi khám sớm để được phát hiện kịp thời và điều trị tốt hơn”.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu được phát hiện triệu chứng ung thư thanh quản sớm thì tỷ lệ chữa khỏi là 80%, nhưng đa phần các trường hợp chủ quan và thiếu hiểu biết nên bệnh đã tiến triển ở giai đoạn muộn. Vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa cảnh báo, nếu chứng khản tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt ở độ tuổi trên 40 cần được xét nghiệm, thăm khám kịp thời.