NGHỊ QUYẾT
Về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố năm 2011
(Nghị quyết số 20/2010/NQ-HĐND, ngày 9-12-2010 của HĐND thành phố Hải Phòng)
HĐND thành phố Hải Phòng khóa 13, kỳ họp thứ 19
(Từ ngày 7 đến 9-12-2010)
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26-11-2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 3-12-2004;
Sau khi xem xét Tờ trình số 67/TTr-UBND ngày 2-12-2010 và Báo cáo số 173 /BC-UBND ngày 2-12-2010 của UBND thành phố về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2010; phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2011; Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND thành phố.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2010
HĐND thành phố cơ bản tán thành Báo cáo của UBND thành phố về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2010 và nhấn mạnh một số vấn đề chủ yếu:
Năm 2010, thành phố thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước đang có sự phục hồi và phát triển, nhưng tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu còn ảnh hưởng đến kinh tế cả nước và thành phố. Bên cạnh đó tình hình lạm phát, giá cả tăng cao; thiếu điện, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp... đã tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống xã hội. Song Đảng bộ, chính quyền, các cấp, ngành, cùng toàn quân, toàn dân thành phố đã chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, hoàn thành khá toàn diện kế hoạch năm. Tình hình kinh tế - xã hội thành phố ổn định và phát triển, đang dần lấy lại đà tăng trưởng so với thời kỳ trước suy thoái: hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; GDP tăng 10,96%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; một số công trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng được khởi công, khánh thành cơ bản theo đúng tiến độ đề ra; công tác quản lý, phát triển đô thị và các hoạt động quản lý đô thị trên một số mặt tiếp tục có chuyển biến tích cực. Cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, gian lận thương mại có nhiều chuyển biến và tiếp tục được triển khai khá đồng bộ, xử lý kịp thời các sai phạm. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày Giải phóng Hải Phòng, 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đại hội 14 Đảng bộ thành phố tiến tới Đại hội 11 của Đảng, tạo được khí thế phấn khởi, tự hào và tin tưởng của nhân dân thành phố. Công tác đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế của thành phố, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. Giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đời sống nhân dân ổn định và tiếp tục được cải thiện.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội thành phố còn một số tồn tại, yếu kém: kinh tế thành phố tuy phát triển khá nhưng chưa đạt được mức tăng trưởng trước thời kỳ suy thoái; tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; du lịch chưa khắc phục được những yếu kém, hạn chế. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cải thiện chưa đáng kể. Tiến độ thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm chưa đạt kế hoạch đề ra. Môi trường sinh thái còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Xây dựng, cải tạo hạ tầng giao thông, quản lý sắp xếp trật tự đường hè còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện một số nghị quyết chuyên đề của HĐND chưa đạt yêu cầu. Cải cách hành chính chưa đồng đều giữa các địa phương, đơn vị. Tình hình an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo còn diễn biến phức tạp. Việc thực hiện chủ đề năm 2010 ở một số cấp, ngành, địa phương còn mang tính hình thức. Đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn.
38 triệu tấn là chỉ tiêu sản lượng hàng hóa thông qua cảng trong năm 2011. Ảnh: Duy Thính |
Những tồn tại, hạn chế, yếu kém trên đây có nguyên nhân khách quan, song chủ yếu là do năng lực tham mưu, quản lý điều hành của một số sở, ngành thiếu quyết liệt, gây chậm trễ trong giải quyết công việc; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của một số địa phương thiếu chủ động. Chế độ thông tin, báo cáo để điều hành công việc chưa kịp thời; còn tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức.
Điều 2. Về mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu và nhiệm vụ, giải pháp năm 2011HĐND thành phố thống nhất chọn chủ đề năm 2011 của thành phố là năm "Đô thị và bảo đảm an sinh xã hội" với mục tiêu, các chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2011, như sau:
1. Mục tiêu
Tập trung mọi nỗ lực thúc đẩy sản xuất phát triển, lấy lại đà tăng trưởng trên cơ sở tái cơ cấu nền kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt chủ đề năm 2011. Cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng toàn diện và đồng bộ. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
2. Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2011
a) Các chỉ tiêu kinh tế
-Tốc độ tăng trưởng GDP tăng từ 12% trở lên so với năm 2010, trong đó: Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản tăng 4,35 - 4,38 %; Nhóm ngành công nghiệp, xây dựng tăng 11,73 - 12,73%; Nhóm ngành dịch vụ tăng 13,5 - 14,5%.
