Nghệ nhân dành nửa cuộc đời vực dậy nghề gốm cổ

Nghệ nhân Phạm Văn Vang (bên phải ngoài cùng) đang giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.
Nghệ nhân Phạm Văn Vang (bên phải ngoài cùng) đang giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một buổi chiều tháng 8, trong chuyến công tác đến vùng đất cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), đoàn chúng tôi quyết định ghé thăm Hợp tác xã gốm Bồ Bát, tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô. Được Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Vang tiếp, chúng tôi ngay lập tức bị cuốn hút vào câu chuyện của anh về một hành trình kéo dài hơn hai thập kỷ đầy gian nan, vất vả để “làm sống lại” nghề gốm cổ vốn chỉ còn lưu truyền trong sử sách, ký ức người xưa.

Mày mò từ những con số “0”

Theo các tài liệu lịch sử, gốm Bồ Bát được phát tích từ cách đây hàng ngàn năm, nhưng trải qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử, nghề gốm này đã thất truyền từ nhiều thế kỷ trước đây. Vào khoảng đầu thế kỷ 21, người ta thường chỉ biết đến gốm Bát Tràng, gốm Chu Đậu, gốm Trung Quốc,… chứ ít ai nghe đến gốm Bồ Bát hay gốm Ninh Bình.

Thời điểm ấy, anh Phạm Văn Vang, người làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô mới chỉ là một chàng sinh viên trẻ ngoài hai mươi, bắt đầu miệt mài tìm tòi, học lại nghề cũ của cha ông. Vạn sự khởi đầu nan, anh mày mò từ rất nhiều con số “0”, như: gia đình không có ai theo nghề gốm; gốm Bồ Bát đã thất truyền, không mấy người biết đến thương hiệu gốm này; không còn nghệ nhân gốm Bồ Bát để truyền nghề; khan hiếm tài liệu về gốm Bồ Bát; không có vốn, mặt bằng sản xuất, nhân công;…

Thông qua việc tiếp xúc với những sử liệu về nguồn gốc của gốm Bát Tràng, chàng trai trẻ dần dần tìm thấy những giá trị lịch sử, văn hoá về một nghề gốm rất lâu đời tại quê hương mình. Giải thích về nguyên nhân gốm Bồ Bát được phát tích từ rất sớm nhưng lại bị thất truyền, anh Vang chậm rãi kể lại từ những tìm hiểu của bản thân: “Khi xâu chuỗi các chi tiết lịch sử, tôi nhận thấy rằng đây có lẽ là dòng gốm duy nhất của Việt Nam còn tồn tại cho đến ngày nay, đã phát triển qua nhiều triều đại. Thời Vua Đinh Tiên Hoàng xây kinh đô Hoa Lư, đã đưa những người làng gốm Bồ Bát lên để làm gạch, xây thành, chế tác các đồ bát đĩa, trang trí trong cung. Vua còn ưu ái những người nghệ nhân gốm này làm ra những sản phẩm tinh xảo nhất để làm cống phẩm cho Trung Quốc, do đó làng này còn có tên là làng Cống Bát. Thời Vua Lý Công Uẩn dời đô, Vua đem theo các thợ gốm theo, chọn vùng 72 gò đất sét trắng (Bát Tràng ngày nay) để các nghệ nhân dừng chân lập nghiệp, đồng thời làm gạch, xây thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Từ đó, nghề gốm ở làng Bát Tràng phát triển mạnh mẽ, người dân Bồ Bát ở đây cũng ăn nên làm ra. Công việc làm ăn của những người dân ở làng Bồ Bát (Ninh Bình) ngày càng khó khăn, họ bèn kéo nhau ra Bát Tràng. Đến khoảng thế kỷ 17, người ta không còn làm gốm ở Ninh Bình nữa, chủ yếu chỉ làm nghề nông. Gốm Bồ Bát từ đó dần mai một, thất truyền”.

Các nhân công tại xưởng gốm Bồ Bát.

Các nhân công tại xưởng gốm Bồ Bát.

