“Xin hãy chém đầu thần đi đã”
Bấy giờ, giặc Mông- Nguyên là đạo quân xâm lược mạnh nhất, hung bạo nhất thế giới. Từ những thảo nguyên bao la của miền Bắc Á, với tài phi ngựa bắn cung, đội quân Mông Cổ khét tiếng đã tung hoành khắp các lục địa từ Á sang Âu, nô dịch các dân tộc, thôn tính các quốc gia, lập nên một đế chế rộng lớn từ Thái Bình Dương đến tận bờ Bắc Hải.
Vó ngựa của chúng đi đến đâu gieo rắc sự hoang tàn hủy diệt đến đó. Năm 1258, lần thứ nhất xâm lược Đại Việt, quân Mông Cổ tưởng rằng sẽ dễ dàng nuốt chửng nước An Nam nhỏ bé. Chúng nhanh chóng chọc thủng các tuyến phòng ngự của ta, tiến vào kinh đô.
Triều đình và quân đội phải rút khỏi kinh thành để bảo toàn lực lượng. Kẻ địch không ngờ rằng chỉ chín ngày sau khi chiếm được Thăng Long, kỵ binh của chúng đã lâm vào tình trạng thiếu lương ăn, bị chặn đánh khắp nơi, ngày càng thế suy lực yếu. Đòn phản công mạnh mẽ của quân ta ở Đông Bộ Đầu đã khiến đoàn quân viễn chinh vừa qua khí thế hung hăng, nhanh chóng bị tan rã, hoảng loạn và tháo chạy. Đó là thất bại lớn đầu tiên của đội kỵ binh thiện chiến người Mông Cổ.
Hai mươi bảy năm sau, sau khi đánh bại nhà Tống lập nên triều Nguyên ở Trung Quốc, giặc Mông-Nguyên lại phát động chiến tranh xâm lược Đại Việt với quy mô lớn gấp nhiều lần. Khi sự mất còn của nền độc lập nước nhà chỉ còn trong gang tấc, quân xâm lược đã chiếm được nhiều địa bàn trọng yếu, trong đó có cả kinh thành Thăng Long và phủ Thiên Trường, nội bộ quý tộc và quan lại triều Trần đã có người nao núng, hàng giặc, Trần Quốc Tuấn vẫn hiên ngang bất khuất, giữ vững lòng tin son sắt vào thắng lợi.
Họa hình cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông của cha ông ta. |
Tháng 12 năm Giáp Thân 1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đưa quân rút về Vạn Kiếp. Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà truyền rằng: “Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?” Hưng Đạo Vương tâu: “Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng”.
Vua Trần Nhân Tông nghe thế yên lòng. Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân Nam, và thảo bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn để khuyên răn tướng sĩ.
Áng Thiên cổ hùng văn bất hủ
PGS Nguyễn Phạm Hùng, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét: Hịch tướng sĩ là tác phẩm tiêu biểu nhất của văn hịch thời Trần. Nó tuy sử dụng hình thức nghệ thuật phổ biến nhất của hịch Trung Quốc là văn biền ngẫu, song lại có sự biến đổi to lớn trong cách biểu cảm, thể hiện ở chỗ nó đã thay đổi cách sử dụng ngôn ngữ cho thiết thực, gần gũi, thân tình với người nghe chứ không khoa trương, điêu trá; ở chỗ đối tượng đối thoại của hịch không phải là quân địch mà là quân ta; ở chỗ mục tiêu chiến đấu của nó đã thay đổi, không phải kẻ thù bên ngoài, mà là những “tên địch trong ta”; ở chỗ mục tiêu chiến đấu nêu trong tác phẩm không phải là “phá hoại”, “huỷ diệt” (“làm táng đởm kinh hồn bọn gian cừu, làm vững lòng kẻ tín thần…
Làm cho chiến xa lớn trăm thước bị bẻ gẫy trước bài văn viết chữ to tám tấc, làm cho toà thành cao vạn trĩ phải đổ sụp trước sức mạnh một tờ hịch vậy”, mà là “xây dựng”, là “bồi dưỡng”, là động viên khích lệ con người hãy chiến thắng chính mình trước khi chiến thắng giặc ngoại xâm. Mà sự chiến thắng chính mình, chiến thắng những “tên địch trong ta”, chiến thắng “nội xâm” nhiều khi còn khó khăn, gian khổ và dễ thất bại hơn nhiều so với việc chiến thắng những tên địch ngoại xâm bên ngoài.
Sự chuyển dịch đối tượng phản ánh hay sự chuyển dịch nội dung chức năng của thể loại hịch vốn là một thể văn phục vụ chiến đấu chống kẻ thù hữu hình trở thành một thể văn phục vụ cuộc chiến đấu chống lại những kẻ thù vô hình, là sự xấu xa, hèn đớn, ích kỷ, vô trách nhiệm của con người, được xem là một biểu hiện ít nhiều của sự “cách tân nghệ thuật”.
Do nội dung chức năng thay đổi, Trần Quốc Tuấn cũng đã biến hịch, vốn là một thứ “công văn hành chính” trở thành một “phương tiện trữ tình” rất hiệu quả. Dụ chư tỳ tướng hịch văn không chỉ là một bản hùng văn mang tính chiến đấu cao mà còn là một tác phẩm trữ tình đặc sắc, nó không chỉ là một tác phẩm đề cao chủ nghĩa yêu nước mà còn là một tác phẩm đề cao giá trị và nhân phẩm con người.
Vì thế mà tác phẩm của Trần Quốc Tuấn có một sức sống hết sức mãnh liệt trong đời sống tâm hồn dân tộc. Nó thường vang lên mỗi khi tổ quốc bị lâm nguy, mỗi khi dân tộc phải đối mặt với nguy cơ mất độc lập, tự chủ. Nó luôn luôn đem đến cho người đọc một nguồn cảm hứng dồi dào để “nội tỉnh”, để “phản tư”, để bồi dưỡng ý thức công dân và xây đắp tinh thần ái quốc.
Chính vì thế mà nó không chỉ là tác phẩm có giá trị lịch sử mà còn là một tác phẩm mang tính thời sự nóng bỏng đối với chúng ta hôm nay.