-Cơ cấu kinh tế: Nông lâm thuỷ sản; Công nghiệp - xây dựng; Dịch vụ: tương ứng: 9% - 37% - 54%.
-Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng 5,4 - 5,6%, trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,5 - 4,6%; giá trị sản xuất thủy sản tăng 8 - 8,5% so với năm 2010;
-Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 11 - 12%;
-Kim ngạch xuất khẩu tăng 16 - 17%, đạt 2.266,5 - 2.286 triệu USD;
- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển đạt trên 35.000 tỷ đồng, tăng trên 8,8% so với năm 2010;
-Sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 38 triệu tấn, tăng 8,0%, trong đó cảng chính Hải Phòng đạt 17 triệu tấn;
-Thu ngân sách địa phương (thu nội địa) trên địa bàn 6.850 tỷ đồng, tăng 17,05% so với năm 2010;
-Thu hút khoảng 4,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 7,14% so với năm 2010;
b) Các chỉ tiêu xã hội:
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ổn định ở mức dưới 1%, mức giảm sinh bình quân trong năm 0,2‰;
-Giải quyết việc làm cho 4,9 vạn lượt người lao động, tăng 3,6% so với năm 2010; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%;
- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm từ 1,0 - 1,5%;
c) Các chỉ tiêu môi trường
-Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%;
-Tỷ lệ chất thải đô thị được thu gom và xử lý hợp vệ sinh đạt từ 92 đến 93%;
-Hoàn thành quy hoạch địa điểm xử lý chất thải rắn tại các huyện.
3. Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
a) Tập trung phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triểnTập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án đầu tư lớn vào hoạt động. Tiếp tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp để tạo điều kiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu ngành công nghiệp, quan tâm điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, thị trường, nguồn lực đầu tư, tái cơ cấu trong từng ngành, từng doanh nghiệp; ưu tiên các dự án có nguồn thu ngân sách lớn, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ cảng biển, dịch vụ tài chính, viễn thông, du lịch, dịch vụ tư vấn...
Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại; đồng thời chú trọng khai thác thị trường nội địa. Tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp và kinh tế hợp tác xã phát triển.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết chuyên đề của HĐND thành phố khóa 13. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, phát triển các vùng sản xuất rau sạch và chăn nuôi tập trung. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh; tiếp tục đầu tư cho các công trình thuỷ lợi, đê điều, giao thông nông thôn, phòng chống thiên tai.
Khai thác mọi tiềm năng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nội lực để đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh. Thực hiện tốt Luật Ngân sách Nhà nước bảo đảm đủ nguồn cho nhu cầu chi; sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả ngân sách thành phố, kiên quyết chống thất thu, thất thoát. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Tăng cường giải pháp quản lý, sử dụng các nguồn vốn, khắc phục tình trạng bố trí vốn đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Tập trung thực hiện tốt 11 dự án trọng điểm tại Báo cáo số 179/BC-UBND ngày 3-12-2010 của UBND thành phố trình tại kỳ họp thứ 19.
Tích cực triển khai có hiệu quả các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả, lưu thông hàng hóa. Đẩy mạnh công tác thông tin về thị trường cung cầu hàng hóa, giá cả để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, đẩy giá, ép giá làm ảnh hưởng đến thị trường, gây bất lợi cho người tiêu dùng.
b) Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; quản lý đô thị và xây dựng nông thôn mới
Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, công khai các quy hoạch đã được duyệt, thực hiện các biện pháp giám sát của cộng đồng về việc triển khai thực hiện quy hoạch; quan tâm đầu tư cho công tác thiết kế đô thị. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành phù hợp với Quyết định 1448 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dành quỹ đất phục vụ tái định cư, quỹ nhà ở xã hội; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển nhà, khu đô thị đã được phê duyệt; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên, bệnh viện, các dự án giao thông, thủy lợi...
Tăng cường đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị; tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông, các dự án nâng cấp đô thị, khu đô thị mới, khu đô thị trọng điểm, xử lý chất thải rắn, thoát nước mưa, nước thải... Chú trọng đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong các khu dân cư, khắc phục tình trạng ngập lụt cục bộ các tuyến đường, các khu dân cư. Tập trung hoàn thành nút giao thông ngã sáu Máy Tơ, nút giao thông Quán Mau, cầu phao Niệm; Đường 356 đoạn 2A từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ; sửa chữa cầu Bính... để hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 100% số xã trên địa bàn thành phố và huyện đảo Bạch Long Vỹ. Chỉ đạo các xã được lựa chọn điểm xây dựng nông thôn mới để tập trung thực hiện: phương án phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt... Tiếp tục triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", gắn với xây dựng nông thôn mới.
c) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững
Chú trọng công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên, bảo đảm đúng quy hoạch, kế hoạch, tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản; củng cố, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, nhất là đất đai.
