Phiên tòa “Tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) xét xử diễn ra vào một chiều đầy giông. Trời ảm đạm, ánh nắng hè cũng dần dần nhạt màu rồi mất hút bởi những đám mây xám xịt che ngang trời.
Chiều trở gió, mấy cây hoàng yến bên hông tòa thi nhau rào rào trút lá. Tiếng gió khua đám lá vàng khô chạy lạo xạo trên sân, khiến mấy con sẻ nâu giật mình bay vút lên ngọn cây, trả khoảng sân nhỏ về với sự tĩnh mịch vốn có. Người nhà các bị cáo đến tòa từ rất sớm, chầu chực ngồi bên ngoài hành lang.
Mỗi tháng “đốt” 24 triệu vào ma túy
Hai bị cáo trong vụ án là Đặng Văn Hoài Niệm (24 tuổi) và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Ngân (23 tuổi, đều ngụ tại TP Huế). Bị cáo Niệm và bị cáo Ngân đều đã kết hôn. Mới 24 tuổi, nhưng Niệm đã có 2 con, đứa lớn năm nay đã 7 tuổi, đứa nhỏ cũng đã lên 3. Nữ bị cáo Ngân cũng có 1 con, năm nay đã 4 tuổi, cùng với bụng bầu hơn 4 tháng.
Nhìn hai bị cáo đứng rúm ró nơi vị trí dành riêng cho mình, có người thốt lên đầy nghi ngờ: “Trẻ tuổi, nghiện ngập, “tụi nó” sẽ nuôi dạy con kiểu gì?”. Đó cũng là câu hỏi mà hội đồng xét xử lặp đi lặp lại trong suốt phiên tòa hôm ấy.
Bị cáo Niệm và bị cáo Ngân đều nghiện ma túy hơn 1 năm nay. Cả hai nhiều lần sử dụng chung ma túy. Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 11/2017 đến ngày 1/12/2017, tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn phường Vĩ Dạ, TP Huế, bị cáo Niệm đã 3 lần bán ma túy cho bị cáo Ngân.
Lần thứ nhất là 20 viên ma túy dạng thuốc lắc và 2,5 gam ma túy dạng đá; lần thứ 2 là 2,5 gam ma túy tổng hợp dạng đá; lần thứ 3 là 20 viên ma túy dạng thuốc lắc và 5 gam ma túy dạng khay với tổng số tiền là 24,6 triệu đồng. Số ma túy Ngân mua được từ Niệm đều được Ngân tàng trữ để sử dụng.
Ngoài ra vào khuya ngày 2/12 tại nhà nghỉ mà Ngân thuê trọ, Ngân có bán 1 viên ma túy dạng thuốc lắc cho một người phụ nữ với giá 400 ngàn đồng. Cũng tại nhà nghỉ này, vào chiều ngày 6/12/2017, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện bắt quả tang Ngân đang có hành vi tàng trữ trái phép hơn 4,1 gam ma túy loại Ketamine và hơn 2 gam ma túy loại MDMA.
Ốm nhom ốm nhách vì dính vào chất gây nghiện chết người này hơn một năm qua, nữ bị cáo 23 tuổi khi bị bắt quả tang đang tàng trữ ma túy, đang gửi con cho chị dâu chăm sóc, nuôi dưỡng. Tòa chất vấn bị cáo có con nhỏ, sao không ở cùng để chăm sóc? Bị cáo phân bua vì nhà xa chỗ làm, nên phải thuê nhà ở trọ. Cách 1, 2 ngày, bị cáo lại tạt về thăm con.
Tòa hỏi bị cáo, mỗi ngày sử dụng hết bao nhiêu ma túy? Bị cáo khai mỗi ngày dùng hết 1 triệu tiền ma túy. Những lúc không có tiền thì sử dụng ít hơn hoặc nhịn. Bị cáo cho rằng, số ma túy bị cáo đang tàng trữ là để bị cáo sử dụng dần, chứ không phải để bị cáo bán cho người khác.
“Trong vòng chưa đầy 1 tháng, bị cáo đã mua hết 24 triệu tiền ma túy. Như vậy mỗi ngày bị cáo sử dụng hết 1 triệu tiền ma túy. Có nghĩa những hôm đi thăm con, bị cáo vẫn sử dụng ma túy trước mặt con mình?”, tòa hỏi.
Bị cáo Ngân chối, cho rằng những hôm đi thăm con, bị cáo đều “nhịn”.
“Chồng bị cáo có biết bị cáo dùng ma túy không?”.
“Dạ không biết”.
“Bị cáo đi làm phục vụ, lương có đủ mua sữa cho con và mua ma túy cho mình không?”.
Bị cáo ậm ừ mãi, nhưng rốt cuộc không trả lời câu hỏi của thẩm phán.