Trong cuốn sách “Bát Tràng - Làng nghề, làng văn” do PGS. TS Bùi Xuân Đính, làm chủ biên, nhà xuất bản Hà Nội phát hành năm 2013, đã ghi nhận: Lưu truyền dân gian làng Bát Tràng đều khẳng định nghề gốm của làng do các dòng họ ở vùng Bồ Bát (Ninh Bình) ra… Bồ Bát là tên ghép của một vùng quê gồm 10 làng (bảy làng Bồ và ba làng Bát), một trung tâm sản xuất gốm từ thời cổ, cách di chỉ Mán Bạc chỉ 700 mét, nơi phát hiện được các đồ gốm, cả dụng cụ làm gốm (nấm gốm) có niên đại cách đây trên dưới 3.500 năm. Các đồ gốm thô, gốm men trắng này xuất hiện khá dày đặc ngay dưới lớp đất màu của các khu đồng trồng sắn ở các làng trên đây, các nhà khảo cổ học cho rằng, vùng Bạch Liên là gốc của men trắng ở Việt Nam.

Sách cũng viết: Con người Bát Tràng, cho dù đã lập nghiệp ở vùng đất ven Thăng Long được 15 - 22 đời, vẫn luôn nhớ về cội gốc. Điều này không chỉ được ghi trong gia phả của nhiều dòng họ, mà còn luôn được các bậc tiền nhân kể lại cho các thế hệ sau, để con cháu luôn biết và nhớ đến cội nguồn. Đình làng Bát Tràng hiện còn đôi câu đối ghi lại nguồn gốc của nghề gốm từ vùng Bồ Bát:

“Bồ di thủ nghệ khai đinh vũ,

Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần”.

(Đem nghề nghiệp từ Bồ Bát ra dựng xây đình miếu,

Lòng thành kính tựa hương lan dâng tạ thánh thần).

Đến nay, các chuyên gia khẳng định, việc tìm ra dấu nối liên tục giữa 2 dòng gốm Bát Tràng và Mán Bạc - tổ tiên của người các làng Bồ - Bát, gặp nhiều khó khăn. Bởi vì, thời gian tồn tại của gốm Mán Bạc cách ngày nay đã quá xa, nghề gốm Mán Bạc thất truyền từ lâu, dân trong vùng cũng không lưu truyền về tổ nghề. Tuy nhiên, mối quan hệ mật thiết giữa làng gốm Bát Tràng và làng gốm Bồ Bát vẫn còn tồn tại sâu sắc. Sách ghi lại: “Dù đã mấy trăm năm, mỗi lần về lại Bạch Liên - Bồ Bát, người Bát Tràng vẫn có một cảm giác xúc động lạ thường”; bên cạnh đó “nhiều thế hệ người vùng Bồ Bát khi nghĩ tới những người anh em cùng gốc cùng quê đang làm ăn phát đạt ở Bát Tràng luôn trăn trở tìm cách khôi phục lại nghề của cha ông”.

Gian nan khởi nghiệp từ nghề truyền thống

Khám phá ra một câu chuyện lịch sử như vậy đã thôi thúc anh Vang “bắt tay” vào khởi nghiệp để khôi phục lại nghề gốm tổ tiên, bằng nhiệt huyết và sức lực của tuổi trẻ. Vào khoảng năm 2000, anh bắt đầu học làm gốm ở làng Bát Tràng, Hà Nội (tương truyền, dòng họ Phạm đã di cư tới làng Bát Tràng lập nghiệp từ xưa). Anh được nhiều nghệ nhân làng gốm Bát Tràng ủng hộ, giúp đỡ, đúng như truyền thống “tương thân, tương ái” giữa hai làng nghề trong sử sách. Anh nhận thức rõ ràng, chính mình phải là người làm, sau đó mới là dạy nghề, truyền nghề.

Với số vốn ít ỏi, khoảng 20 - 30 triệu đồng, anh Vang quyết định không đi theo hướng sản xuất đồ gốm sứ gia dụng như hầu hết các làng gốm trong nước, mà chọn mở xưởng làm đồ gốm trang sức (như vòng cổ, vòng tay), tranh gốm mỹ thuật, tượng gốm nghệ thuật... Những sản phẩm gốm Bồ Bát đầu tiên bước ra thị trường rất giản dị, chân chất nhưng mang đậm nét truyền thống, trên cơ sở hai dòng gốm sành nâu và gốm sứ trắng. Ngày nay, tại Hợp tác xã gốm Bồ Bát vẫn còn lưu lại những sản phẩm vòng cổ, vòng tay gốm lưu niệm như vậy trên một chiếc giá tre, với đa dạng hoạ tiết thổ cẩm, 12 con giáp,… được vẽ bằng men màu.

