Em bé ấy không được may mắn, hạnh phúc như những đứa trẻ cùng trang lứa. Sau khi cha mẹ ly hôn, em phải sống cùng cha và mẹ kế, phải làm việc cật cực như một lao động trưởng thành. Vậy nên đã 12 tuổi nhưng em chỉ nặng có 24 kg.
Ngày 5/9/2013, trong khi em trai cùng cha khác mẹ cùng hàng triệu trẻ em khác đi dự lễ khai trường, thì cậu bé bất hạnh lại nằm gục bất tỉnh, với những vết thương ác hiểm trên người, đến hôm sau thì tử vong. Mặc dù người mẹ kế khai rằng em bị bỏng nước sôi dẫn đến thiệt mạng, nhưng dư luận nghi ngờ cái chết của em là do bị đầu độc...
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Cái chết thương tâm
Em bé bất hạnh ấy là Đào Duy Long (sinh ngày 21/5/2001, mất ngày 6/9/2013). Cái chết thương tâm của Long được phát hiện vào 10h10 ngày 5/9, tại nhà riêng của vợ chồng anh Đào Văn Phúc và chị Ngô Thị Hợp, là cha đẻ và mẹ kế của nạn nhân ở xóm Đồng Lều, thôn Thiết Úng (huyện Đông Anh, Hà Nội). Khi đó, cháu Đào Văn Tâm (7 tuổi, con của anh Phúc và chị Hợp) là em cùng cha khác mẹ với cháu Long đi khai giảng về, mở cổng ra thì phát hiện cháu Long đang nằm sõng soài ở sân, tình trạng rất nguy kịch.
Cháu Tâm vội chạy sang gọi hai anh họ là Đào Văn Thảo và Đào Văn Khải chạy sang ứng cứu. Theo trình bày của Thảo và Khải thì sang đến nơi, thấy cháu Long đang nằm thoi thóp dưới sân, một mắt nhắm, một mắt he hé mở, các vết bỏng loang lổ khắp cơ thể, một bên tai bị bỏng teo lại.
Thảo và Khải chạy đi lấy 2 chậu nước dội vào thân dưới, một chậu nhẹ tưới vào vùng mặt Long nhằm sơ cứu. Tuy nhiên, khi nước chảy qua miệng nạn nhân thì thấy sùi bọt ra. Cách chỗ cháu Long nằm không xa, có một phích nước bị đổ, một bình chứa nước cũng bị đổ và một bếp kiềng đun củi nhưng than đã nguội lạnh.
Hai anh em Thảo vội lấy xe máy chở nạn nhân đến Bệnh viện miền Đông (thuộc địa phận xã Vân Hà, huyện Đông Anh) cấp cứu, sau đó Long được chuyển lên Viện Bỏng quốc gia điều trị. Thấy cháu bé bị bỏng quá thương tâm nên các bác sĩ bức xúc hỏi: “Tại sao gia đình lại đưa cháu bé đi cấp cứu muộn thế này?”. Người nhà nói rằng lúc đó không có ai ở nhà nên cháu bị nạn không ai biết. Dù được các bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng nên đêm cùng ngày, cháu Long tử vong.
Nhận được tin báo, xét thấy cái chết của cháu Long có nhiều nghi vấn nên công an huyện Đông Anh đã thuyết phục gia đình cho tiến hành mổ pháp y để làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết của nạn nhân. Đến khoảng 15h30 ngày 6/9, việc mổ pháp y mới được hoàn tất.
Sáng 7/9, gia đình, người thân đã đưa bé Đào Duy Long về nơi an nghỉ cuối cùng. Hàng trăm người dân trong thôn đều thương xót, đến tiễn đưa cháu bé. Chỉ đến khi cháu Long mất, nhiều hàng xóm mới biết cuộc sống của cháu bé trong cảnh mẹ kế-con chồng quá khổ cực, thường xuyên bị hắt hủi, ngược đãi.
Trần tình đẫm nước mắt của mẹ nạn nhân
Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo Câu chuyện pháp luật và các cơ quan chức năng, chị Lê Thị Kim Oanh (SN 1974, quê Nam Định) là mẹ đẻ của cháu Long trình bày, cháu Long là con chung của chị Oanh và anh Đào Văn Phúc. Trong thời gian chị Oanh sinh cháu Long, vợ chồng xảy ra mâu thuẫn nên chị đành phải ôm con về quê ngoại ở Nam Định sinh sống. Sau đó, hai người ly hôn và anh Phúc cưới chị Ngô Thị Hợp làm vợ.
Cháu Long sống cùng mẹ ở Nam Định đến hết năm lớp 1 thì chị Oanh đi làm ăn xa, cháu bé lại phải xa mẹ để chuyển đến sống với cha và mẹ kế. Ở với cha, cháu Long chỉ được học hết lớp 5 thì phải nghỉ ở nhà để lo công việc cơm nước, bếp núc cho cả gia đình (nhà anh Phúc có xưởng mộc).
