Trong bài viết: “Tư tưởng “tiên phát chế nhân” trong cuộc chiến tranh chống Tống xâm lược (1075 - 1077)”, Đại tá, TS. Nguyễn Thành Hữu nhận xét: “Thấy được mưu đồ của giặc thôn tính nước ta ngày càng lộ rõ, triều đình nhà Lý đã chủ động tăng cường phòng bị, củng cố lực lượng, nắm chắc mọi động thái của địch ở phương Bắc; mở cuộc tiến công đánh bại lực lượng quân sự, đập tan mối uy hiếp xâm phạm lãnh thổ từ phía Nam (năm 1069).
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình trước thế địch mạnh, Lý Thường Kiệt cho rằng: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của chúng”. Ông chủ trương “tiên phát chế nhân”, sử dụng hơn 10 vạn quân tinh nhuệ, bất ngờ mở cuộc tiến công bằng cả đường thủy và đường bộ sang phía Nam đất Tống, nhanh chóng tiêu diệt các đồn, trại của giặc, triệt phá các căn cứ quân sự, hậu cần quan trọng ở dọc biên giới từ cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu cho tới thành Ung Châu.
Với tư tưởng chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo, quân Đại Việt đã giành thắng lợi lớn, đẩy giặc vào thế bị động ngay từ đầu, tạo tiền đề cho thắng lợi toàn cục của cuộc chiến tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước. Đây là một điển hình về trí sáng tạo cùng sự phát triển vượt bậc về tư tưởng chỉ đạo chiến tranh với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc”.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Như đã nói trong kỳ trước, Lý Thường Kiệt được biết đến là một võ tướng, không những có tài “cung mã”, “giáo mác” mà còn nhiều “mưu lược”, tinh thông các phép xây doanh trại, bày trận địa. Quả thực, đó là một tài năng quân sự hiếm có, một bậc anh kiệt của nước Việt. Chính vì thế, cần phải khẳng định rằng, mưu kế “tiên phát chế nhân”, đem quân đánh thẳng vào Châu Khâm, Châu Ung, chủ động đánh Tống ngay trước âm mưu xâm lược của kẻ thù không phải là một sự liều lĩnh mà là một sự tính toán kỹ lưỡng, nắm chắc phần thắng.
Trước hết, xét về tương quan lực lượng. Năm 1010, Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý. Để củng cố khu vực biên giới phía bắc, nhà Lý đã dùng chính sách gả công chúa cho các thủ lĩnh miền núi để gắn chặt mối quan hệ với họ. Trải qua 3 triều vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông, nước Đại Việt - thế và lực đang lúc hưng thịnh.
Năm 1072 vua Lý Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức mới 7 tuổi lên thay, tức vua Lý Nhân Tông. Lúc này, thái phi Ỷ Lan – một người phụ nữ tài giỏi làm nhiếp chính, lại được sự phò tá của các đại thần Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành nên tuy vua còn nhỏ nhưng tình hình quốc gia vẫn khá ổn định.
Tượng Lý Thường Kiệt. |
Trái lại, ở phương Bắc, nhà Tống từ khi thành lập (năm 960) đã phải khắc phục những hậu quả do thời chia cắt Ngũ đại Thập quốc để lại. Ngoài việc đánh dẹp các nước cát cứ, nhà Tống phải đối phó với nước Liêu của người Khiết Đan ở phương bắc, sự uy hiếp của nước Tây Hạ của người Đảng Hạng ở phía tây bắc. Trong nước, triều Tống bị rối loạn bởi những cải cách của Vương An Thạch. Học giả Hoàng Xuân Hãn viết: “…các vua Lý gìn giữ cẩn thận bắc thùy.
Mỗi lúc các biên lại Tống dụ thổ dân, lấn đất đai, vua Lý liền phản kháng. Khi sai quan sang biện bác, khi thì sai tướng sang chống cự. Có lúc tướng ta giết quan Tống, đốt đồn trại Tống, mà chung quy, Tống cũng phải làm ngơ”.
Thực tế, trước khi có việc Lý Thường Kiệt dẫn đại binh sang đánh thì trước đó, đời Lý Thái Tổ, Dực Thánh Vương đã từng “đem quân vào sâu trong đất Khâm Châu, đốt phá trại Như Hồng”. Hay năm 1028, phò mã Thân Thừa Quý cũng đem quân vào đất Tống, “bắt dân Tống đem về”… Xét về mặt địa hình. Dọc theo biên thùy Đại Việt – Tông đầy núi rừng hiểm trở.
