Công việc cho giới trẻ cá tính.
Đây là một nghề tự do, đầu tiên ở Sài Gòn và vừa "đổ bộ” ra Hà Nội như một trào lưu mới mẻ. Nhiếp ảnh bar cũng như hầu hết các nhân viên khác của bar, đều chịu sự sắp xếp của quản lý quán Bar, công việc chủ yếu của họ là chụp hình sự kiện, các show diễn của bar hoặc vũ trường. Ngoài ra, họ còn chụp hình cho khách hàng nếu như được yêu cầu.
Một nhiếp ảnh bar thường bắt đầu công việc của mình từ khoảng 9h tối, kết thúc vào 1-2h sáng hôm sau (khi quán tắt nhạc). Thu nhập cứng trung bình dao động từ 3 - 6 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn có tiền “tip” của khách. Theo Trịnh Huy (SN 1994, nhà ở Ngọc Thuỵ, Gia Lâm) một tay máy trẻ vào nghề được gần hai năm chia sẻ: Nếu đêm nào cũng gặp khách sộp (đại gia, thiếu gia) chụp ảnh cho họ, Huy có thể được mỗi người “tip” cho khoảng 500 nghìn đồng. Xôm hơn nếu hôm nào bar có tiệc tùng công ty hay sinh nhật thì tiền “tip” sẽ hậu hĩnh hơn. Còn bình thường, Huy được khoảng 100 hay 200 ngàn đồng/khách, bình quân mỗi tháng kiếm được từ 12 - 15 triệu đồng.
Các bar-club Photographer gần như không có chế độ nghỉ ngơi. Trong một tháng được nghỉ 2 ngày tuỳ chọn và phải báo trước. Với những tháng có nhiều sự kiện, các tay máy phải hoạt động hết công suất, cuối tháng đó sẽ được thưởng thêm 1 - 2 triệu đồng.
Khi công việc chụp hình kết thúc, một bar-club photographer phải xử lý số hình ảnh ngay trong đêm để gửi email cho chủ quán bar-club hay công ty đứng ra tổ chức sự kiện, hoặc trực tiếp upload lên mạng xã hội của quán bar đó ngay trong đêm, hoặc muộn nhất trước 7h tối hôm sau (là thời điểm bar hoạt động). Với những show lớn, khách mời, ca sĩ là những nhân vật quan trọng đó là lúc công việc của nhiếp ảnh bar mệt mỏi nhất. Tính trung bình mỗi bức ảnh được xử lý photoshop mất khoảng 20 phút, có khi họ phải thức cả đêm để chỉnh sửa và kịp đưa lên mạng internet.
Thường trong mỗi quán bar chỉ tuyển một tay máy và một người chuyên chỉnh sửa ảnh. Nhiều quán chỉ tuyển người thân tín hoặc qua quen biết, giới thiệu để giữ bí mật riêng cho quán. Các thợ chụp hình sẽ đầu quân cho các công ty chuyên tổ chức sự kiện. Dần dà cùng với sự quen biết, giới thiệu họ móc nối với chủ quán bar-club để ra làm riêng.
Cũng đổ máu, rơi nước mắt
Ngoài việc chụp cho các ca sĩ, khách mời, các bar-club photographer còn chụp hình cho khách đến bar-club. Thông thường trước khi chụp hình, họ thường ra dấu với khách xem thử có đồng ý chụp hay không. Điều này là bắt buộc, vì ở những chốn được cho là "ăn chơi thác loạn" này, chẳng ai muốn mặt mình “chường” ra cho thiên hạ bình luận.
Kinh nghiệm của Bảo Khánh (SN 1993, ở Thanh Nhàn, Hà Nội) cho thấy: Quán bar-club nào cũng có những phòng VIP, đó là nơi các quan chức, công an, đầu gấu, giới thượng lưu thường vào để chơi bời. Với họ, những ống kính, máy quay là điều cấm kỵ. Họ không muốn việc chơi bời của mình bị bêu riếu trên mạng, trên báo. Thành ra, thợ chụp hình phải biết khôn mà tránh xa những phòng VIP nếu không muốn bị đánh hoặc bị chủ đuổi việc.
Chính vì thế, trong tháng đầu tiên, các tay máy phải tập làm quen với việc cầm máy đi dạo quanh tất cả các khu vực hay bàn trong quán bar. Trước đó, quản lý quán sẽ cho biết chỗ nào cần tránh và nên tránh. Trong tiếng nhạc ầm ĩ, các tay máy không thể hỏi “thượng đế” có chụp hay không mà phải ra dấu hiệu cho khách, bằng cách đưa máy lên, chỉ vào máy. Khách gật đầu mới được chụp. Có những tay máy lơ ngơ mới vào nghề đã bị ăn đòn oan vì khách hiểu lầm là chụp trộm họ.
Như Hoàng (22 tuổi, ở Mai Dịch, Cầu Giấy) kể lại: Một lần đi chụp hộ bạn một buổi ở quán bar Tatoo (bè nổi trên đường Thanh Niên), hôm đó cậu đã ra dấu hỏi khách chụp và khách đồng ý, sau khi chụp xong, đưa máy cho khách xem ảnh bỗng dưng có một thanh niên bàn bên cạnh đi lại sặc mùi rượu đấm vào mặt và đá liên tiếp vào người Hoàng. Ngay lập tức bảo vệ cưỡng chế, đưa người đó ra ngoài. Hoàng vẫn không hiểu vì sao bị đánh cho đến khi quản lý gọi ra mắng mới vỡ lẽ: Do hai bàn gần nhau, lại ở ngay trung tâm bar, khi Hoàng đưa máy chụp bàn này, bàn kia tưởng là chụp trộm họ, sẵn có hơi men nên… đấm ngay.