Sản phẩm gốm lưu niệm tại Hợp tác xã gốm Bồ Bát. (Ảnh trong bài: PV)

Sản phẩm gốm lưu niệm tại Hợp tác xã gốm Bồ Bát. (Ảnh trong bài: PV)

Anh Vang chia sẻ: “Những sản phẩm này vừa nhỏ, vận chuyển tốt, vừa giá không cao, nên rất dễ bán, đặc biệt cho học sinh, sinh viên, đem lại giá trị kinh tế cao. Vào khoảng năm 2003, 2004, những sản phẩm này đã thâm nhập vào các chuỗi hệ thống siêu thị, nhà sách tại Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh khác”. Từ những bước tiến nhỏ ban đầu, anh dần dần tích luỹ được số vốn nhất định. Đến năm 2008, anh Vang đã thành công sản xuất các sản phẩm gốm sứ Bồ Bát theo đúng truyền thống. Anh cũng là người đầu tiên đã mang sản phẩm gốm Bồ Bát đến giới thiệu tại triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội.

Anh Vang hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát, vẫn miệt mài phục dựng lại nghề gốm cổ xưa, với định hướng tập trung vào các sản phẩm gốm sứ cao cấp, dựa trên dòng sứ men trắng đặc trưng của gốm Bồ Bát xưa. Theo anh, vùng đất Ninh Bình may mắn không chỉ có được những nguyên liệu đất, sét tốt mà bản chất con người cũng cần cù, chịu khó, khéo léo. Ninh Bình cũng là tỉnh nêu cao trọng tâm về du lịch bền vững, do đó nếu có thể kết hợp các giá trị văn hoá, lịch sử với du lịch thì có thể tạo ra lợi ích hài hoà giữa cả bảo tồn và kinh tế.

Bên cạnh đó, bối cảnh hiện tại với khoa học kỹ thuật phát triển là lợi thế khôi phục nghề gốm cổ. Anh Vang khẳng định: “Là thế hệ trẻ, nếu không phát huy công nghệ tiên tiến thì rất dễ bị đào thải. Tuy nhiên, những gì thuộc về thủ công truyền thống thì phải duy trì, ví như hội hoạ trên sản phẩm gốm sứ; trong khi đó những gì có thể cải tiến được thì nên cải tiến, ví như trong luyện đất, dùng máy móc có thể giảm được nhiều nhân công. Cũng cần phân biệt rõ ràng, những sản phẩm công nghiệp có thể hạ giá thành tốt nhưng những sản phẩm thủ công truyền thống có giá trị, cực kỳ tinh xảo, giá thành không hề rẻ”.

Hiện nay, Hợp tác xã gốm Bồ Bát có khoảng 20 nhân công. Với mức lương từ 200.000 - 500.000 đồng/ngày, tương đương 7 - 10 triệu đồng/tháng, người làm gốm Bồ Bát đã có thể sống được bằng nghề, “bám” nghề. Tuy nhiên, trong ba giai đoạn khôi phục - bảo tồn - phát triển, anh Vang cho rằng hiện gốm Bồ Bát vẫn đang ở góc độ khôi phục. Anh mong rằng đây sẽ là nền tảng để thế hệ sau tiếp nối, phát huy, lưu giữ “sự sống” của một nghề gốm lâu đời đã từng bị quên lãng trong hàng trăm năm, đừng để nét văn hoá cổ xưa, đặc sắc của người Việt bị chìm trong ký ức.

Năm 2014, UBND tỉnh Ninh Bình đã cấp bằng công nhận gốm Bồ Bát là làng nghề truyền thống của tỉnh. Năm 2016, anh Phạm Văn Vang được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú. Các danh hiệu khác gắn liền với sản phẩm gốm Bồ Bát có thể kể tới: Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2015, 2017, 2021; Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020, 2022 (do Bộ Công Thương vinh danh); sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình (hạng 4 sao) 2020;…

Đọc thêm

Đặc sắc Lễ hội đua thuyền tứ linh ở đảo Lý Sơn

Trải qua gần 200 năm, Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn vẫn được gìn giữ, phát huy. (Ảnh: Alex Cao)
(PLVN) - Lễ hội đua thuyền tứ linh là nét văn hóa truyền thống dân gian mang đậm bản sắc của cư dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Người dân Lý Sơn tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng như cầu cho mưa thuận gió hòa, làng xóm yên bình, mùa màng tươi tốt.

