Theo dự thảo, Bộ quy tắc có mục đích nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm, từng bước hình thành chuẩn mực đạo đức trong hành vi ứng xử của nghệ sĩ.
Theo dự thảo, nghệ sĩ phải có trách nhiệm và minh bạch trong các hoạt động xã hội, tích cực, đóng góp cho cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng. Các nghệ sĩ cần có lối sống trong sáng, lành mạnh, giữ gìn hình ảnh, tác phong, uy tín người nghệ sĩ trước công chúng và xã hội; phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hoá trong xã hội đến cộng đồng; không tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm... Không thực hành, ủng hộ mê tín dị đoan. Không tổ chức, tham gia các hoạt động trái luật, vi phạm trật tự an ninh, an toàn xã hội.
Luật sư (LS) Nguyễn Huy Long (Giám đốc Công ty Luật Legal Gate Việt Nam) nhận xét, trên thực tế, việc thực hiện cứu trợ đối với vùng thiên tai, hỏa hoạn đa phần cần phải nhanh chóng, kịp thời. Với lợi thế được nhiều người mến mộ, có tiếng nói, uy tín trong xã hội, giới nghệ sỹ rất thuận lợi để kêu gọi quyên góp từ thiện.
Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động từ thiện trong nước nở rộ khoảng 10 năm trở lại đây nhưng chưa có quy định rành mạch. Thiếu quy định nên việc nghệ sĩ dùng tài khoản cá nhân để quyên góp vừa không hợp lý vừa dễ gây rắc rối cho chính họ. Trong khi quy định hiện hành, việc cá nhân muốn lập quỹ cũng khá phức tạp, đòi hỏi thủ tục, điều kiện tài chính, năng lực.
Luật sư Nguyễn Huy Long, Giám đốc Công ty Luật Legal Gate Việt Nam |
ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, giới nghệ sĩ không phải là công viên chức nên việc quản lý các hành vi của những người này là cực kỳ khó khăn. Trên thực tế có nghệ sĩ làm từ thiện đúng quy định nhưng cũng có nghệ sĩ lợi dụng uy tín, hình ảnh bản thân, dựa vào việc làm từ thiện để trục lợi. “Họ vận động được 10 đồng nhưng chỉ hỗ trợ 2, 3 đồng còn lại để thu vén cho mình, cần lên án”, ĐB Hòa nhấn mạnh.
Theo ĐB Hòa, chúng ta có các tổ chức chính trị xã hội như MTTQ, các đoàn thể… đã rất minh bạch trong việc vận động tài trợ từ thiện, phải báo cáo khi cần. Nhưng một số nghệ sĩ vận động người ủng hộ chuyển thẳng tiền vào tài khoản cá nhân mà không ai quản lý, không ai giám sát. Cho đến khi người ủng hộ yêu cầu minh bạch số tiền ủng hộ thì chậm trễ, không thực hiện. Đây chính là điều cơ quan chức năng cần làm rõ, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ.
Theo nhiều LS, do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, việc làm tự phát của các nghệ sỹ còn nhiều bất cập, không thể loại trừ trường hợp trục lợi từ chính hành động thiện nguyện. Do đó, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật một cách đầy đủ, kịp thời là cần thiết, giúp minh bạch, tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động từ thiện.
“Các cơ quan chức năng cần có quy định rõ ràng về các hình thức kêu gọi, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ với các trường hợp khẩn cấp hoặc do cá nhân thực hiện, đồng thời có biện pháp tăng cường giám sát việc làm từ thiện của các cá nhân, tổ chức, đưa lĩnh vực này dần đi vào quy củ và hiệu quả. Trong các trường hợp vi phạm, thiếu sự minh bạch, rõ ràng thì cần có các chế tài cụ thể”, LS Long kiến nghị.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, sở dĩ Bộ VHTT&DL ban hành Bộ quy tắc ứng xử vì thời gian qua nhiều nghệ sĩ có hành vi ứng xử lệch chuẩn, không phù hợp cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời sống. Những gì chưa tốt cần phải lên án. Bởi nghệ sĩ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng, có thể tác động tiêu cực đến công chúng, nhất là khán giả trẻ… Bộ quy tắc đang được soạn thảo giống như một kênh để định hướng hành vi cho nghệ sĩ.
LS Nguyễn Huy Long cho rằng, trên thực tế, hoạt động của nghệ sỹ bị ảnh hưởng bởi đánh giá của khán giả, dư luận xã hội. Nếu nghệ sỹ có hành vi lệch chuẩn (có thể đối chiếu với quy định của Bộ quy tắc để đánh giá) thì không thể hành nghề. Đồng thời Bộ quy tắc ứng xử có các quy định yêu cầu về việc minh bạch từ thiện, không quảng cáo sai sự thật, sẽ định hướng cho nghệ sỹ thực hiện các hoạt động này một cách chuyên nghiệp hơn. “Dù không phải văn bản quy phạm pháp luật, nhưng việc cơ quan chức năng ban hành là cần thiết, đây sẽ là một trong những cơ sở để đánh giá hoạt động của nghệ sỹ”, LS Long nêu quan điểm.