Dù vậy, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND- UBND tỉnh, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Năm 2020, trên cơ sở định hướng của Bộ Tư pháp theo Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về “thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nước, đất, không khí, quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh”.
Tỉnh Nghệ An xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường bên cạnh việc phát triển KT – XH nên hàng năm Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả triển khai nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường nước, đất, không khí, quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh.
Mới đây nhất, ngày 19/12/2020 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 751 triển khai thực hiện chỉ thị số 33 ngày 20/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định số 1746 ngày 04/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Năm 2020, mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm có phần hạn chế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả của thiên tai. Nhưng dưới sự chỉ các cấp Đảng ủy, sự phối hợp tích cực của chính quyền các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân. Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã đạt được những kết quả tích cực đáng kể.
Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề gây bức xúc cho nhân dân và gây áp lực cho cơ quản quản lý nhà nước như: Xử lý rác thải sinh hoạt; Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; Xử lý thuốc bảo vệ thực vật; Đầu tư công trình bảo vệ môi trường của bệnh viện công.
Bà Trần Thị Thúy, Trưởng Phòng xử lý Vi phạm hành chính (Sở Tư pháp Nghệ An) cho hay, “Năm 2020, là một năm khó khăn trong công tác theo dõi thi hành pháp luật, nhất là theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm. Hiện nay, toàn tỉnh có 941 trang trại chăn nuôi trong đó có 438 trang trại lợn, 21 trang trại bò, 482 trang trại gia cầm. Tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi vẫn tồn tại và báo chí nhiều lần lên tiếng, người dân rất bức xúc. Đặc biệt có một cơ sở nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đang dừng hoạt động.”
Bên cạnh đó, Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có những chuyển biến rất sáng tạo trong hình thức, các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật gián tiếp được ưu tiên áp dụng như: thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, in và cấp phát tờ rơi, tờ gấp, với 1.200.152 bản tài liệu PBGDPL được biên soạn (tăng hơn 685.075 bản so với năm 2019) trong đó số tài liệu đăng tải trên Internet gồm 120.929 (tăng 115.267 tin, bài so với năm 2019). Tổ chức được 581 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 252.919 lượt người dự thi (giảm 52 cuộc so với năm 2019).
Hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp được tích cực triển khai thực hiện với 22.921 cuộc với 6.996.479 lượt người tham gia. Hình thức phổ biến GDPL ngày càng đa dạng gắn với ứng dụng công nghệ thông tin như: đăng tải, cập nhật các văn bản pháp luật, chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực của từng đơn vị trên các trang thông tin điện tử Website, Facebook, zalo...
Trong đó, nổi bật nhất là các mô hình mới: Chương trình VON mỗi ngày một chủ đề về an toàn giao thông tuyên truyền các chính sách pháp luật, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của nhân dân về an toàn giao thông; xây dựng Info, Long-form, Timeline; mô hình “Đội phản ứng nhanh” của đơn vị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh...
Nhìn chung, tình hình tuân thủ pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, nhận thức của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong việc chấp hành pháp luật có nhiều chuyển biến. Góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương trong quản lý xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật.