Thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2015 của Chính phủ, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 130/2005/NĐ-CP quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí hành chính đối với cơ quan Nhà nước hiện nay có 43/43 cơ quan hành chính, các cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh đang triển khai thực hiện cơ chế tự chủ.
Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, toàn tỉnh có 1860 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, 100% các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh (197/197 đơn vị) được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính.
Công tác xã hội hóa Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa Thể thao được đẩy mạnh. Hệ thống y tế công lập được củng cố và phát triển. Đối với các lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao thông qua công tác xã hội hóa đã huy động được các nguồn lực của xã hội đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức, hoạt động của ngành, góp phần giảm gánh nặng cho các đơn vị sự nghiệp công lập và giảm chi phí ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến lĩnh vực này, Nghệ An đề nghị các bộ, ngành kịp thời ban hành các Thông tư hướng dẫn về tự chủ, đảm bảo đồng bộ, đầy đủ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định hiện hành; Đề nghị sửa đổi Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Theo hướng, bổ sung chế độ phụ cấp phân loại xã cho công chức cấp xã (Điều 9 của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP chỉ quy định cán bộ cấp xã được hưởng phụ cấp phân loại xã).
Đồng thời, Nghệ An đề nghị các bộ ngành xem xét hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính; Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu tham mưu Chính phủ có chính sách, chế độ hỗ trợ đối với công chức chuyên trách tham mưu cải cách hành chính ở các cấp nhằm khuyến khích, động viên đối với đội ngũ này.
Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số, diện tích lớn trong cả nước, điều kiện địa hình phức tạp, số lượng biên chế công chức hành chính còn thiếu nhiều. Vì vậy, Nghệ An đã đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ quan tâm xem xét tính đặc thù để bổ sung thêm, nhất là khi phát sinh thành lập tổ chức, cơ quan mới theo quy định của nhà nước.