Đã có 406 trẻ em sinh ra do mang thai hộ
Để đáp ứng nguyện vọng chính đáng đối với trường hợp vì bệnh lý (dị tật bẩm sinh - không có tử cung, u xơ tử cung, suy tim, suy gan, suy thận, tai biến sản khoa cắt tử cung…) nhưng vẫn mong muốn được có con mang huyết thống của mình, Luật HNGĐ năm 2014 đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Luật đã tạo ra cơ chế pháp lý khá hoàn chỉnh cho việc mang thai hộ với các điều từ Điều 93 - 100 về xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo…
Dựa trên các quy định này, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP tiếp tục cụ thể hơn nữa các quy định về mang thai hộ nhằm bảo đảm cơ chế, giải quyết hậu quả pháp lý của việc mang thai hộ; bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em sinh ra từ việc mang thai hộ, bảo vệ bên mang thai hộ và nhờ mang thai hộ.
Đồng thời, để ngăn chặn việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định việc xử lý hình sự đối với hành vi này tại Điều 187 về tội “Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại”. Thực tiễn, ngày 11/4 vừa qua, Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt Phạm Thị Huế (35 tuổi) và Ninh Thị Hải Yến (31 tuổi) để điều tra hành vi tổ chức mang thai hộ nhằm mục đích thương mại.
Qua gần 5 năm thi hành Luật, hiện nay, cả nước có một số cơ sở được công nhận mang thai hộ vì mục đích thương mại, bao gồm Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Mỹ Đức. Các cơ sở này đã thực hiện tổng cộng 406 trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Có thể đánh giá, việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật HNGĐ là một bước tiến dài trong công tác xây dựng pháp luật, xóa bỏ được định kiến xã hội trước đây, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo điều kiện trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống và phù hợp với thực tiễn.
Đề nghị nới lỏng các quy định về điều kiện mang thai hộ
Tuy nhiên, Luật chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo khi có “quan hệ thân thích cùng hàng” là rất khó thực hiện. Theo phân tích của Bộ Y tế, quan hệ thân thích cùng hàng rất rộng, bao gồm: người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời cùng hàng với vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ. Chẳng hạn, trường hợp một người quê ở Nam Định, lớn lên ở Hải Phòng và đang làm việc tại Hà Nội thì ai sẽ là người xác định người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ có quan hệ thân thích cùng hàng? Vì chỉ những người trong họ tộc mới biết, nhưng họ tộc xác nhận có là căn cứ pháp lý được không?
Không những thế, quan hệ nuôi dưỡng còn khó chứng minh hơn do Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa hướng dẫn xác nhận quan hệ thế nào là quan hệ nuôi dưỡng; chị em nuôi, anh em nuôi có phải là quan hệ nuôi dưỡng không… “Vì chưa có quy định rõ ràng và chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh nên người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Đây là một trong những nguy cơ có khả năng dẫn đến mang thai hộ vì mục đích thương mại” – Bộ Y tế bày tỏ lo ngại.
Ngoài ra, điều kiện của người mang thai hộ theo quy định của Luật hiện hành quá chặt chẽ và rất ít người đạt được, như quy định cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ chưa có con chung, phải là người thân thích…. Thực tế, có trường hợp đã có con chung rồi nhưng đứa trẻ ấy có thể mắc bệnh hiểm nghèo hoặc không tìm được người thân thích. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị nới lỏng các quy định về điều kiện mang thai hộ và nhờ mang thai hộ để nhiều trường hợp các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có thể có con mang huyết thống của mình.
Tổng hợp các ý kiến qua dự thảo báo cáo sơ kết thi hành Luật, Bộ Tư pháp cũng nhận định, đối với việc thực hiện quyền làm cha, làm mẹ của những cặp vợ chồng đã có con chung nhưng con bị khuyết tật hoặc bệnh về trí não, vợ chồng không thể sinh con tiếp nhưng không có quyền được nhờ người khác mang thai hộ là rất ảnh hưởng đến gia đình họ. Từ đó, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng có thể mang thai hộ miễn sao họ có mục đích nhân đạo, hỗ trợ vợ chồng trong việc thực hiện quyền làm cha, làm mẹ
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế pháp lý xử lý nghiêm những hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại; cơ chế giải quyết tranh chấp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; cụ thể hóa về đối tượng được hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội là người chồng trong cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không nếu ngay sau khi sinh con, người mang thai hộ giao ngay con cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ nuôi dưỡng…