Sẽ tiếp thu ý kiến từ giai đoạn dự thảo Thông tư trước đây
Theo Bộ Công Thương, ngay trong tháng 1 này, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thông qua đề nghị xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”. Sau đó Bộ sẽ tổ chức soạn thảo và lấy ý kiến các bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân… trong khoảng 3 tháng. Sau khi hoàn thiện, đến tháng 7/2021, dự thảo Nghị định sẽ được gửi Bộ Tư pháp thẩm định và dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành vào tháng 9/2021.
Việc xây dựng Nghị định “sản xuất tại Việt Nam” bắt nguồn từ việc xây dựng Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, đã từng được Bộ Công Thương tổ chức xin ý kiến các cơ quan, ban ngành từ tháng 8/2019 (gửi công văn xin ý kiến và tổ chức 2 hội thảo tại TP HCM và Hà Nội).
Đại diện Ban soạn thảo Thông tư cho biết, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tương đối đa dạng về nội dung đối với dự thảo 1 của Thông tư, tập trung vào các vấn đề như phạm vi điều chỉnh của văn bản; mối quan hệ của văn bản này với Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa; các tiêu chí được quy định dùng để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, quy định về công đoạn gia công chế biến đơn giản, cách thể hiện hàng hóa sản xuất tại Việt Nam...
Những ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đối với dự thảo 1 của Thông tư sẽ được Bộ Công Thương xem xét kỹ lưỡng, tiếp thu và chỉnh sửa cho phù hợp tại dự thảo của Nghị định.
Một số nội dung dự kiến sẽ được bổ sung tại dự thảo của Nghị định căn cứ trên ý kiến góp ý như cách thể hiện quy trình sản xuất cơ bản của hàng hóa trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng tiêu chí quy định tại Nghị định, tên gọi của văn bản, quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan… Ban soạn thảo Nghị định sẽ tổng hợp, biên tập các ý kiến đó với tiếp thu, giải trình của Bộ Công Thương, kèm theo dự thảo của Nghị định khi được gửi đi xin ý kiến.
Nhưng tiếp thu đến đâu?
Quá trình xây dựng Thông tư “sản xuất tại Việt Nam” đã vấp phải nhiều ý kiến cho rằng, nếu đưa ra các quy định như Thông tư thì Bộ Công Thương đã vô tình biến hàng hóa của các nhãn hàng đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam thành hàng hóa của Việt Nam.
Trả lời thắc mắc trên với Báo PLVN, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, trước hết, cần phân biệt giữa hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam thể hiện hàng hóa do các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra như sữa Vinamilk, xe Vinfast, nước mắm Cát Hải, cà phê Trung Nguyên... Trong khi đó, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam thể hiện địa điểm cũng như quy trình sản xuất hàng hóa đã được thực hiện tại Việt Nam, có hàm lượng trị giá nhất định từ Việt Nam (như nguyên liệu và lao động từ Việt Nam…).
Hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam không nói lên hàng hóa đó sản xuất ở đâu, có thể sản xuất tại Việt Nam, nhưng cũng có thể sản xuất tại nước ngoài. Còn khái niệm hàng hóa sản xuất ở Việt Nam không phân biệt về yếu tố thương hiệu hay chủ sở hữu của hàng hóa. Do đó, hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam hay thương hiệu nước ngoài nếu đáp ứng bộ tiêu chí của Nghị định đều được gọi là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Không biết các chuyên gia từng băn khoăn về việc “biến hàng hóa của các công ty đa quốc gia thành hàng Việt” có đồng tình với quan điểm trên và Bộ Công Thương sẽ tiếp thu vấn đề này như thế nào? Điều này có lẽ vẫn chờ việc Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định và hoàn tất dự thảo vào khoảng tháng 4 tới đây.