Công cụ ổn định kinh tế vĩ mô
Thưa ông, Petrolimex vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị của một tập đoàn kinh tế nhà nước, vừa phải bảo toàn và phát triển vốn doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường xăng, dầu thời gian qua diễn biến bất thường, thậm chí có lúc dị biệt - thực sự là một thách thức rất lớn đối với Tập đoàn?
- Suốt quá trình gần 70 năm hình thành và phát triển, Petrolimex luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao và đồng hành cùng quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của Nhà nước, đặc biệt trong những giai đoạn thị trường xăng dầu biến động dị biệt, khó lường.
Petrolimex luôn đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời xăng dầu cho nhu cầu trong nước, ngay cả trong điều kiện khó khăn về nguồn cung ứng trong, ngoài nước tại các thời điểm như năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Đây là những giai đoạn hết sức phức tạp với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội kéo dài cùng những yếu tố khó khăn về địa chính trị, kinh tế xã hội, giá xăng dầu biến động mạnh, nguy cơ suy thoái kinh tế… đã ảnh hưởng sâu rộng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, với chủ trương, chính sách quyết liệt kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt từ Hội đồng quản trị, Ban điều hành nên Petrolimex vẫn vừa đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ nhu cầu xã hội (duy trì bán xăng dầu 24/7), đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa hạn chế được những tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, Petrolimex cũng là một trong những doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn đầu tiên cổ phần hoá và tái cấu trúc thành công. Sau hơn 10 năm kể từ thời điểm cổ phần hóa, Petrolimex đã trở thành công ty cổ phần đại chúng quy mô lớn thuộc Top VN30 niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, vốn hoá trên 50.000 tỷ đồng. Năm 2022, Petrolimex tiếp tục được Forbes Việt Nam vinh danh năm thứ 6 liên tiếp trong Top các công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam. “Báo cáo phát triển bền vững” của Petrolimex được HOSE vinh danh là một trong 10 báo cáo tốt nhất, chất lượng nhất của các doanh nghiệp niêm yết trên toàn thị trường.
“Với sự đồng hành của đối tác chiến lược là Tập đoàn năng lượng ENEOS (Nhật Bản), cùng với lợi thế về cơ sở vật chất, thương hiệu và tiềm năng của mình, tôi tin Petrolimex sẽ thích ứng với điều kiện kinh doanh mới và tiếp tục giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, sẽ phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cổ đông”, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh
Petrolimex đảm bảo tuân thủ cao nhất các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán... và duy trì hoạt động kinh doanh có hiệu quả qua từng năm, đảm bảo quyền lợi tối đa cho các cổ đông (trong đó cổ đông lớn nhất là Nhà nước nhận được cổ tức lũy kế đến nay đã vượt vốn góp của Nhà nước tại Tập đoàn).
Cuối năm 2022 đầu năm 2023 khi nguồn cung xăng gặp khó khăn do nhà máy trong nước gặp sự cố, nhiều cửa hàng xăng dầu ngưng bán hoặc bán hàng nhỏ giọt…, thời điểm này, Petrolimex đã thể hiện vai trò doanh nghiệp trọng yếu trong dẫn dắt, bình ổn thị trường xăng dầu nội địa ra sao? Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thể hiện vai trò cơ quan chủ quản đối với Petrolimex trong tình huống đột xuất này như thế nào?
- Petrolimex đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu cho hệ thống gần 2.700 cửa hàng xăng dầu của mình trên toàn quốc cũng như các thương nhân nhượng quyền theo hợp đồng đã cam kết. Cụ thể, tổ chức bán hàng 24/24h tại hệ thống cửa hàng xăng dầu trực thuộc tại thị trường trọng điểm Hà Nội; Tăng ca, làm thêm giờ, tăng cường lượng nhập, bơm chuyển qua hệ thống tuyến ống B12 và cấp hàng tại bến xuất Tổng kho Đức Giang, Kho K130. Cá biệt, có ngày xuất bộ cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc xấp xỉ 4.000m3 - cao gấp 3 - 4 lần ngày bình thường…
Với vai trò cơ quan chủ quản đối với Petrolimex, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã hết sức quan tâm, hỗ trợ Petrolimex trong việc định hướng hoạt động cũng như hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các cơ quan quản lý trong thời gian Petrolimex chịu nhiều áp lực từ nhu cầu của thị trường. Đồng thời, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cũng luôn động viên, ghi nhận những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến Petrolimex dẫn tới việc sụt giảm hiệu quả kinh doanh trong quá trình Petrolimex phải nỗ lực thực hiện mục tiêu chính trị đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh làm việc với Petrolimex sau khi Tập đoàn này chuyển về trực thuộc Ủy ban |
Phát triển bền vững, làm lợi cho cổ đông
Được biết, trong Đề án tái cơ cấu Petrolimex giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn tới 2035, sản phẩm xăng, dầu vẫn được xác định là trục chính trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề chuyển dịch năng lượng, nhu cầu sản phẩm năng lượng xanh, sạch đang được quan tâm. Giải pháp nào để vừa duy trì ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi nhưng không bị động trước xu thế chung thế giới, nhất là khi Việt Nam đã cam kết phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và hướng tới nền kinh tế carbon thấp?
