Đêm tối, đi vớt con chui lên từ bùn đất
Xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên được biết đến là “rốn lũ” của tỉnh Nghệ An. Vào mùa mưa bão, chỉ cần vài ngày mưa to, nước sông Lam dâng cao là xã này lại chìm trong biển nước. Hơn chục năm trở lại đây, Châu Nhân còn được nhiều người biết đến với đặc sản: con rươi. Đây là nơi duy nhất của Nghệ An có rươi sinh trưởng.
Rươi là loài nhuyễn thể, thân dài khoảng 7cm, nhiều đốt, hai bên có nhiều lông tơ để bơi, màu sắc đỏ, xanh hoặc xám... Chúng sống ở đất pha cát vùng nước lợ, giáp cửa sông. Mỗi năm rươi từ trong lòng đất chỉ chui lên trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch. Mỗi tháng rươi chỉ “mọc” lên 2 đợt đầu và giữa tháng, mỗi đợt chỉ vài ba ngày. Người dân gọi rươi là “lộc” của trời vì họ không thả hay chăm sóc mà rươi từ trong bùn đất chui lên. Những con vật nhỏ, mềm này đã mang về cho chủ ruộng hàng chục triệu đồng mỗi mùa.
Để vớt được rươi, từ sáng sớm dân Châu Nhân đã đổ ra đồng để đắp lại “trẹm” (nơi dẫn nước từ ruộng ra mương tưới tiêu), chỉ cho một lượng nước vừa phải vào ruộng. Sau đó, họ sửa lại những tấm lưới buộc vào cọc tre đã giăng và cắm sẵn trước đó để vớt rươi. Khi nước thủy triều sông Lam dâng lên chảy vào ruộng là rươi từ dưới bùn sẽ dần ngoi lên. Nước rút cũng là lúc rươi theo con nước ra ngoài. Lúc này, người dân đắp “trẹm” lại, vây lưới cao chừng 1 mét ở cửa ruộng để ngăn rươi ra theo dòng nước.
Người dân nhanh tay vớt rươi |
Những con rươi béo ú lúc này bơi gần lưới, người dân chỉ cần cầm vợt vớt rồi cho vào xô. Thông thường, mỗi mùa chỉ có ít ngày cao điểm nhiều rươi. Vì vậy, người dân thường túc trực, canh mặt nước, thấy rươi bắt đầu mọc là gọi nhau ra đứng vớt liên tục không dám bỏ ruộng. Nhiều người làm quên ăn, quên ngủ vì họ biết phải tranh thủ rươi lên để kiếm thêm thu nhập.
Mỗi dịp rươi “mọc”, nhiều gia đình huy động “tổng lực” ra đồng vớt rươi. Sản vật này không cần phải đầu tư công sức, tiền của nhưng bù lại phải có sự khéo léo bởi động vật ngành giun đốt này có vỏ ngoài rất mỏng manh, dễ vỡ khi mạnh tay. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng khá vất vả bởi người vớt phải cúi khom lưng trong thời gian dài, nhanh tay vợt những con rươi đang bơi, tránh nó lao vào lưới chắn hay theo dòng nước trôi ra ngoài mương.
Một nguyên tắc luật bất thành văn của người dân nơi đây là rươi ngoi lên từ ruộng nhà ai thì nhà ấy bắt, hoàn toàn không có chuyện tranh giành nhau. Hôm nay, gia đình ông Phan Đình Phượng may mắn hơn những gia đình khác chỉ trong chừng 1 giờ đồng hồ đã vớt được 2 kg rươi. Theo giá mua tại ruộng từ 400 – đến 500 nghìn đồng/kg của các thương lái, gia đình ông bỏ túi gần 1 triệu đồng đêm nay.
Trong niềm vui kiếm được bạc triệu một đêm, ông Phượng chia sẻ: 20 năm làm nghề vớt rươi nhưng tôi không biết nghề này có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi sinh ra là đã thấy ông cha mình đi bắt rươi để làm mắm. Muốn rươi ngoi lên nhiều quan trọng là lượng nước vào ruộng. Khi nước vào một lượng vừa đủ thì phải đắp “trẹm” lại để rươi ngoi lên và tranh thủ vớt. Có hôm, nhiều nhà vớt được khoảng 1,5 - 2 yến rươi, thu nhập được 6 - 8 triệu đồng.
