Theo thống kê, cả nước giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm có 92 ca tử vong và khoảng 400.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, thiệt hại trực tiếp trên 800 tỷ đồng/năm. Tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương số người tử vong cao do bệnh dại, chỉ tính từ năm 2013 đến hết tháng 8/2017, toàn tỉnh có 52 người tử vong do bệnh dại.
Nghệ An vừa bàn hành kế hoạch 708 về việc “Thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2021”.
Với mục tiêu đến năm 2021, sẽ có 95% số xã, phường, thị trấn ở Nghệ An lập được danh sách hộ nuôi chó và quản lý được đàn chó nuôi; tỉ lệ chó nuôi được tiêm phòng vắc xin dại đạt trên 85%; trên 70% số huyện không có bệnh dại chó trong 2 năm liên tiếp; giảm 60% số huyện có nguy cơ cao về bệnh dại trên người và giảm 60% số người tử vong do bệnh dại vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh dại trung bình giai đoạn 2011-2015.
Để giám sát và quản lý đàn chó, tỉnh Nghệ An buộc chủ nuôi phải đăng kí việc nuôi chó với UBND cấp xã; xích nhốt chó trong khuôn viên của gia đình, khi đưa ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó.
Ngoài ra, người nuôi chó bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo và thanh toán các khoản chi phí tiêm phòng. Chó sau khi tiêm phòng sẽ được cấp thẻ và dây đeo vòng cổ để phân biệt với chó chưa được tiêm phòng dại.
Bên cạnh đó phải tuyên truyền cho người dân hiểu đưa vật nuôi đi tiêm phòng, đưa chỉ tiêu kết quả phòng, chống bệnh dại vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của UBND cấp xã. Ngoài ra, Nghệ An sẽ thành lập đội bắt chó thả rông và diệt chó nghi mắc bệnh dại, chó không tiêm phòng. Số chó vô chủ, chó mắc bệnh dại hay có dấu hiệu mắc bệnh dại, không có người nhận sau 48 giờ sẽ bị tiêu hủy.
Đối với các gia đình thuộc diện hộ nghèo, có nguy cơ xảy ra bệnh dại cao (như đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn) sẽ được tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ kinh phí tiêm phòng.