Đúc rút từ kinh nghiệm chiến đấu
Mặc dù cho đến nay, thời điểm Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn vẫn chưa rõ ràng, nhưng nhiều tài liệu đều cho rằng khi gặp Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã dâng bản Bình Ngô sách – cuốn binh thư diệt giặc cứu nước. Sử gia Trần Huy Liệu nhận xét “Đó là một công trình nghiên cứu lâu năm của Nguyễn Trãi trước khi bắt tay vào công việc cứu quốc”.
Bình Ngô sách nay không còn, nhưng theo Ngô Thế Vinh đời vua Tự Đức (triều Nguyễn) thì trong bài sách đó, Nguyễn Trãi đã vạch ra 3 kế sách lớn để đánh quân Minh, trong đó đặc biệt chú trọng tâm công, không nói đến việc đánh thành mà chú trọng đánh vào lòng người, kháng chiến dựa vào nhân dân, dành chiến thắng nhưng hạn chế tiêu hao nhân lực, vật lực.
Các tác giả của cuốn “Tấu biểu đấu tranh ngoại giao của Nguyễn Trãi” nhận xét: Là một trong các lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi gánh vác trọng trách “trù hoạch mưu lược nơi màn trướng”, đặc biệt với nhiệm vụ cụ thể là soạn thảo mọi công văn giấy tờ phục vụ trực tiếp cho cuộc kháng chiến. Vì vậy những bài văn do ông soạn ra không còn xuất phát từ ý thích hay cảm hứng cá nhân, mà chủ yếu do yêu cầu của từng thời điểm, từng giai đoạn cụ thể trong quá trình phát triển của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đòi hỏi.
Lần tìm trong sử có thể thấy không hiếm những đoạn ghi chép thể hiện sự vận dụng tài tình sách lược tâm công của các lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Khởi đầu có thể là từ những biện pháp tình thế như việc sai bọn Lê Trăn đến chỗ quân Minh xin hòa vào tháng 12 năm Nhâm dần (1422).
Đó là đang thời kỳ khó khăn của những năm đầu khởi nghĩa, nghĩa quân tuy thắng đôi trận nhưng cưa có cơ thuận tiện để tiến thủ, quân Lam Sơn lui về vùng núi Chí Linh, sự tiếp tế khó khăn, cạn kiệt lương thực, đói ăn rau củ và măng tre đến nỗi phải giết voi, ngựa để nuôi quân. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tướng sĩ đều mỏi mệt nhọc nhằn, muốn tạm nghỉ ngơi, ai nấy đều khuyên nên hòa với người Minh. Lê Lợi bất đắc dĩ nghe theo”.
Họa hình Nguyễn Trãi viết "Đại cáo bình Ngô". |
Cùng với sự lớn mạnh dần của nghĩa quân và sự tiến triển nhanh chóng của phong trào khởi nghĩa, việc giao thiệp với quân Minh được nâng lên thành một mặt trận đấu tranh chính trị phối hợp nhịp nhàng với các chiến dịch quân sự trong thế trận tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân.
Ngày 25 tháng Giêng năm Ất Tỵ (1425), khi nghĩa quân tiến vào Nghệ An, Lê Lợi ra lệnh cho tướng sĩ: "Dân ta khốn khổ vì giặc đã lâu, phàm đến châu huyện nào mảy may không được xâm phạm". Lam Sơn thực lục cho biết, sau khi lệnh trên được thi hành, "nhân dân chẳng ai là không vui mừng, tranh nhau đem trâu, rượu ra đón khao dùng vào quân dụng".
Khi nghĩa quân Lam Sơn cho một bộ phận đột nhiên quay trở lại đánh úp Tây Đô, là nơi sơ hở nhất của giặc lúc bấy giờ, thì nhân dân Thanh Hóa đều thi nhau đến cửa quân, xin hăng hái ra sức để mưu báo đền (Lam Sơn thực lục).