Có tay máy còn phải chịu ấm ức hơn như Hoàng Tú (23 tuổi, ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) đã có 3 năm kinh nghiệm trong nghề chia sẻ về lần đầu tiên đi chụp bar Ifinity ở Hải Dương: Lần đó Tú cùng 3 anh em khác được công ty tổ chức sự kiện Win party đưa đi chụp nhân một sự kiện lớn do bên công ty cùng quán bar tổ chức. Buổi ca nhạc chỉ diễn ra trong vòng 1,5 giờ đồng hồ. Sau đó mấy anh em đi chụp cho “thượng đế”. Khách xem ảnh ưng lắm nhưng nhất định không cho Tú sang chụp bàn khác, còn nổi xung đấm đá túi bụi.
Dù không làm gì sai nhưng lần ấy Tú vẫn bị quản lý bar trách mắng, còn phải nằm nhà gác máy gần một tuần do mắt thâm tím. Gặp những oan gia như vậy, các thợ chụp hình tốt nhất phải nhịn nhục mà bỏ qua. Vì chủ quán bar-club không bao giờ chấp nhận những thợ chụp hình đánh trả lại khách hàng, dù bất cứ lý do gì.
Cũng theo kinh nghiệm của Tú chia sẻ, các tay máy nên hạn chế chụp ảnh những cô nàng có hàng “xách tay” (bạn trai) nếu muốn an toàn cho bản thân và trách bị ăn đòn oan lúc nào không hay. Một đồng nghiệp của Tú từng bị một tai nạn nghề nghiệp nhớ đời: “Lần đó bạn tôi đưa máy lên chụp một cô gái rất đẹp, cho dù đã giơ tay ra dấu và nhận được sự đồng ý của cô ta, nhưng cuối cùng lại bất ngờ ăn đấm chảy cả máu miệng vì bạn trai cô ấy nổi cơn ghen khi đã ngà ngà rượu”.
Các Bar-club photographer đều cho rằng chụp trong nội thành an toàn hơn ở các quán ngoại thành hay ở tỉnh ngoài. Bởi theo họ, dù sao đội bảo vệ vũ trường ở Hà Nội có máu mặt hơn, và giới trẻ Hà Nội hiện nay đi bar nhiều, không như ở tỉnh, toàn “bộ đội” thôn, vào bar đi cả dép tông, mặc quần đùi, áo may ô, “thích là nhích”, sẵn sàng động thủ nếu thấy ngứa mắt.
Cạm bẫy sau ánh đèn bar…
Hiện nay các bar-club mọc lên như nấm là môi trường mầu mỡ để tiêu thụ thuốc kích thích, ma túy, rượu và gái... Bar-club photographer theo đó cũng làm việc dày đặc, thức đêm hôm lại phải tiếp xúc thường xuyên với tiếng nhạc mạnh, khói thuốc lá, khói shisha, rượu… Có những tay máy sa ngã như B.K cũng dần dần sa vào ma tuý thuốc lắc khi giao du với các “đàn anh” trong bar. Trao đổi với phóng viên, B.K hùng hồn tuyên bố: “Người ta không bo em tiền thì người ta bo em tình cảm”…
Các sung sướng trong nghề này là thường xuyên được tiếp xúc với nhiều gái xinh. Thậm chí một số tay máy có chút mã hào hoa còn bị các “gái bay” vũ trường săn đuổi theo kiểu tình một đêm. Cá biệt, với những tay máy làm ở những bar dành cho người đồng tính ở gần đê Yên Phụ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phải đảm bảo yêu cầu khắt khe như phải biết giữ bí mật, không đem chuyện trong bar đi kể ra ngoài. Những tay máy ở đây thường xuyên khách đồng tính dụ dỗ, có khi bị sờ soạng khắp người cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Nhiều nhiếp ảnh bar vì thế không muốn công khai nghề cho gia đình, bạn bè vì sợ bị “kì thị”. Quan niệm “đi bar là hư hỏng” vẫn khá phổ biến, nhất là với các bậc phụ huynh. Thực tế, cũng như các công việc liên quan đến quán bar, vũ trường, làm nhiếp ảnh bar không tránh khỏi điều tiếng. Giờ giấc đi đêm về hôm, làm đêm ngủ ngày nên hàng xóm dị nghị. Công việc phải tiếp xúc với đủ loại khách, thậm chí phải “làm tí” thuốc lắc, rượu… để giao lưu.
Môi trường giữa rượu, tiền, chân dài và ánh đèn mờ ảo luôn ẩn chứa đầy những cám dỗ. Hầu hết các tay máy đều còn rất trẻ, nhiều người vừa rời ghế nhà trường đã ôm máy vào bar, chưa kịp có sức đề kháng với những cạm bẫy ở đời. Trong số họ, có bao nhiêu người giữ được mình không sa chân vào tệ nạn?