Tây Tựu là một trong 6 làng trồng hoa truyền thống ở Hà Nội, mỗi hộ trong làng trồng đến hàng trăm m2 hoa, cá biệt có hộ trồng hàng nghìn m2 (1 mẫu Bắc bộ). Tuy nhiên, việc người dân "đổ cơ nghiệp" vào hoa cũng đồng nghĩa với việc đối mặt với rủi ro cao bởi hoa phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Làng trồng hoa truyền thống tại Tây Tựu |
Gia đình ông Nguyễn Tư Đăng (52 tuổi, Tây Tựu, Hà Nội) trồng hoa hồng đã hơn 10 năm trên khoảng 700m2, với vốn đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đồng. Ít nhất sau một năm hoa mới cho thu hoạch và thu hồi dần vốn. “Nếu thời tiết thuận lợi, theo tính toán sau khoảng 3 năm thu được gốc” – ông Đăng cho biết.
Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, từ tháng 8 năm nay, ông Đăng phải đầu tư nhiều tiền và công sức hơn để cây không bị sâu hại, phun phèn cho cây và bọc giấy cho hoa... nhưng hiệu quả không đáng kể. "Năm nay thời tiết thay đổi mưa nhiều, đặc biệt là các đợt mưa lớn kéo dài cản trở nụ lên hoa và tỉ lệ hoa dập, không đạt chuẩn nhiều", ông Đăng thở dài chia sẻ.
Thu hoạch hoa, mang ra chợ sớm phục vụ dịp lễ 20/10 |
Cũng theo ông Đăng, dịp lễ 20/10 năm nay, hoa bán được giá cao hơn, hoa hồng sếu 40.000 đồng/bó/50 bông; hoa cúc vàng bán 140.000 đồng/bó/50 bông; hoa ly dao động từ 80.000 - 150.000 đồng/bó/10 cành ( 3- 7 bông trên cành). Tuy nhiên, do số lượng hoa chất lượng giảm nên doanh thu cũng không chênh lệch so với cùng kỳ năm trước.
Cửa hàng đã nhập hoa chuẩn bị cho 20/10 |
Nhiều người kinh doanh hoa tươi chia sẻ thêm, thu nhập người dân nhìn chung ngày càng cải thiện, nhu cầu về quà tặng 20/10 có sự thay đổi đáng kể. Ngoài hoa nhập ngoại, hoa sáp và hoa khô xuất hiện với mẫu mã, chủng loại phong phú, giá hợp lý cùng những mặt hàng mang tính hữu dụng cao như mỹ phẩm hay hàng thời trang cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường hoa tươi. Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt hơn, hoa tươi trong nước khó trồng khó tươi lâu, dễ hư hỏng nên thu nhập người trồng và người bán hoa cũng giảm đáng kể. Không khó bắt gặp cảnh cuối ngày 20/10 hoa bán giá "siêu rẻ" hoặc bị người bán bỏ lề đường.