Đường giao thông bộ khó khăn nhưng đường biển lại dễ dàng hơn nhiều, vì các cửa biển Khâm, Liêm cách biên giới chung chỉ một vài ngày. Và từ cửa sông Bạch Đằng đến châu Vĩnh An giáp hải phận Khâm Châu, có rất nhiều đảo (ở vùng Hạ Long và Đàm Hà ngày nay). Như vậy việc lựa chọn tấn công bằng đường biển rõ ràng có nhiều ưu thế, có thể “đánh nhanh, rút gọn, hiệu quả cao”.
Về mặt liên lạc. Không kể việc nội bộ triều đình Tống còn lục đục giữa chủ chiến và chủ hòa, việc thông tin liên lạc lúc đó cũng còn nhiều khó khăn, tin tức chuyển chậm. Dịch trạm ở miền Nam Tống chưa tổ chức. Bằng chứng là Khâm Châu bị chiếm ngày 20/11 nhưng đến mồng 6 tháng sau, ty kinh lược Quảng Tây đóng ở Quế Châu mới được tin. Một tháng sau khi Khâm Châu bị mất, tin mới tới triều đình tống (20 tháng Chạp).
“Phạt Tống lộ bố văn”
Theo Đại tá Lê Thành Hữu, đặc điểm của nghệ thuật “Tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt trước hết ở việc: Nắm vững và đánh giá đúng tình hình, tương quan so sánh lực lượng để đề ra kế sách tiến công táo bạo, giành thắng lợi. Ngay sau khi nhà Tống có kế hoạch xây dựng các căn cứ sát biên giới nước ta, nhà Lý đã cử lực lượng theo dõi “nhất cử, nhất động” của địch. Đặc biệt, khi Lý Thường Kiệt nhận được mật thư của Bá Tường (một nho sĩ đậu tiến sĩ không chịu làm quan cho nhà Tống) thì âm mưu xâm lược của nhà Tống càng được khẳng định.
Bá Tường nguyên đậu tiến sĩ, nhưng không được bổ làm quan. Y viết thư cho vua Lý (1073) nói rằng: “Bá Tường nghe rằng hiện nay Tống muốn cử binh đi diệt Giao Chỉ. Theo binh pháp dạy: Trước khi người có bụng cướp mình, thì chi bằng mình đánh trước”. Theo đó, triều đình nhà Lý vừa tăng cường do thám nắm tình hình ở vùng biên giới và sâu trong nội địa của địch; đồng thời, bí mật chuẩn bị lực lượng và kế sách chống giặc. Nhằm đảm bảo quyền chủ động chiến lược, đẩy địch vào thế bị động và dẫn tới thất bại.
Đánh thắng địch trên đất nước mình đã khó, giành thắng lợi ngay trên đất địch lại càng khó hơn. Song dưới sự chỉ đạo, chỉ huy tài tình của Bộ thống soái triều Lý, điều khó khăn tưởng như không thực hiện được ấy đã được quân, dân Đại Việt thực hiện thành công.
Mặc dù phải cơ động tiến công các mục tiêu ở xa trên đất Tống, địa hình mới lạ, hiểm trở; việc bảo đảm cơ động và lương thảo rất khó khăn, nhưng Lý Thường Kiệt đã kịp thời cử người truyền hịch cho tướng sĩ, trong đó nói rõ tính chính nghĩa của cuộc tiến công.
Trên đường tiến quân, do nắm chắc tình hình và hiểu được tâm lý bất mãn của người dân nước Tống với các cuộc chiến tranh kéo dài liên miên với các nước Liêu, Hạ, cùng với chế độ đàn áp, bóc lột hà khắc của vua quan triều Tống, Lý Thường Kiệt đã cho niêm yết và phân phát rộng rãi Lộ bố văn để tố cáo tội ác của vua quan nhà Tống, âm mưu gây chiến tranh, nô dịch Đại Việt và nói rõ mục đích cuộc tiến quân của ta sang đất Tống là đánh bọn thống trị tàn ác; là hành động tự vệ chính đáng của quân dân Đại Việt.
Nhận xét về điều này, Đại tá TS Lê Thành Hữu viết: “Đây thực sự là một kế sách đúng đắn, sáng tạo, sự nhạy bén, sắc sảo của Bộ thống soái triều Lý khi sử dụng hiệu quả biện pháp tác động trực tiếp vào tư tưởng, tinh thần của người dân nước Tống. Nhờ vậy, khi quân đội triều Lý đi tới đâu trên đất Tống, không những không bị người dân địa phương chống lại, mà còn được hoan nghênh, ủng hộ”.
(Đón đọc kỳ tới: Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn - Vị Thánh tướng hiền minh)