Phát biểu tại buổi nghiệm thu đề tài, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS cho biết, xác định việc nghiên cứu đề tài này là nhiệm vụ quan trọng, là cơ sở tiền đề tham mưu cho Lãnh đạo Bộ đề xuất chính sách trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật THADS sửa đổi, do đó đồng chí cùng nhóm nghiên cứu đã nỗ lực thực hiện đề tài theo đúng Kế hoạch.
Đồng chí cũng cho biết thêm, nội dung nghiên cứu những vấn đề lý luận về THADS và công tác xây dựng Luật THADS, kinh nghiệm quốc tế về thi hành án và thực trạng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật về THADS ở Việt Nam. Từ đó chỉ ra những hạn chế, bất cập chủ yếu của Luật THADS cần xử lý ở tầm chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này, đồng thời nghiên cứu, đề xuất những định hướng, chính sách nhằm phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật THADS trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn cũng nhấn mạnh, đề tài được xác định có tính ứng dụng cao, bên cạnh vấn đề về nguyên lý, lý luận, nhóm nghiên cứu đã thu thập “tiếng nói” từ thực tiễn của công tác THADS để có thể quay trở lại phục vụ việc cho việc sửa đổi, bổ sung Luật THADS nhằm hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.
Nhận xét về đề tài, đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Phản biện 2 của Hội đồng nhận định: Chủ nhiệm đề tài cùng nhóm nghiên cứu có lợi thế rất lớn khi xây dựng đề tài đó là trực tiếp quản lý nhà nước về THADS, do đó số liệu trong đề tài đảm bảo sự tin cậy, thuật ngữ sử dụng chính xác. Việc kế thừa các công trình nghiên cứu đi trước giúp việc xây dựng đề tài toàn diện, sâu sắc và rất công phu. Bố cục đề tài viết theo cấu trúc truyền thống nên dễ theo dõi, các lập luận phân tích đảm bảo tính khoa học. Thực trạng pháp luật hiện hành và thực tiễn THADS đều đưa ra được thành tựu, hạn chế và giải pháp.
Đánh giá đề tài được thực hiện rất công phu, đồng chí Đặng Vũ Huân, Ủy viên Hội đồng cũng đánh giá cao kết quả của nhóm nghiên cứu đã đạt được, đồng thời đề nghị Chủ nhiệm đề tài cùng nhóm nghiên cứu tiếp nghiên cứu thêm quan niệm về chính sách pháp luật và mục tiêu của chính sách theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đồng chí, giữa chính sách và pháp luật phải có mối liên hệ với nhau vì chính sách tại thời điểm nêu ra có thể chưa được thể chế hóa. Nhưng những vấn đề đã được thể chế hóa thì nhất định phải có trong chính sách.
Từ đó đồng chí chỉ ra, chính sách phải giải quyết được 5 vấn đề lớn, trong đó mục tiêu của chính sách. Đối với lĩnh vực THADS thì mục tiêu của chính sách chính là quyết định của bản án phải được thi hành. Vây làm như thế nào để bản án được thực thi, việc quản lý nhà nước như thế nào, có xã hội hóa được không, đồng chí Đặng Vũ Huân nêu ra một loạt câu hỏi và khẳng định từ những chính sách đó sẽ liên quan đến những định hướng mà nhóm nghiên cứu đề ra.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài phát biểu ý kiến |
Tán thành với các ý kiến của các thành viên Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao sự nghiêm túc, cố gắng trong quá trình nghiên cứu xây dựng đề tài của ban chủ nhiệm đề tài. Nhận định, đề tài cơ bản đã bảo đảm được hàm lượng khoa học, Thứ trưởng đã nêu một số kết quả nổi bật của đề tài như: Đã làm rõ bản chất của THADS và các đặc trưng nổi bật của công tác này; đã nhận diện làm rõ được khái niệm chính sách pháp luật; giới thiệu một số kinh nghiệm tốt về THADS của một số nước trên thế giới; đánh giá sâu về thực trạng THADS kể cả về mặt lý luận và thực tiễn từ đó chỉ ra những bất cập tồn tại, khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động THADS; xác định được hệ các chính sách lớn liên quan đến việc sửa đổi bổ sung luật THADS… Do vậy, Thứ trưởng khẳng định Đề tài có nhiều đóng góp mới cho việc xây dựng pháp luật, trong đó phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng luật THADS sửa đổi.
Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Hội đồng đã thông qua Đề tài với đa số phiếu.