Ngày 6/11/2012 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Nông đã bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Hoàng (SN 1983, ngụ thôn 9, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) để điều tra làm rõ về hành vi giết người. Nạn nhân của vụ án mạng đau lòng này là ông Nguyễn Minh Tiến (SN 1929), cha ruột của hung thủ. Trước đó, người cha già này đã cầm bát đi xin cơm khắp các nhà trong xóm...
Ngôi nhà xảy ra vụ án |
Đêm 4/11/2012, sau khi đi nhậu túy lúy về tới nhà, người con trai út là Nguyễn Văn Hoàng và cha mình là ông Nguyễn Minh Tiến đã xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Bực tức vì “con dám cãi cha” nên ông Tiến liền chạy vào trong bếp cầm dao nhọn ra đe dọa Hoàng. Đáp lại, Hoàng giật dao rồi đâm nhiều nhát vào bụng khiến ông Tiến đổ gục.
Một người hàng xóm phát hiện ra sự việc liền điện báo cho người thân của gia đình này. Nhưng khi các con của ông Tiến có mặt thì ông đã nằm bất động trên vũng máu, Hoàng nằm cạnh đó với miệng sùi bọt mép. Cha con ông Tiến được cho đi bệnh viện cấp cứu nhưng chỉ có Hoàng là qua khỏi cơn nguy kịch.
Vụ việc con giết cha nhanh chóng lan truyền trong dư luận và làm nảy sinh những luồng dư luận trái chiều. Người cho rằng ông Tiến ăn ở không ra gì nên mới gặp cơ sự này. Người lại bảo rằng, dù cha thế nào thì con giết cha cũng là “đại nghịch bất đạo”, là phạm phải tội ác “trời không dung, đất không tha”.
1 ngày sau khi gây án, Hoàng đã ra viện và đến Công an huyện Cư Jút tự thú. Hiện tại sự việc vẫn đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông điều tra, làm rõ.
Để có cái nhìn cận cảnh, đa chiều hơn về vụ án chấn động này, phóng viên đã làm việc với gia đình hung thủ và cũng là bị hại. Bà Nguyễn Thị Mến (SN 1935, vợ của ông Tiến và cũng là mẹ đẻ của Hoàng) than thở: “Đau đớn lắm chú ơi! Nhưng cũng không thể trách thằng con trai tôi được. Cơ sự ra nông nỗi này là do ông nhà tôi hết. Nếu như ông ấy ăn ở khác đi và không có những hành động khác người thì cũng không đến nỗi như vậy. Ông ấy đày ải tôi còn chưa đủ hay sao mà bắt các con tôi phải chịu đựng cái cảnh này?”.
Theo lời bà Mến thì nguyên do xảy ra sự việc là do Hoàng “tức nước vỡ bờ” hay “con giun xéo mãi cũng quằn”. Vì không thể chịu đứng tính cách hà khắc, có phần gia trưởng, thuộc vào kiểu “nhân gian có một” của ông Tiến nên mới đẩy đến bi kịch cha bị con sát hại. Trước đó, ông Tiến đã mang bát đi xin ăn khắp các nhà trong xóm làm cho bà Mến và các con xấu hổ không dám ngước mặt khi ra đường.
Bởi vì, gia cảnh các con ông Tiến dù nghèo khó nhưng không đến nỗi phải vác bát đi ăn xin. Ông Tiến làm thế là để chọc tức vợ con và để loan tin cho hàng xóm rằng vợ con ông ăn ở với ông không ra gì, cho vợ con ông xấu hổ, nhục mặt với thiên hạ.
Bà Mến chia sẻ , năm 16 tuổi, bà Mến được cha mẹ gả cho ông Tiến, một người cùng làng. Đám cưới thời đó thật đơn sơ và giản dị. Sau 32 năm chung sống (1951 đến 1983), hai vợ chồng sinh được 8 người con (6 trai, 2 gái). Tất cả 8 người con đều do một bàn tay bà nuôi dưỡng và chăm sóc vì ông Tiến là người gia trưởng, ít làm lụng, đỡ đần vợ con.
Cũng bởi cái chất “gia trưởng” ấy mà đời sống mẹ con bà Mến phải chịu khổ cực, đày ải. Đã biết bao nhiêu lần, bà Mến vô cớ bị chồng đánh đến thâm tím mặt mày. Có lần bà bị ông cầm tóc lôi đầu đập vào tường thùm thụp. Và những đứa con cũng là những cái giỏ chứa sự bực tức, khó chịu mỗi khi ông Tiến muốn xả nỗi bực bội trong người.
Hồi còn nhỏ, có lần Hoàng ham việc nên đến quá trưa vẫn chưa đi làm đồng về, bà Mến thương con mới xới một bát cơm để phần. Ông Tiến thấy vậy liền đổ bát cơm này cho heo ăn. Nhưng như thế chưa thấm vào đâu so với những lần ông Tiến cầm dao đuổi chém vợ và con.
Một phần vì không thể chịu đựng được tính cách ngang ngược và khắc nghiệt của người cha, phần vì cuộc sống quá khó khăn nên từ năm 1990-2000, lần lượt các con của ông Tiến đã chuyển vào Tây Nguyên lập nghiệp rồi định cư hầu hết ở tỉnh Đăk Nông. Ở ngoài Bắc chỉ còn lại đôi vợ chồng già với căn nhà tổ để lại.
Năm 2010, vì nhớ thương cha mẹ, các con của ông Tiến - bà Mến đã đưa cha mẹ vào để phụng dưỡng. Nhưng từ khi được đón vào Tây Nguyên, ông Tiến không những không thay đổi mà tính cách lại có phần “gia trưởng” hơn. Mỗi khi không bằng lòng chuyện gì là ông lại lôi vợ ra chửi bới, đánh đập và các con không thể khuyên giải được. Thậm chí, ông Tiến không chỉ đi khắp xóm làng nói xấu vợ con mà còn mang bát đi ăn xin để vợ con phải xấu hổ với bàn dân thiên hạ.
Trong một lần đi làm cơ khí ở ngoài phố, Hoàng nghe thấy những lời xì xào bàn tán nói về gia đình mình. Vì chán đời nên Hoàng đi uống rượu cho thật say, về đến nhà thì bị ông Tiến chửi mắng. Đang lúc sẵn hơi men lại nghĩ đến cách hành xử lập dị, những lời lẽ thô tục của người cha nên Hoàng không chịu được mới dẫn tới kết cục đắng lòng như vậy.
Một người anh của Hoàng cho biết: “Chú Hoàng nhà tôi dù đã trưởng thành nhưng suy nghĩ vẫn còn non dại. Tôi vừa là con, lại vừa là anh, không biết phải phân xử như thế nào cho phải nhẽ. Nhưng dù gì thì con cái cũng không nên hành xử như vậy. Cũng mong pháp luật soi xét, cho chú ấy được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật”.
Một người anh khác của Hoàng thì tâm sự: “Là con người, ai cũng có sức chịu đựng cả thôi. Vì cha tôi ăn ở quá tệ bạc với mẹ con chúng tôi, muốn mẹ con chúng tôi phải xấu hổ với thiên hạ nên mới thành ra thế này. Chuyện này cũng không thể trách thằng Hoàng được. Với 10 năm làm công an xã, tôi xin khẳng định thằng Hoàng là một đứa ngoan, chỉ có chuyện rượu chè là hơi quá, nó tuyệt đối chưa hề có một tiền án, tiền sự nào cả”.
Được biết, Hoàng là con út trong 8 anh chị em, vì gia cảnh nghèo khó nên không được ăn học đến nới đến chốn. Trong khi đó, Hoàng còn phải lao động mưu sinh khắp đó đây, Hoàng là người có chí, đã từng đi đãi vàng để nuôi mộng làm giàu. Năm 21 tuổi, sau ước mơ làm giàu bất thành, Hoàng trở về nhà rồi lấy vợ. Hai vợ chồng có một người con (đang học lớp 2). Cuộc sống gia đình cũng tương đối khó khăn, vợ bán bánh quấn ở chợ, chồng làm hàn sì, cơ khí ngoài phố. Khi đón cha mẹ từ quê vào, vợ chồng Hoàng nhận nhiệm vụ chăm sóc, phụng dưỡng.
Rồi mai đây, Hoàng không chỉ bị đưa ra “công đường” xét xử với tội ác giết cha, mà còn muôn đời bị người đời chê cười là “nghịch tử” bất hiếu. Vụ án mạng đau lòng cho thấy nếu nạn bạo lực gia đình không được giải quyết một cách thấu đáo thì nó sẽ giống như một khối u ác tính tồn tại và phát tác trong cơ thể con người rồi đến một ngày sẽ khiến tất cả đi đến hồi kết diệt vong.
Để tránh những hậu họa đáng tiếc thì các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội ở cơ sở cũng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho mọi người, nhất là việc trang bị kiến thức về kỹ năng sống, cách giải quyết mâu thuẫn nảy sinh. Dù gì cũng phải nói rằng, gia đình là nơi cho ta những niềm vui, sự thảnh thơi, và bình yên nhất. Là người cùng chung sống dưới một mái ấm, mỗi thành viên trong gia đình nên trao tặng nhau tình yêu thương chứ không phải những lời tị hiềm và lòng thù hận.
Tự Lập