“Muốn quản lý bằng đó có bị thu hồi do vi phạm pháp luật giao thông, có bị mất thật hay không thì các phần mềm, các phương pháp quản lý nhà nước hoàn toàn có thể làm được, chứ không phải vì anh không quản lý được nên bắt người dân thi lại. Việc đó hoàn toàn vô lý, không có cơ sở, không đạo lý”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nêu quan điểm. Ông nói rất đúng, làm chúng ta rất buồn.
Báo chí đưa tin hôm 9/3, Sở GTVT Hà Nội báo cáo Bí thư Thành ủy 2 đề án: Thứ nhất là xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030, trong lộ trình có tính tới dừng đăng ký mới xe máy. Thứ hai là xây dựng đề án thu phí của một số loại phương tiện giao thông vào khu vực trung tâm dễ gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Ngay cả một Phó Chủ tịch UBND TP, trưởng thành từ Giám đốc Sở GTVT cũng dùng nhiều “thực tế” nước ngoài để làm “dẫn chứng” bảo vệ quan điểm.
Không có nước nào giao thông lại “hỗn hợp” như Việt Nam, trên cùng một tuyến đường đủ các loại phương tiện tham gia giao thông. Không có đô thị nào trên thế giới phương tiện giao thông cá nhân lớn và đi lại “mắc cửi” như Việt Nam. Đến mức một ký giả nước ngoài đã “phát hiện”: giao thông đô thị Việt Nam là môn “làm xiếc” tập thể và “luật đi đường Việt Nam là luật của kẻ mạnh”, có nghĩa là: xe nhỏ tránh xe to và ai “cướp” đường là đi trước.
Cho nên đề xuất của lãnh đạo hữu trách trước Bí thư Thành ủy Hà Nội, có thể nói là không có gì mới, thậm chí cũ rích. Có điều: tắc đường đô thị nếu chỉ đổ lỗi cho phương tiện cá nhân/xe máy là đánh tráo phương pháp và cấm xe máy thì dân đi lại bằng gì? Chỉ cần một quan chức TP vi hành đến cuối đường Trần Hưng Đạo (tiếp giáp Lê Duẩn) sẽ trả lời được câu hỏi: Nguyên nhân đầu tiên gây ra ùn tắc đô thị chính là quy hoạch chứ không phải do phương tiện cá nhân. Ba tòa nhà cao tầng đối diện nhau của đoạn phố này “hút” hàng vạn người làm việc làm cho đoạn phố trở nên “đông cứng”.
Các nước văn minh, giao thông đô thị gần đồng nghĩa với vận tải công cộng. Ở các nước phát triển (như Mỹ), Chính phủ đâu ra lệnh “cấm xe máy”? Nhưng ra đường may mắn lắm mới gặp 1 - 2 xe máy, vì sao? Vì mạng lưới giao thông công cộng đầy đủ, đúng giờ, đi xe máy nguy hiểm hơn và giá cả ô tô thì rẻ ai cũng mua được, hạ tầng thì ổn, đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu đặt ra.
Việt Nam thì sao, làm 15 năm 13 km đường sắt đô thị Hà Đông – Cát Linh chưa xong. Bao giờ phương tiện vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thì không cần phải cấm đâu.