Theo chị Oanh trình bày, khoảng đầu tháng 6/2012, chị đến thăm cháu Long bị tai nạn ở gót chân phải nằm điều trị ở Bệnh viện Than (huyện Đông Anh). Gặp mẹ, Long vừa khóc vừa nói: “Mẹ cho con về ở với bà ngoại đi, mẹ Hợp hay đánh con, chửi con là chó hoang, ăn cơm mẹ Hợp không cho ngồi cùng mâm mà phải ăn sau cùng, chỉ khi bố Phúc về con mới được ngồi cùng ăn với cả nhà...”. Quá đau lòng, sau đó chị Oanh đã thương lượng với chồng cũ về nguyện vọng của con nhưng anh Phúc không đồng ý.
Đơn của chị Oanh bức xúc trình bày: “Tôi nghi ngờ cái chết của con tôi không phải một vụ bỏng nước sôi bình thường mà do cháu bị đầu độc. Các dấu vết, triệu chứng trên cơ thể cháu cho thấy: “Các vết bỏng loang lổ khắp cơ thể, da nạn nhân có màu đen sạm lại”; đặc biệt “miệng nạn nhân sùi bọt” và “một phần bên tai trái của cháu bị teo gần một nửa” không phải triệu chứng của bỏng nước sôi. Tôi nghi ngờ cháu Long đã bị đầu độc bởi một loại hóa chất dùng để tẩy gỗ thường dùng trong các xưởng mộc, với công dụng đặc chủng, gần như dung dịch axit, khi bắn vào da có thể khiến da cháy đen sạm, không may uống phải có thể bị ngộ độc, tử vong".
Cũng theo chị Oanh, khi thu thập chứng cứ tại hiện trường, ban đầu xác định bếp và vật dụng sinh hoạt như nồi, ấm xoong đều đã nguội lạnh. Bên cạnh đó, mặc dù gia đình nói rằng khi Long gặp nạn không có ai ở nhà nhưng có người khẳng định nhìn thấy chị Hợp đóng cổng, dắt xe đi, nói là “đi đón cháu Tâm”.
Chỉ ít phút sau khi chị Hợp ra khỏi nhà thì cháu Tâm đi khai giảng về và phát hiện sự việc đau lòng... Hiện gia đình nạn nhân vẫn chưa nhận được kết quả giám định pháp y tử thi về nguyên nhân chết của cháu Long. Vụ việc vẫn đang được cơ quan điều tra làm rõ.
"Có cơ sở pháp lý để nghi ngờ nạn nhân bị đầu độc"
Đó là khẳng định của Luật sư Đỗ Thị Minh Thu (Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Thu, Nam Định), là người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại. Luật sư Minh Thu phân tích:
Thứ nhất, theo hồ sơ bệnh án tại Viện bỏng Quốc gia: Nạn nhân nhập viện trong tình trạng da đen sạm, dịch từ trong cổ họng chảy ra có bọt sùi ra ngoài mép. Bệnh án ghi: “Cháu Long bị nước sôi dội vào người gây bỏng, không rõ hoàn cảnh gây bỏng; bệnh nhi chuyển đến trong tình trạng toàn thân kích thích vật vã; da và tứ chi lạnh; thở nhanh nông; khò khè... Tại chỗ tổn thương bỏng diện tích 39%-30% độ sâu II, IV vùng: mặt, cổ, môi nề, tiết dịch nhiều...”. Tôi cho rằng những biểu hiện của bệnh nhân như: da bị bỏng đen sạm, miệng sùi bọt mép... cho thấy những triệu chứng này không phải do bỏng nước sôi.
Thứ hai, khi cháu Long được đưa đến bệnh viện cấp cứu, các bác sỹ có hỏi: “Lúc đó có ai ở nhà không mà đưa cháu bé cấp cứu muộn thế này?”, thì gia đình nói cả nhà đi vắng hết, không ai biết nên không đưa cháu đi cấp cứu sớm hơn. Tuy nhiên, một người hàng xóm gần nhà nạn nhân lại khẳng định: vào lúc 10h5, người này nhìn thấy chị Hợp, mẹ kế của cháu Long đóng cổng, dắt xe ra khỏi nhà nói là đi đón cháu Tâm. Đến 10h10 thì cháu Tâm đi khai giảng về, mở cổng và phát hiện ra sự việc.
Thứ ba, hiện trường nơi xảy ra sự việc khi đó có một phích nước bị đổ, một bình chứa nước cũng bị đổ và một bếp kiềng đun củi than nhưng đã nguội lạnh. Giả sử trường hợp cháu Long có đun nước và bị bỏng nhưng lượng nước và nhiệt độ nước đun sôi từ ấm rót vào phích và bình chứa nước có thể dẫn đến hiện tượng: vết bỏng da đen sạm, miệng bọt sùi ra, dẫn đến tử vong?. Liệu với một lượng nước đun sôi như thế có thể dẫn đến bỏng nặng và tử vong nhanh chóng như vậy hay không?".
Những tình tiết trên rất cần cơ quan chức năng điều tra xác minh, làm sáng tỏ để giải tỏa nghi ngờ cháu bé bất hạnh bị hạ chết rồi dựng hiện trường giả một vụ bỏng nước sôi.
Thành Nam