Tuổi thơ nhọc nhằn
Oprah Winfrey là kết quả của cuộc tình không hôn thú giữa một binh sĩ và một nữ dọn phòng chưa đến tuổi kết hôn. Ngay sau khi Winfrey ra đời, cha bà đã rời bỏ 2 mẹ con. Không thể nuôi được con, mẹ của bà quyết định gửi con về cho bà ngoại nuôi. Tuổi thơ của cô bé Winfrey trôi qua trong thiếu thốn trăm bề, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
Thậm chí, Winfrey còn phải chế những bao tải đựng khoai tây để mặc thay quần áo khi đến lớp trong sự chế giễu của bạn bè.
Nhưng, trong cái rủi vẫn có cái may, nhờ ở với bà, Winfrey được thừa hưởng sự dạy bảo rất nghiêm khắc. Năm cháu 2 tuổi rưỡi, bà ngoại của Winfrey đã bắt cháu học chữ. Nhờ đó, đến năm mẫu giáo, cô bé đã có thể viết được thư và được cho “nhảy cóc” lên lớp 3.
Đằng sau hình ảnh rạng ngời truyền cảm hứng của Winfrey là những nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và số phận |
Năm lên 6 tuổi, Winfrey được đưa về sống với mẹ và 2 người em khác cha ở khu ổ chuột Milwaukee - một khu dân cư cực kỳ nghèo và nguy hiểm. Cuộc sống ở đây có ảnh hưởng tiêu cực đến Winfrey trong những năm niên thiếu. Tệ hơn, bà liên tục bị một số người đàn ông là bạn của mẹ lạm dụng tình dục trong khi người mẹ vì bận lo mưu sinh nên không hề hay biết.
Năm 14 tuổi, Winfrey mang thai nhưng đứa trẻ không may bị sinh non và chết sau đó ít lâu. Sau cú sốc đó, bà may mắn được chuyển đến sống cùng với cha. Đây cũng chính là người đã cứu vớt cuộc đời bà. Bởi, ông đã vô cùng nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con gái, đưa bà từ một đứa trẻ không mấy vâng lời do đang ở tuổi ẩm ương lại chịu nhiều tổn thương dần vào khuôn khổ.
Ở với cha, bà cũng được cho tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng để phát triển năng khiếu. Biến đau thương thành sức mạnh Vào đại học, Winfrey bắt đầu quan tâm tới truyền thông và báo chí.
Tin được không: thời trẻ Winfrey từng có 2 lần thi Hoa hậu |
Nỗ lực tỏa sáng
Năm 19 tuổi, bà được nhận vào làm việc tại đài truyền hình địa phương WTVF-TV, trở thành người dẫn chương trình người Mỹ gốc Phi đầu tiên và cũng là người trẻ nhất của đài này. Ban đầu, bà được giao nhiệm vụ dẫn chương trình tin tức. Tuy nhiên, lãnh đạo của đài nhận thấy phong cách dẫn đầy cảm xúc của bà không hợp với chương trình thời sự nên chuyển bà sang dẫn chương trình đối thoại được phát sóng vào ban ngày.
Quyết định này nhanh chóng được chứng minh là đúng đắn vì chỉ ít lâu sau, chương trình đối thoại do bà dẫn dắt đã thu hút một lượng lớn khán giả theo dõi. Năm 1984, Winfrey chuyển sang một đài truyền hình khác và trở thành “chủ xị” của show “A.M. Chicago”. Chương trình mang dấu ấn cá nhân của bà đến mức chỉ sau một năm, nhà đài đã quyết định đổi tên thành “The Oprah Winfrey Show”. Chương trình này đến nay vẫn được ghi nhận là một trong những show truyền hình thành công nhất và có lượng người xem cao nhất lịch sử.
Với việc được phát sóng trên 120 kênh và thu hút lượng khán giả lên đến 10 triệu người, ngay trong năm đầu tiên ra mắt, chương trình này đã mang về cho đài truyền hình đến 125 triệu USD còn bản thân Winfrey nhận được 30 triệu USD. Nhờ việc là người cầm show truyền hình ăn khách nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ, Oprah Winfrey được mệnh danh là “Nữ hoàng truyền thông”. Với talkshow này, theo thống kê, bà đã tiếp xúc với hơn 30.000 khách mời, trong đó có hàng loạt những nhân vật nổi tiếng như các Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, George H.W. Bush, Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama.