Nghề thời vụ, thu nhập chính
Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, rươi chỉ nổi ở vùng nước lợ gần cửa sông, nơi có nước thủy triều lên xuống. Việc vớt được rươi nhiều hay ít phụ thuộc vào sự may mắn của mỗi hộ dân. Năm nay, rươi khá to nên người dân nhẩm tính cứ tầm 40 con rươi sẽ cân được 1 lạng và có giá 40 nghìn đồng, tính ra mỗi con bằng đầu đũa có giá 1 nghìn đồng.
Đôi tay nhanh nhẹn vớt những con rươi đang nổi trên mặt nước, ông Phạm Văn Khánh - người có gần 30 năm bắt rươi bật mí: ở đây hầu như nhà ai cũng có ruộng rươi, nhà nhiều, nhà ít. Ruộng nhà ai thì nhà nấy thu hoạch mà không lấn sang ruộng của nhà khác. Tất nhiên để đảm bảo khách quan, các hộ dân thường bao quanh ruộng mình bằng những tấm lưới mắt dày để rươi không trôi sang ruộng hàng xóm. Loài động vật được xem là “lộc trời” nên không phải ruộng ai cũng nhiều rươi, bởi vậy sẽ có cảnh nhà này thu tiền triệu nhưng nhà khác chỉ được vài trăm nghìn. Dù vậy, họ vui vẻ chấp nhận thành quả của mình mà không đố kỵ với hàng xóm.
Trước đây, rươi chủ yếu được người dân bắt để ăn, làm mắm để dành. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi rươi trở thành đặc sản thì giá trị của nó tăng gấp đôi, gấp ba. Rươi được thương lái thu mua tại ruộng với giá cao. Rươi vào các nhà hàng sang trọng và chễm chệ với các món ăn ngon và giàu chất đạm: chả rươi, rươi hấp, rươi đúc trứng, rươi xào măng, mắm rươi... được nhiều thực khách ưa chuộng. Tất nhiên, với mức giá trên thì không phải người dân nào cũng có điều kiện mua ăn.
Từ khi trở thành đặc sản, rươi được thương lái thu mua tận ruộng với giá cao |
Ở vùng đất này, mỗi đêm rươi lên, nhà ít cũng thu được vài cân rươi. Mỗi đêm trời cho, mỗi sào ruộng có khi thu về cả chục cân rươi. Do vậy, với nhiều hộ dân vớt rươi tuy chỉ là nghề thời vụ nhưng lại cho thu nhập chính. Vì thế, nhiều hộ gia đình đã chăm chút cho ruộng lúa tươi xốp để rươi sinh trưởng.
Châu Nhân nằm ngoài đê sông Lam. Những thửa ruộng nằm ven sông Lam trồng lúa là phụ, rươi mới là thu nhập chính. Bởi 1 tạ lúa giá chỉ bằng 1,5 kg rươi. Một đêm đẹp trời, rươi lên nhiều, 1 sào ruộng cũng cho thu về bằng 1 tấn lúa. Thế nhưng, rươi không phải là loài dễ tính. Thửa ruộng nào hễ phun thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ cho lúa thì năm đó, rươi biến mất, không “mọc”. Vì thế, người dân ở đây không ai dám đụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Năm nào lũ nhiều, không hạn hán, đất đai nhiều phù sa, màu mỡ thì được mùa rươi và ngược lại.
Rươi chỉ xuất hiện ở những mảnh ruộng sạch không có thuốc sâu |
Người dân nơi đây từng nghĩ đến việc thuần hóa loại thực phẩm đặc sản giàu dưỡng chất này nhưng khu vực này ở ngoài đê Tả Lam, cứ đến mùa lũ là ngập trắng đồng, để nuôi rươi không phải là dễ. Do vậy, họ chấp nhận hàng năm đi vớt lộc trời “trời cho đến đâu thì nhận đến đấy”.
Thời tiết vào giữa tháng 10 âm lịch khá rét nhưng không thể ngăn cản người dân đi vớt loại đặc sản ùn ùn từ dưới đất chui lên. Chính con chui lên từ bùn đất ấy đã giúp nhiều hộ gia đình cải thiện cuộc sống.