Yên Bái có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể

Yên Bái có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể
(PLVN) - Tập quán văn hóa và tín ngưỡng Lễ Cúng rừng của người Mông và Nghệ thuật trình diễn dân gian Khắp Cọi của người Tày ở Yên Bái được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đưa hát xẩm đến gần hơn với công chúng

Nghệ sĩ Vũ Thùy Linh lựa chọn dân ca nguyên gốc được phối bởi dàn nhạc giao hưởng cho album mới có tên “Tơ đồng thánh thót”. (Ảnh: L.Thủy)
(PLVN) - Mang nét văn hóa, sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống kết hợp với âm nhạc hiện đại là cách mà nhiều nghệ sĩ trẻ đang hướng đến. Đây cũng là một trong những đóng góp của các nghệ sĩ cho đời sống âm nhạc, để nền âm nhạc đậm đà bản sắc Việt vươn ra với thế giới.

Sắc màu thổ cẩm của người H’rê ở Quảng Ngãi

 Cụ bà người H’rê ở làng Teng dệt thổ cẩm.
(PLVN) - Giá trị văn hóa truyền thống nghề dệt thổ cẩm của người H’rê ở làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) thể hiện trên từng sản phẩm gắn liền với trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt được lưu truyền từ lâu đời, bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay.

Đình thần Đồng Nai – Lưu giữ những dấu chân mở cõi

Đình thần Đồng Nai – Lưu giữ những dấu chân mở cõi
(PLVN) -  Trong buổi đầu khẩn hoang, lập nghiệp tại phương Nam, những cư dân của đất Đồng Nai vẫn không quên tạo lập nên những cơ sở tín ngưỡng cộng đồng để đáp ứng nhu cầu tinh thần và tâm linh. Mỗi thôn, ấp đều có một ngôi đình, tọa lạc ở khu trung tâm, ở đầu làng - một dấu ấn xác định sự hình thành cộng đồng làng xã của người Việt từ hơn ba trăm năm trước.

Nghề gốm trang trí ở Biên Hòa – Dấu ấn trăm năm

Nghề gốm trang trí ở Biên Hòa – Dấu ấn trăm năm
(PLVN) - Sản phẩm gốm mỹ thuật Biên Hoà rất đa dạng và phong phú với góc độ nghệ thuật cao, đặc biệt là các tượng Phật hoặc hình tượng tranh Tứ Quý, Tứ Bình, Tứ Thời, Bát Tiên hoặc tranh dân gian. Hàng ra lò xuất cảng qua Pháp, Mỹ và không ít nước khác, bởi gốm mỹ nghệ Biên Hoà được nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng, nhờ sắc thái men trầm lắng, đậm nét cổ kính phương Đông

Khát vọng vươn lên của Lâm Đồng qua lễ hội Festival Hoa lần thứ 10

Khát vọng vươn lên của Lâm Đồng qua lễ hội Festival Hoa lần thứ 10
(PLVN) - Không phụ lòng mong chờ, chương trình nghệ thuật đặc sắc đêm khai mạc lễ hội Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10- 2024 tối 5/12 đã mang đến cảm giác mãn nhãn cho của du khách, người dân xứ sở ngàn hoa. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình, lễ hội là cơ hội để du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm những giá trị văn hóa - du lịch độc đáo, riêng có của Đà Lạt...

Nhà lầu ông Phủ hơn trăm năm bên dòng sông Đồng Nai

Nhà lầu ông Phủ hơn trăm năm bên dòng sông Đồng Nai
(PLVN) - Biệt thự cổ của đốc phủ Võ Thanh Hà được xây dựng cách đây hơn 102 năm là nơi lưu giữ những giá trị về lịch sử khẩn hoang của vùng đất Biên Hòa. Được coi là biệt thự cổ đẹp nhất Đồng Nai, đây không chỉ là di sản của dòng họ, căn nhà còn có giá trị văn hóa khi nằm trong cụm làng nghề truyền thống có tuổi đời trên 300 năm, đặc biệt là làng nghề đá Bửu Long.

Khai mạc Festival "Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản"

Chương trình nghệ thuật 'Đôi bờ Ví, Giặm' tái hiện không gian diễn xướng ví, giặm. Ảnh: PV
(PLVN) - Tối 27/11, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Chương trình nghệ thuật cầu truyền hình trực tiếp "Đôi bờ ví, giặm" mở đầu chuỗi hoạt động Festival "Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản" nhân kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thừa Thiên Huế: Nhiều giải pháp bảo tồn nhà vườn, nhà rường cổ

Một số nhà vườn, nhà rường cổ ở Thừa Thiên Huế đang được trùng tu. (Ảnh: Thùy Nhung)
(PLVN) - Hệ thống nhà vườn, nhà rường cổ là tài sản quý giá góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Huế. Trải qua hàng trăm năm chịu tác động từ thời tiết, thiên tai; kiến trúc một số nhà vườn, nhà rường cổ xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp bảo tồn đang được triển khai.