Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An bên hành lang kỳ họp HĐND tỉnh sáng 12/12, đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết ông vừa có văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương để xin ý kiến, hướng dẫn xử lý tình trạng buôn bán bào thai. Văn bản này được gửi tới Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh tình trạng buôn bán bào thai đang rộ lên ở huyện vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An). Những kẻ buôn người thường tìm đến phụ nữ đang mang thai từ 6-8 tháng để dụ dỗ đưa qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch sinh con rồi bán.
Những đứa trẻ vừa sinh ra thường được bán với giá từ 50-80 triệu đồng. Có trường hợp trong quá trình vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai đã phải bỏ mạng nơi xứ người khiến gia đình càng lâm vào cảnh khánh kiệt.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phát biểu về tình trạng buôn bán bào thai tại phiên họp HĐND tỉnh ngày 11/12. Ảnh: Thành Cường
Cho rằng đây là một thủ đoạn rất mới của những kẻ buôn người, người đứng đầu Công an Nghệ An cho hay, chỉ cách đây khoảng 2 tháng, công an thống kê có 22 phụ nữ ở huyện Kỳ Sơn vừa vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai trở về. Tập trung chủ yếu ở xã Hữu Kiệm. Tuy nhiên, hiện tại con số này đã lên gần 30 người.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự hiện nay có tới 5 tội danh liên quan đến hành vi mua bán người nhưng lại không nhắc đến việc mua bán bào thai. Mặc dù tội Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người cũng đã được đề cập trong luật.
“Trong các vụ án này không có bị hại nên không thể xử lý được. Bị hại ở đây chính là những bào thai. Nhưng nhiều chuyên gia luật cho rằng, bào thai chưa phải là con người. Vì biết đâu cái thai bị hỏng trước khi được sinh ra, hoặc vừa sinh ra đã chết”, đại tá Cầu nói.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh Nghệ An diễn ra từ ngày 10-12/12, đại tá Nguyễn Hữu Cầu cũng đã báo động về thủ đoạn buôn người rất mới này. Theo ông, để xử lý được hành vi này, hiện nay có 2 cách. Cách thứ nhất là cần phải ký lại Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Hiệp định này được ký từ năm 1998, bây giờ cần phải thay đổi, sửa lại để làm sao tạo điều kiện cho Công an nước ta qua bên đó, hoặc Công an Trung Quốc di lý sang Việt Nam để chúng ta xử lý”, đại tá Cầu nói.
Cách thứ 2, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có một thông tư liên tịch để hướng dẫn xử lý về hành vi này. Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần phải sớm đưa hành vi này vào luật hình sự.
Bản Đỉnh Sơn 1 (xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn), nơi hàng loạt phụ nữ đang đổ xô qua Trung Quốc bán bào thai. Ảnh: Tiến Hùng
Cũng tại hành lang HĐND tỉnh sáng nay (12/12), ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết, lãnh đạo huyện cũng đã nắm được tình trạng này. “Những phụ nữ đi bán bào thai này thường nằm trong diện hộ nghèo và lười lao động. Trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là tại các bản có người Khơ Mú sinh sống để người dân không tham gia vào việc này”, ông Hòe nói.