Tập trung hoàn thành quy hoạch các địa điểm khu xử lý chất thải rắn tập trung của thành phố và các huyện, ga rác trung chuyển của các xã để triển khai việc đầu tư xây dựng.
Tăng cường bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các khu công nghiệp về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường, xử lý kịp thời, kiên quyết các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường từ khâu thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, các dự án đầu tư; giám sát chặt chẽ việc thực hiện để ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường. Hoàn chỉnh các công trình xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp. Thành lập Quỹ bảo vệ môi trường của thành phố.
Chủ động phòng tránh, hạn chế tác động xấu của thiên tai và sự biến động bất lợi của khí hậu; ứng cứu kịp thời, khắc phục hậu quả xấu do thiên tai gây ra.
d) Tiếp tục thực hiện chương trình bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh xã hội hoá các nguồn lực để phát triển và nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa - xã hội, thông tin truyền thông và khoa học công nghệ
Thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm chăm lo người có công với nước; các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Hoàn thành tiêu chí chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 - 2015 của thành phố. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa- xã hội.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển giáo dục mầm non thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Khắc phục sự mất cân đối giáo viên. Chấm dứt tình trạng lạm thu trong trường học. Quan tâm phát triển giáo dục toàn diện. Tăng cường đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề.
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội; thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, cân bằng giới tính; chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của trẻ em; xử lý nghiêm và kịp thời những trường hợp vi phạm chính sách dân số. Chủ động phòng chống dịch bệnh, tăng cường công tác y tế dự phòng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Phát triển thể dục thể thao theo hướng đầu tư cho cơ sở, đầu tư đào tạo thể thao chuyên nghiệp, chuẩn bị tốt lực lực lượng vận động viên tham gia các kỳ thi đấu thành tích cao ở trong và ngoài nước.
Chú trọng giải quyết việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, ngừng việc tập thể và quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn thành phố.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông. Triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Nâng cao chất lượng hoạt động báo chí.
Nâng cao chất lượng các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất và đời sống.
đ) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Tập trung cao cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung thực hiện giai đoạn 3 của Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính. Tập trung xây dựng bộ máy chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tăng cường vai trò giám sát của HĐND, UBMTTQ Việt Nam, các đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, thông tin về vụ việc tham nhũng trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật. Giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
e) Bảo đảm quốc phòng - an ninh
Đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và xây dựng khu vực phòng thủ; xây dựng lực lượng vũ trang từng bước chính quy, hiện đại, duy trì nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu; nắm chắc, kịp thời xử lý các tình huống. Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập phòng thủ, hội thi, hội thao, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.
Phối hợp chặt chẽ thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại với phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động nắm chắc tình hình, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; tập trung giải quyết những vụ việc nổi cộm, bức xúc. Tập trung ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các loại tội phạm, bảo đảm trật tự, an ninh và an toàn xã hội. Giữ vững chủ quyền, an ninh biển đảo, hải cảng thành phố. Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật, kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật giao thông; về giao thông, tập trung sắp xếp trật tự hè đường, nghiên cứu tổ chức lại giao thông hợp lý, chống ùn tắc giao thông.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Giao UBND thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp thuộc thẩm quyền của thành phố, trình HĐND thành phố quyết định.
Giao UBND thành phố tiếp thu các ý kiến của đại biểu HĐND thành phố, của cử tri và trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 14, hoàn chỉnh báo cáo đánh giá việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 5 năm 2006 - 2010; xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm 2011 - 2015, trình HĐND thành phố quyết định.
Giao Thường trực, các Ban và các đại biểu HĐND thành phố đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Đề nghị UBMTTQ Việt Nam thành phố và các đoàn thể, tổ chức xã hội tuyên truyền, quán triệt, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện nghị quyết; đồng thời giám sát việc thực hiện nghị quyết ở các địa phương, đơn vị.
Nghị quyết đã được HĐND thành phố khoá 13, kỳ họp thứ 19 thông qua ngày 9-12-2010.
Chủ tịch
Nguyễn Văn Thuận (đã ký)