- Trong định hướng chiến lược phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2035, Petrolimex với mục tiêu sẽ tiếp tục là doanh nghiệp tiên phong và chủ đạo trong thị trường kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam; đi đầu trong việc cung cấp các sản phẩm xăng dầu chất lượng cao, sản phẩm năng lượng sạch, thân thiện với môi trường; đồng thời sẽ giữ vững vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo đủ nguồn cung ứng trong nước; đáp ứng đủ năng lượng cho tiêu dùng của nhân dân và phát triển kinh tế.
Là doanh nghiệp dẫn dắt trên thị trường xăng dầu Việt Nam, Petrolimex tiên phong trong nghiên cứu, cung cấp nguồn nhiên liệu tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện, Tập đoàn đang cung cấp các sản phẩm dầu Diesel, xăng Ron 95 -Euro 5, với chất lượng tiêu chuẩn cao nhất tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh việc duy trì, thúc đẩy ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, Petrolimex đã chủ động nghiên cứu, triển khai một số dự án, đề án hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững phù hợp với các định hướng, chủ trương của Chính phủ như: Đề án xử lý nước thải nhiễm dầu; Giải pháp thu hồi hơi tại kho và cửa hàng xăng dầu; Phối hợp với Vinfast triển khai hệ thống trạm sạc cho xe điện; Thí điểm điện mặt trời áp mái; Nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm nhiên liệu sạch như xăng E10, khí LNG, CNG, Hydrogen…
“Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước luôn động viên, ghi nhận những yếu tố khách quan ảnh hưởng tới Petrolimex dẫn đến sụt giảm hiệu quả kinh doanh trong quá trình Petrolimex phải nỗ lực thực hiện mục tiêu chính trị đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan”, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh
Việc sắp xếp, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và thu hút nhà đầu tư chiến lược đặc biệt từ khối ngoại của Petrolimex đang được định hướng như thế nào, và những yếu tố đó tác động ra sao tới mục tiêu Petrolimex trở thành một tập đoàn năng lượng hàng đầu Việt Nam, thưa ông?
- Từ năm 2016, Petrolimex đã có cổ đông chiến lược nước ngoài tham gia, là Tập đoàn năng lượng số 1 Nhật Bản (ENEOS Corporation). Hiện, đối tác ENEOS đang nắm giữ 13,08% vốn điều lệ tại Petrolimex.
Với vị thế là Tập đoàn năng lượng hàng đầu Nhật Bản về lọc dầu, kinh doanh xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu, trong những năm qua ENEOS đã hợp tác, thúc đẩy các chương trình nâng cao giá trị doanh nghiệp cùng Petrolimex, tăng cường công tác quản trị hướng tới chuẩn mực quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, kinh doanh sản phẩm mới. Việc thí điểm nâng cấp, đổi mới các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trở thành các cửa hàng xăng dầu tiện ích, thông minh,…với các dịch vụ gia tăng đi kèm như rửa xe, bảo dưỡng xe,… trong năm qua là một trong những thành quả của sự hợp tác giữa ENEOS - Petrolimex.
Trong giai đoạn tới, ENEOS sẽ tiếp tục hợp tác với Petrolimex để nghiên cứu đầu tư, phát triển các dự án năng lượng xanh, sạch, phù hợp với các định hướng chiến lược phát triển năng lượng sạch quốc gia cũng như chiến lược của Tập đoàn.
Tôi hoàn toàn tin tưởng, với sự đồng hành của đối tác chiến lược ENEOS, cùng với lợi thế về cơ sở vật chất, thương hiệu và tiềm năng sẵn có của Petrolimex, Tập đoàn sẽ thích ứng với tình hình kinh doanh mới và tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, sẽ phát triển một cách bền vững, mang lại lợi ích cho các cổ đông.
Tổng Giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải (thứ 2, trái sang) động viên công nhân Xí nghiệp Kho vận Xăng dầu K130 (Quảng Ninh) |
Thời gian gần đây, khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và định hướng chuyển từ “kinh doanh có lợi nhuận” sang “kinh doanh có trách nhiệm” được nhiều doanh nghiệp chú trọng và coi như “chìa khóa” của phát triển bền vững. Thưa ông, từ giác độ văn hóa doanh nghiệp, lãnh đạo và người lao động ở Petrolimex nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Những năm qua, bên cạnh việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng, Petrolimex đã và đang thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội như: Thực hiện các chương trình an sinh, với kinh phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm (theo Nghị quyết 30A của Chính phủ tại Hà Giang; Sóng và máy tính cho em tại Lai Châu,…).
Petrolimex còn triển khai các dự án bảo vệ môi trường, hướng tới năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch như đã nêu ở trên. Petrolimex luôn đi đầu trong việc đảm bảo chấp hành tuân thủ các quy định của Nhà nước, đảm bảo minh bạch trong sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số tạo ra các tiện ích, trải nghiệm tốt cho khách hàng như triển khai hệ thống SAR-ERP từ năm 2010 và ứng dụng hoá đơn điện tử sau từng lần bán hàng tại hơn 2.700 cửa hàng xăng dầu.
Dưới góc nhìn của Petrolimex, kinh doanh có trách nhiệm là sự phát triển bền vững, là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội, trong đó quan tâm quyền lợi người lao động và người tiêu dùng.
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật, mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vấn đề cần xử lý. Chúng tôi đã, đang triển khai thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm qua rà soát, xây dựng các cơ chế, kế hoạch hành động; hoàn thiện các quy chế và quy tắc về quản trị nội bộ, văn hóa trong kinh doanh.
Trân trọng cảm ơn ông!