Năm 2011, sau 25 năm, với 4.500 tập đã lên sóng, ‘The Oprah Winfrey Show’ đã chấm dứt phát sóng. Không chỉ thành công về mặt thương mại, đây cũng là một trong những chương trình có sức lan tỏa lớn. Nó đã phá vỡ nhiều rào cản xã hội và văn hóa khi đề cập đến nhiều vấn đề như đồng tính nam hay đồng tính nữ ở thời điểm mà những vấn đề này còn chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ như hiện nay.
Với cá nhân Winfrey, show diễn mang đậm dấu ấn cá nhân này đã mang về cho bà 35 giải Grammy. Tỉ phú da màu duy nhất Cũng từ thành công của ‘The Oprah Winfrey Show’, Winfrey đã mạnh dạn cho ra mắt kênh truyền hình của riêng mình, lấn sân sang sản xuất chương trình, đóng phim, kinh doanh...
Nữ hoàng truyền thông Oprah hỗ trợ Tổng thống Obama trong chiến dịch tranh cử tổng thống |
Năm 1985, bà được đề cử giải Oscar ở hạng mục ‘Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất’ cho vai diễn trong bộ phim “Màu tím”. Thành công trong gần như tất cả các lĩnh vực tham gia, Oprah Winfrey trở thành một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong xã hội, ngay cả cuốn sách ghi lại thực đơn giảm cân của bà cũng đã bán được hàng triệu bản!
Trong suốt nhiều năm liền, bà cũng liên tục có tên trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của Tạp chí Time. Tháng 9/2006, bà được tạp chí Forbes xếp ở vị trí 14 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới và đến nay đã nhiều lần xuất hiện trong danh sách này. Không chỉ vậy, bà cũng luôn có mặt trong danh sách những nữ tỷ phú tự đi lên giàu có nhất thế giới. Trong đó, từ năm 2004 đến năm 2006, bà là tỉ phú da màu duy nhất trên thế giới, cũng là nữ tỉ phú da màu đầu tiên trong lịch sử. Winfrey cũng ghi danh vào lịch sử khi là người phụ nữ tự thân giàu nhất tại Mỹ.
Oprah Winfrey và bạn trai đã đính hôn từ năm 1992 nhưng đến nay vẫn chưa có đám cưới chính thức |
Tạp chí Forbes tháng 2/2018 ước tính tổng tài sản của Winfrey lên đến 2,8 tỉ USD, đứng thứ 660 trong danh sách các tỉ phú của thế giới. Còn theo Chỉ số tỉ phú Bloomberg, tổng giá trị tài sản của bà lên đến 3,4 tỉ USD. Năm 1993, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Bill Clinton đã tôn vinh Oprah Winfrey bằng cách ký ban hành Đạo luật Oprah sau khi bà ra điều trần trước Ủy ban tư pháp của Thượng viện Mỹ để vận động cho việc thành lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về những kẻ lạm dụng trẻ em. Dự luật có tên chính thức là Đạo luật Bảo vệ Trẻ em quốc gia, đã tạo ra hệ thống kiểm tra lịch sử phạm tội quốc gia hiện nay ở nước này.
Tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng lần thứ 75 diễn ra đầu năm 2018, Winfrey lại một lần nữa trở thành cái tên được nhiều người nhắc đến khi được trao giải thưởng Cecil B. DeMille - Giải thành tựu trọn đời dành cho những cá nhân xuất sắc, có đóng góp lớn cho ngành giải trí. Bà là người phụ nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên được nhận giải thưởng danh giá này.
Tạp chí Vanity Fair từng nói về Oprah Winfrey như sau: “Oprah Winfrey có lẽ là nhân vật có ảnh hưởng trong lĩnh vực văn hóa hơn bất cứ chủ tịch trường đại học, chính trị gia hay các thủ lĩnh tôn giáo nào trên thế giới, chỉ trừ Đức Giáo hoàng”. Bà cũng được cho là đã góp phần giúp ông Barack Obama giành chiến thắng trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông, trở thành tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên.