Vóc dáng gầy gò, bộ dạng khắc khổ, nhưng với nét diễn chân thật mà rất có duyên, Lê Bình đã nổi tiếng trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh. Từ diễn viên sang đạo diễn- Gần đây, thấy anh có vẻ nổi đình nổi đám ở vai trò là đạo diễn phim truyền hình...À, tôi đang làm bộ phim truyền hình "Những cô cậu ô mai" gồm 52 tập do tôi viết kịch bản và đạo diễn. Đây là series truyền hình dành cho lứa tuổi mới lớn với những rắc rối, khúc mắc của lứa tuổi này mà không biết chia sẻ cùng ai.
Nghệ sĩ Lê Bình |
- Từng là diễn viên, chuyển sang viết kịch bản, viết báo rồi làm đạo diễn, anh thấy mình có ôm đồm quá không, trong khi sức vóc có giới hạn?Tất nhiên là vất vả lắm chứ, nhưng nhiều khi "nghề chọn người", biết làm sao. Còn nói "ôm đồm" thì tôi còn nhiều nghề khác, từng nhiều năm vác cọ đi vẽ pano, quảng cáo, trang trí phông màn... Nói chung được như ngày nay là tôi coi như quá đủ, không dám mơ gì hơn.- Hóa ra anh cũng lăn lộn nhiều. Vậy anh chuyển nghề từ lúc nào?Sau giải phóng, tôi làm ở phòng Văn hóa Thông tin phường. Lúc ấy phong trào mạnh lắm, quận tổ chức văn nghệ quần chúng nhưng phường không có kinh phí mời người viết kịch bản nên giao cho tôi để... đỡ tốn tiền. Tôi đánh liều viết không ngờ thành công ngoài mong đợi, được chọn đi diễn ở nhiều nơi, đoạt giải của toàn thành, được báo chí, truyền hình phỏng vấn khá xôm tụ.Nửa năm sau, Trung tâm Văn hóa TP.HCM mời tôi diễn vai "Hoàng xích lô" trong vở "Chính nó đấy" tham gia Liên hoan Sân khấu kịch ngắn, kịch vui toàn quốc đoạt giải bạc. Về đội kịch Nhà Văn hóa Thanh niên, tôi trở thành bạn diễn ăn ý với Việt Anh, rồi cặp với danh hài Tùng Lâm đi "đánh" suốt từ Nam ra Bắc. Cuối cùng tôi dừng chân ở Đoàn kịch TP.HCM, vừa diễn vừa viết, dần dần đi vào chuyên nghiệp lúc nào không hay. "Ông già Nam Bộ"- Hầu hết những vai diễn được đón nhận của anh thường là những lão nông, những người tốt bụng nhưng nghèo và xấu theo nghĩa đen. Anh có buồn khi không được chọn vào những vai nam chính, đại gia?Ông cứ nhìn tướng tôi đây thì nghĩ sao mà thành đại gia? Tôi cũng như các đạo diễn, "biết người biết ta" chứ. Tôi thấy mình rất thích hợp với các vai nông dân Nam Bộ. Cột mốc đáng nhớ nhất của tôi là vai nông dân Tư Tại trong bộ phim Đất Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Khán giả thường gọi tôi rất thân thương là "Ông già Nam Bộ".
Khán giả thường gọi tôi rất thân thương là "Ông già Nam Bộ". |
- Vậy là anh có thể... chảnh với vai nghèo của mình?Tôi cũng mơ ước được chảnh lắm chứ, nhưng "hai lúa" thì chảnh với ai? Đóng vai nghèo cực lắm, không ai chịu đóng nên tôi... đành tham gia chứ mỗi lần đạp xích lô vòng vòng Tao Đàn, hay "mần ruộng" ở Đồng Tháp cũng mệt lắm chớ bộ! Nói vui chứ tôi không bao giờ chê vai diễn. Có thể nói tôi có chút tiếng tăm ngày nay cũng là nhờ các vai phụ. - Kỷ niệm nào làm anh nhớ nhất?Mới vừa rồi, trong lúc tôi đang ngồi cùng với mấy người bạn ở quán đối diện Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, một nhóm các em từ bệnh viện bước vào quán. Đầu em nào cũng trọc vì hóa chất. Nhìn thấy tôi, các em nhận ra ngay và reo lên: "Chú Lê Bình đóng phim cổ tích đây mà". Tôi cảm động lắm, cùng với các em giao lưu hát bài "Cả nhà thương nhau". Tôi rất quan tâm đến đề tài trẻ em. Gắn với chữ "tình"- Có cảm tưởng rằng những kịch bản mà anh viết rất đời thường, dung dị nhưng không mang tính triết lý sâu xa. Phải chăng kịch bản cũng như tính cách, anh không ưa "đao to búa lớn"?Đúng vậy đó. Kịch bản tôi viết loanh quanh chuyện nhà cửa, xóm giềng, gần gũi cuộc sống gia đình, bám sát hơi thở cuộc sống. Đề tài này nhẹ nhàng, dễ cảm nhận và dễ được chia sẻ. Và nếu để ý anh sẽ thấy nhiều kịch bản của tôi đều có tựa đề gắn với chữ "tình". Thuyền tình, Sân ga tình người, Tình gần, Tình sân chung, Nhà trọ tình yêu... Đời đã quá mệt mỏi rồi, người ta cần bám vào sợi dây tình cảm để mà sống. Tôi mong trong trái tim ai cũng đầy ắp nghĩa tình và sẽ tìm được hạnh phúc.
