Thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen” đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên tình hình tội phạm này còn tiềm ẩn lớn.
Từ ngày 25/4/2019 đến ngày 14/9/2023, Nghệ An đã phát hiện, bắt 200 vụ, 366 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; 3 vụ bắt giữ người trái pháp luật, đe dọa giết người, cưỡng đoạt tài sản liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cơ quan chức năng đã làm rõ, số tiền các đối tượng cho vay lãi nặng khoảng 1.213 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 54 tỷ đồng.
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”; đồng thời thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; vận động nhân dân tích cực tố giác tội phạm và vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước; phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”. Chủ động phát hiện, trao đổi, phối hợp các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý nghiêm tội phạm cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…nhất là hoạt động lợi dụng dịch vụ cho vay trực tuyến trên không gian mạng, vay qua ứng dụng điện thoại.
UBND tỉnh Nghệ An giao UBND các huyện, thành, thị căn cứ tình hình tại địa phương nghiên cứu thành lập Đoàn liên ngành định kỳ và đột xuất tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh cầm đồ, dịch vụ tài chính có biểu hiện liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để phát hiện, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật.
Triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu, điều kiện hoạt động “tín dụng đen”; kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, cho vay trực tuyến, các hình thức “họ, hụi, biêu, phường”, đầu tư tài chính, tiền ảo, hoạt động huy động vốn lãi suất cao có dấu hiệu cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…
Quản lý chặt chẽ các đối tượng hình sự hoạt động lưu động, các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật… nhằm hạn chế việc các đối tượng này tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê. Phối hợp cơ quan Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp thực hiện đúng quy định về công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, góp phần răn đe, phòng ngừa chung.
Bên cạnh đó, ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An cần chủ động nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất với Ngân hàng nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đổi mới, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay, nhằm hạn chế việc người dân vay “nóng”, vay với lãi suất cao ngoài xã hội. Tăng cường quản lý, giám sát và xử lý các tài khoản ngân hàng có giao dịch đáng ngờ, tài khoản ảo nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”.