Tòa hỏi: “Khi bị bắt quả tang, bị cáo mang theo 8 triệu đồng trong người. Số tiền này do đâu mà có?” Bị cáo khai, số tiền đó mình mượn của chị dâu để mua sữa cho con và trả nợ. Một vị hội thẩm truy, mỗi lần sử dụng ma túy bị cáo “đốt” hết 1 triệu đồng, sao lúc đó không nghĩ đến việc để dành tiền sữa cho con? Bị cáo lại lúng túng không trả lời được.
Tòa hỏi bị cáo Niệm, trong gia đình có ai biết bị cáo nghiện ma túy không? Niệm khai không ai biết cả. “Vậy những lúc lên cơn nghiện, bị cáo ở đâu mà người thân không phát hiện ra?”. Niệm khai mình sử dụng ma túy hơn 1 năm nay, nhưng chỉ sử dụng, chứ “hoàn toàn không nghiện”. Những lúc “đói” thuốc, bị cáo vào nhà vệ sinh để sử dụng hoặc chờ đêm khuya, khi vợ con đều ngủ hết bị cáo mới dùng ma túy.
“Cả hai bị cáo đều đã có vợ có chồng, có con cái. Những khi sa đọa vào các cuộc chơi, bị cáo có nghĩ đến con cái mình không? Con cái bị cáo rồi sẽ ra sao, khi có một người cha, người mẹ nghiện ngập?”.
Cả hai bị cáo nín thinh, không ai trả lời câu hỏi của vị chủ tọa.
Mang bầu để “lách luật”
Nữ bị cáo ốm nhom ốm nhách đứng trước tòa, cái bụng bầu hơn 4 tháng như thể dính sát vào lưng. Đại diện Viện kiểm sát hỏi: “Bây giờ bị cáo đang mang thai 4 tháng. Vậy ngày nào cũng sử dụng ma túy như thế bị cáo có sợ ảnh hưởng đến thai nhi hoặc nguy hiểm đến tính mạng của cả hai mẹ con không?”.
Bị cáo cúi mặt, không trả lời. Không khí phiên tòa có một khoảng lặng xót xa khi vị hội thẩm đặt câu hỏi, bây giờ con của bị cáo mới 4 tuổi. Bị cáo lại tiếp tục mang thai trong khi biết mình chuẩn bị đối mặt với sự phán quyết của pháp luật, “đối mặt” với bản án tù.
Phải chăng bị cáo cố tình làm điều đó để “lách luật” (theo quy định của pháp luật hình sự, bị can, bị cáo mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được tại ngoại, tạm hoãn thi hành hình phạt tù).
Trong thực tiễn xét xử, nhiều vụ án hình sự đã có hiệu lực pháp luật, đáng lẽ bị cáo phải chấp hành hình phạt tù nhưng được tạm hoãn thi hành án, vì đang nuôi con nhỏ. Và trong thời gian “ở ngoài”, các bị cáo đó cố tình tiếp tục mang thai, sinh nở để “né” thi hành án. Có trường hợp nữ bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản, sinh liền tù tì thêm 4 đứa con.
Thế nhưng, có “lách” cũng không thể nào trốn tránh được pháp luật. Trái lại, hệ lụy càng buồn hơn. Những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh người mẹ đang nghiện ma túy, trộm cắp (không có việc làm ổn định)…, không đảm bảo kinh tế vừa không đảm bảo yếu tố tinh thần để nuôi dạy con tốt. Cuộc sống các cháu sẽ thiệt thòi, tương lai không biết sẽ ra sao?
Kiểm sát viên ngán ngẩm nói với bị cáo, ai làm cha làm mẹ cũng mong muốn con cái mình hơn bạn hơn bè, nếu không thì cũng phải bằng bạn bằng bè. Đằng này bị cáo lại dùng chính con cái của mình để thực hiện những hành vi xấu xa. Lương tâm một người mẹ trong bị cáo ở đâu?
Theo kiểm sát viên, bị cáo được cho tại ngoại để chăm sóc con nhỏ, nhưng bị cáo vẫn sống nay đây mai đó, lang bạc kỳ hồ. Con cái thì bỏ bê chẳng ngó ngàng đến. Giờ lại tiếp tục mang thai. Bị cáo có nghĩ vì bản thân mình, mà bị cáo đã làm liên lụy đến chính con mình không? Nữ bị cáo cúi gằm mặt nhìn xuống đất.
Sau khi hội đồng xét xử nghị án, bị cáo Ngân bị phạt 2 năm tù về tội “mua bán trái phép chất ma túy”, 2 năm tù về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo sẽ phải chấp hành 4 năm tù. Bị cáo Niệm bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Sau phiên tòa, bị cáo Niệm được chiếc xe bít bùng chở về lại trại tạm giam. Bị cáo Ngân vẫn được trở về nhà, vì những quy định nhân đạo. Thế nhưng, đừng lợi dụng điều này để “lách”, bởi không ai có thể trốn tránh pháp pháp luật cả đời, thậm chí còn gây thêm những hệ lụy khó có thể đong đếm…