Hôm qua (25/7), Anders Behring Breivik – nghi phạm gây ra 2 vụ tấn công đẫm máu ở Na Uy hồi cuối tuần trước, phải ra hầu tòa để nhận quyết định tạm giam. Theo luật pháp Na Uy, Breivik có thể sẽ chỉ phải lĩnh 21 năm tù giam bởi đây là khung hình phạt cao nhất trong hệ thống tư pháp của quốc gia này.
Một loạt những bức ảnh khác nhau của Anders Behring Breivik xuất hiện trên Facebook và YouTube sau vụ khủng bố.
Behring Breivik xuất hiện trước tòa án trong không khí tang thương tưởng nhớ 93 nạn nhân xấu số của hai vụ tấn công do kẻ thủ ác này gây ra. Theo thủ tục tố tụng Na Uy, trong lần hầu tòa đầu tiên này của nghi phạm khủng bố, thẩm phán quyết định việc tạm giam hắn với thời hạn tối đa là 4 tuần, sau đó có thể gia hạn tiếp trong khuôn khổ một phiên tòa mới khi hết thời hạn tạm giam lần đầu.
Trước khi ra hầu tòa, tối 24/7, luật sư của Anders Breivik cho biết, nghi phạm này muốn được xuất hiện trong một phiên tòa công khai và được mặc quân phục. “Thân chủ của tôi có hai nguyện vọng: thứ nhất là phiên tòa được mở công khai và hai là anh ta có thể được mặc một bộ quân phục”, luật sư Geir Lippestad tuyên bố trên đài truyền hình NRK
Hôm 24/7, cha đẻ của nghi phạm khủng bố Anders Behring Breivik là Jens Breivik cho biết, ông bị “sốc” khi phát hiện bức ảnh của con trai mình trên các báo mạng. “Tôi đọc tin tức trên Internet và bỗng nhiên thấy tên và ảnh của nó. Thật là sốc, tôi không bao giờ nghĩ sự việc đến mức như vậy”, người cha già về hưu nói với phóng viên báo Na Uy Verdens Gang. Ông Jens Breivik – từng là một nhà ngoại giao - đã ly hôn với mẹ của Anders Behring Breivik không lâu sau khi cậu con trai Anders sinh ra, rồi tái hôn với một người khác. Trong khi đó, mẹ của Anders cũng cưới một quân nhân. Người cha già giải thích, ông đã mất liên lạc với con trai mình từ năm 1995 khi cậu ta mới 15-16 tuổi. |
Cho tới hôm qua, Anders Behring Breivik, 32 tuổi, vẫn được hưởng quy chế của nghi phạm và, theo hệ thống tư pháp Na Uy, sẽ chỉ bị buộc tội sau cuộc điều tra của cảnh sát. Về phần mình, cảnh sát cho biết rõ vẫn chưa nắm rõ được động cơ của nghi phạm khủng bố, mặc dù hắn đã nhận tội.
Theo quy định pháp luật của Na Uy, khung hình phạt tối đa dành cho tội phạm là 21 năm tù và một tù nhân có thể được tha sớm nếu hội đủ các tiêu chuẩn xét ân xá. Điều kiện xét giảm án đầu tiên là tù nhân phải ngồi tù ít nhất 10 năm. Như vậy Breivik có thể chỉ phải ngồi tù đến năm 2021 và sau đó được xét ân xá.
Thực tế, ở Na Uy, rất ít tội phạm giết người phải thụ án trên 14 năm. Thậm chí, những đối tượng phạm tội bị kết án ở mức hình phạt cao nhất cũng có thể được phóng thích sau khi hoàn thành 2/3 hình phạt.
Tuy nhiên, hệ thống hình phạt của Na Uy cũng quy định, trong một số trường hợp tù nhân sẽ phải trải qua hết phần đời còn lại trong nhà giam bất chấp việc lĩnh mức án ra sao. Những người chịu bản án vô thời hạn này phải chứng minh không còn nguy hiểm cho xã hội mới có thể được xét ân xá.
Trong khi đó, với quy mô các tội ác của mình, Breivik sẽ luôn bị coi là mối nguy hiểm và trong trường hợp này luật pháp Na Uy có thể sẽ áp dụng thời gian giam giữ bổ sung nhằm "ngăn chặn nguy cơ". Nếu như vậy, kể cả Breivik bị tuyên 21 năm tù giam thì khi chuẩn bị mãn hạn, anh ta vẫn sẽ bị áp dụng 5 năm tù bổ sung "để ngăn chặn nguy cơ" đối với xã hội.
Theo con số thống kê mới nhất, tất cả 93 người đã thiệt mạng trong vụ bắn giết nhằm vào các thanh niên của đảng Lao động tập trung trên đảo Utoeya và trong vụ đánh bom trước đó không lâu gần trụ sở Chính phủ Na Uy. Trong khi khu vực tập trung trụ sở của các bộ đã bị tàn phá nặng nề và không thể sử dụng được, nhiều công chức Na Uy sẽ phải làm việc trong các tòa nhà hành chính khác.
Nhiều người đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trong hai vụ tấn công ở Na Uy. |
Cùng ngày, cả đất nước Na Uy và tiếp sau đó là Thụy Điển đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân trong hai vụ tấn công đẫm máu. Ở trường đại học Oslo, một cuốn sổ tang được mở để tưởng niệm các nạn nhân, trong đó chủ yếu là các thanh niên tham gia trại hè ở Utoeya.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ giết hại 93 người và làm gần 100 người khác bị thương, Breivik thực sự đã trở thành một trong những kẻ giết người khủng khiếp nhất trong lịch sử.
Na Uy hiện là một trong những nước có tỉ lệ tù nhân thấp nhất Châu Âu, với khoảng 66 người phải ngồi sau song sắt trong số 100.000 người dân, ít hơn một nửa so với ở Anh. |
T.T (theo AFP, Dailymail)