Trước tình trạng nghẽn lệnh trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đề xuất nâng lô giao dịch đã được đưa ra. HoSE cũng đã có công văn gửi đến các công ty chứng khoán về việc nâng lô giao dịch, tuy nhiên thông báo này được phản ánh là khá gấp nên thông tin đến nhà đầu tư (NĐT) có phần cập rập, nhiều người không kịp bán lô lẻ (1-99 cổ phiếu).
Nhiều công ty chứng khoán phản ánh tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ khi phải đứng ra giải cứu. Một số NĐT cho rằng, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý lệnh là của cơ quan quản lý. Tất cả các giao dịch dù lớn hay nhỏ đều thu phí của khách hàng trên phần trăm giá trị giao dịch. Tại sao lại lấy lý do nghẽn lệnh mà bắt khách hàng phải có trách nhiệm giải quyết tình trạng nghẽn lệnh này bằng cách nâng số cổ phiếu được phép giao dịch lên 100 cổ phiếu/lần?
Ở góc độ khác, nhiều NĐT vẫn lo ngại việc ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE lại mới giải thích với giới truyền thông rằng nếu nâng lô tối thiểu lên 1000 áp dụng với các cổ phiếu có trị giá dưới 30.000 đồng sẽ giúp giảm hơn 20% số lượng lệnh hiện nay, từ đó góp phần giảm tắc nghẽn cho HoSE. Trước đó, giải pháp tăng lô lên 1000 bị Bộ Tài chính bác bỏ.
Trong khi đó, theo TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), xu thế chung của thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới là giảm lô giao dịch tối thiểu về 1 cổ phiếu hoặc thấp hơn…
Trước những băn khoăn này, mới đây Bộ Tài chính đã chính thức lên tiếng. Bộ Tài chính khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến sự quá tải và nghẽn lệnh trong thời gian vừa qua là do thanh khoản thị trường tăng trưởng quá nhanh trong khi năng lực xử lý của hệ thống giao dịch hiện tại có giới hạn.
“Bộ Tài chính (UBCKNN) nhận định việc thay thế sang hệ thống giao dịch mới để đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng của thị trường là nhu cầu cấp thiết nên đã yêu cầu HoSE và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin TTCK mới (dự án KRX) vào hoạt động...” - đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Bộ Tài chính cũng cho biết, theo kế hoạch, dự án này đã có thể hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến việc chuyên gia nước ngoài có mặt đầy đủ đúng thời hạn triển khai công việc nên tiến độ dự án bị kéo dài. Trong thời gian chờ hệ thống mới, Bộ Tài chính đã quyết định lựa chọn phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin do Tập đoàn FPT cung cấp; phương án này hiện đang được gấp rút triển khai, khi hoàn thành sẽ giải quyết được triệt để tình trạng nghẽn lệnh.
Về giải pháp nâng lô giao dịch lên 100 cổ phiếu, Bộ Tài chính khẳng định, đây là giải pháp tạm thời để giải quyết sự cố, giảm thiểu tình trạng nghẽn lệnh và hạn chế thiệt hại cho đại đa số NĐT trên thị trường, có lợi cho tổng thể thị trường. “NĐT có thể thỏa thuận với các công ty chứng khoán để bán các cố phiếu lô lẻ (nếu có). Hiện nay, Bộ Tài chính (UBCKNN) chưa có phương án tiếp tục nâng lô giao dịch...” - đại diện Bộ Tài chính khẳng định, đồng thời cho biết, sau khi phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin hoàn tất và đi vào hoạt động, Bộ Tài chính (UBCKNN) sẽ sớm khôi phục môi trường đầu tư, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các NĐT và thành viên thị trường.
Huy động vốn trái phép sẽ bị xử lý theo quy định
Phản ánh về tình trạng các công ty chứng khoán “biến tướng” huy động vốn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước, dưới các hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi,… theo phản ánh của một số báo chí, UBCKNN đã có văn bản yêu cầu Công ty chứng khoán MB, Công ty chứng khoán VNDirect báo cáo, giải trình về nội dung phản ánh của báo chí nói trên và đã có văn bản yêu cầu Công ty chứng khoán MB dừng thực hiện dịch vụ.
Đối với Công ty chứng khoán VNDirect, Bộ Tài chính (UBCKNN) sẽ có xử lý tương tự sau khi nhận được ý kiến giải trình của Công ty và tổ chức kiểm tra hoạt động một số công ty chứng khoán.