Tôi cũng mơ ước được chảnh lắm chứ, nhưng "hai lúa" thì chảnh với ai? |
- Trong hàng chục kịch bản từng rất ăn khách, tác phẩm nào khiến anh trăn trở nhiều nhất?Tôi muốn kể đến vở hài kịch Ai sợ ai. Nội dung nói về chuyện vợ chồng của 3 gia đình. Đặc điểm của vở này là không có vai chính hay nhân vật trung tâm như thông thường, nhưng các nhân vật gắn bó với nhau chặt chẽ đến mức không thể bỏ một vai nào cho hợp lý. Nó đã bị chê gần 2 năm, tôi nghĩ số phận nó chắc phải nằm luôn trong góc tủ.Không ngờ khi đạo diễn Trần Ngọc Giàu đọc xong đã quyết định dựng cho Nhà hát kịch thành phố và thành công rực rỡ. Sau đó NSƯT Chí Trung, Nhà hát Tuổi Trẻ ở Hà Nội dàn dựng lại và cũng thành công với khán giả Hà thành. - Có thể nói anh là người thành công trên con đường nghệ thuật. Ở góc độ của một người nổi tiếng sau bao năm lăn lộn, anh thể nghiệm được điều gì?Từ trước tới nay tôi không hề ảo tưởng sẽ là người nổi tiếng. Tôi chỉ biết tôi yêu thích, muốn thể hiện những nhân vật nhìn thấy ngoài đời trên sân khấu. Cứ vậy mà tôi đi, vừa đi, vừa học, vừa kiếm sống, cố gắng sống sao cho đàng hoàng. Hãy tin rằng cuộc đời vẫn còn nhiều người tốt, tôi đã nợ ơn người, ơn cuộc đời và khán giả đã thương mến tôi.Riêng với sân khấu, tôi nghiệm ra rằng: Kết thân với sân khấu rất dễ, nhưng khẳng định chỗ đứng của mình ở sân khấu chuyên nghiệp thì khó vô cùng. Người nghệ sĩ phải làm việc miệt mài và phải nghiêm khắc với chính mình. Cây muốn cao thì rễ phải bám sâu.- Người ta nói đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ, trường hợp của anh thì sao?Vợ tôi hoàn toàn xa lạ với nghề của tôi, nhưng được cái chăm lo nhà cửa con cái đàng hoàng... cho tôi tự do, muốn đi đâu thì đi, miễn về nhà trọn vẹn là được, không có tiền đem về cũng không sao, tất nhiên có tiền đem về thì... tốt hơn. Sau bao nhiêu năm lăn lộn với nghề, tôi nghiệm ra rằng gia đình mới thật sự là pháo đài hạnh phúc của con người. Cho nên tôi chỉ thèm được trở về mái ấm của mình sau một ngày làm việc vất vả.- Và sau vài ve nữa chứ?Tất nhiên... hì hì...- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Diễn viên, đạo diễn Lê Bình đã tham gia hơn 60 phim, như Đất phương Nam, Blouse trắng, Cha con ông mắt mèo, Tổ quốc tiếng gà trưa, Chung cư, Người đàn bà không hóa đá... Viết hơn 10 kịch bản dài được dàn dựng ở IDECAP, Sân khấu 5B, Nhà hát Phú Nhuận. Anh cũng đã đoạt 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lẫn quần chúng, và một bằng khen của Bộ Quốc phòng. |
Theo Bee.net.vn