Đến năm Bính Ngọ (1426), Lê Lợi đem quân tiến ra Bắc và sau đó giành được những chiến thắng vang dội, làm nức lòng người. Ở Bắc lúc này, quân Minh ít nhất cũng có mười vạn, ở Đông Đô còn đến vài ba vạn. Trong khi đó, các danh tướng của Lê Lợi là Lê Triện, Lê Nhân Chú, Lê Lễ đem quân vào sâu căn cứ địch để đánh địch chỉ có khoảng năm, sáu nghìn quân. Để chiến thắng địch, nghĩa quân phải dựa vào dân. Ở nhiều nơi, nhân dân đã chủ động kết hợp với các mũi tiến quân của nghĩa quân để đánh giặc.
Đánh giặc bằng ngòi bút
Qua những bức thư địch vận do Nguyễn Trãi soạn thảo gửi cho các tướng lĩnh giặc Minh đang trực tiếp đánh nhau với nghĩa quân Lam Sơn trên chiến trường hiện còn lưu giữ lại trong tập Quân trung từ mệnh, chúng ta có thể thấy được các vị lãnh tụ Lam Sơn đã sử dụng thứ vũ khí đánh vào lòng địch này một cách tài tình dưới hai hình thức đấu tranh hòa đàm và dụ hàng, qua đó đã đóng góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc khởi nghĩa.
Nhân danh Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã chủ động viết trên 60 bức thư cho bọn chỉ huy quân Minh, như: Vương Thông, Sơn Thọ, Phương Chính, Thái Phúc, Lương Nhữ Hốt, Dã Tung, Liễu Thăng,… để lên án bọn xâm lược và dụ hàng chúng. Đánh vào tinh thần quân địch với những lá thư tố cáo tội ác, vạch trần luận điệu lừa bịp “Phù Trần diệt Hồ” cũng là phát huy chính nghĩa dân tộc, tập hợp mọi lực lượng trong cả nước để xây dựng lực lượng từ không đến có, từ yếu đến mạnh là hoàn toàn phù hợp với quy luật của các cuộc khởi nghĩa vũ trang, cuộc chiến tranh nhân dân chống lại sự thống trị của kẻ ngoại xâm.
Theo quan điểm của Nguyễn Trãi, đánh vào tinh thần là thứ nhất, đánh vào thành trì là thứ hai. Qua đó, Nguyễn Trãi vừa tránh cho nghĩa quân Lam Sơn chỗ mạnh của quân Minh trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, vừa tiết kiệm xương máu binh sĩ.
Nguyễn Trãi còn từng đến thành Tam Giang (Việt Trì, Phú Thọ) để chiêu dụ quân lính và tướng giữ thành là Lưu Thanh ra hàng. Tương tự, tướng Minh là Thái Phúc giữ thành Nghệ An, đã nghe theo lời khuyên có tình có lý của Nguyễn Trãi mà mở cửa thành ra hàng trong thế địch còn đang mạnh.
Toàn thư chép: “Các thành Nghệ An, Thuận Hóa, Tây Đô, Đông Đô đều sai văn thần Nguyễn Trãi viết thư, dụ bảo bọn giặc điều họa phúc, nên không cần đánh mà chúng phải đầu hàng”.
“Loạt văn kiện với những câu chữ khiêm nhường nhũn nhặn, được thể hiện trong một khuôn phép cứng nhắc của thể loại văn hành chính xưa (...) không ngờ lại như những mũi tên được phóng ra liên tiếp nhau, tất cả đều tập trung hướng cả về một cách đích, đó là giành lấy nền độc lập tự chủ của đất nước trong bối cảnh lịch sử đương thời. Và như vậy, số văn kiện này trở thành những chứng tích xác thực về một cuộc đấu tranh ngoại giao với triều đình nhà Minh do các lãnh tụ cuộc Khởi nghĩ Lam Sơn khởi đầu và sau đó là triều đình Lê Sơ tiếp tục tiến hành vào nửa đầu thế kỷ XV nhằm hoàn thành một cách trọn vẹn mục tiêu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.