Nguồn vàng Lỗ Đông
Đường lên Bà Nà ngày xưa qua bưu ảnh của người Pháp. |
Họ luôn lùng sục tìm tòi, khai phá trong lòng đất, nhặt tất cả các phiến đá lạ bắt gặp trên đường hành quân để đưa về nghiên cứu. Tại đó, các chuyên gia bắt đầu nghiền đá, phân tích quặng và khai thác đem về nước hoặc phục vụ cho chiến tranh. Tại Đà Nẵng, những nơi nào anh thấy trồng “3 cây thông” chụm nhau hình tam giác, đều là nơi người Pháp đánh dấu có sự xuất hiện của vàng! Năm 1980, Viện Địa chất khoáng sản Việt Nam đã thăm dò, đánh giá trữ lượng vàng tại Quảng Nam và Đà Nẵng, họ dự báo có gần 30 tấn nhưng theo tôi trữ lượng này phải lớn hơn nhiều! Nếu vàng ở nguồn Vu Gia, Thu Bồn, Chiên Đàn của Quảng Nam là loại vàng sa khoáng thì nguồn Lỗ Đông (xã Hòa Ninh, Hòa Bắc, huyện Hòa Vang thuộc Đà Nẵng) là nơi vàng tụ nhiều nhất!”. Lần theo truyền kỳ “kho báu Bà Nà”, tôi được cụ Lê Văn Bách (80 tuổi) hiện sống tại xã Hòa Ninh - một “phu vàng” xưa, cho biết: “Người Pháp lập một số hầm vàng tại thượng nguồn Cu Đê, dưới chân núi Bà Nà và Bạch Mã – mà mỏ vàng Khe Đương hay nói đến gần đây là một ví dụ.
Trong những hầm vàng này, cứ 1km có một hội trường rộng rãi để họp, có nơi phu làm vàng nghỉ ngơi, có chỗ để đặt máy thổi khí, máy phát điện... Trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, Ủy ban bạo động Hòa Vang kéo lên cướp chính quyền tại Bà Nà và thu được một số lượng lớn vàng. Có điều, trước đó mấy ngày, một tay tư sản Pháp tại Bà Nà thuê hai vợ chồng nọ - người thôn An Lợi, đưa y vào rừng để tìm chỗ chôn vàng, mãi đến tối mịt mới về. Hôm sau, trong khi người chồng đi làm rẫy, tên Pháp đã kia ập vào giết chết người vợ của ông ta để bịt đầu mối nơi chôn vàng. Từ đó, chuyện kho báu Pháp chôn trong núi Bà Nà cứ lan truyền mãi đến sau này!”.
Hé lộ một kho vàng
Vào những ngày cuối năm 2010, trong dịp thu thập tư liệu về Đà Nẵng tại một trung tâm lưu trữ Quốc gia, tôi phát hiện một tài liệu thú vị về “kho báu Bà Nà”. Trong một lá thư của dân biểu Quảng Nam là Dư Phước Thuận, gửi cho Ngô Đình Diệm lúc đó là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa có đoạn: “Ở Sông Vàng thuộc quận Hòa Vang, cách núi Bà Nà 40km (phải đi đến đấy mất 2 ngày đường) có một mỏ vàng từ rất lâu không được khai thác. Trong một lần tiếp xúc với dân địa phương, gần núi Bà Nà, thì tôi gặp ông Cao Đắc Ấn. Sau đó vài hôm, ông Ấn trao cho tôi một bức thư nhờ tôi kính trình lên tổng thống, mà tôi xin đính kèm theo đây. Tôi xin thưa thêm rằng, người Pháp trong bức thư của ông Cao Đắc Ấn chính là Meitel, rể của viên cảnh sát trưởng người Pháp thời bấy giờ ở Đà Nẵng tên là Chevalier. Meitel là một kỹ thuật gia về hầm mỏ, là đại diện của một công ty Pháp khai thác vàng ở Sông Vàng…
Ông Cao Đắc Ấn là người dẫn đường cho Meitel và sau đó giúp việc cho ông này một thời gian đến năm 1942, khi Nhật đảo chánh Pháp. Ông sẵn sàng trình bày mọi điều mà mình biết cho Chính phủ về Sông Vàng”. Tiếp tục truy nguyên tài liệu nói trên, tôi tiếp cận được lá thư tay của ông Cao Đắc Ấn gửi cho Ngô Đình Diệm ghi rõ: “Tôi tên là Cao Đắc Ấn 63 tuổi, chánh quán tại thôn An Ngãi Tây, xã Hòa Thanh, quận Hòa Vang… Trong thời kỳ Pháp thuộc năm 1942, tôi có làm công dẫn đường cho một người Pháp để mở xưởng làm vàng tại xứ Sông Vàng. Sau khi thành lập cơ xưởng làm vàng được 3 năm, số vàng rất nhiều, gặp phải Việt Minh cướp chính quyền thì người chủ tôi đem số vàng trên 100 ki-lô đi chôn giấu. Từ lâu nay, nhiều người tìm hỏi nhưng tôi không dám hở môi…”.
Ông Ấn cho biết mình nắm rõ vị trí kho báu và đề nghị thêm “Tôi xin dẫn lộ và không dám nệ gian lao”. Điều đáng nói là, hồ sơ “kho báu vàng Bà Nà” đó đã không thấy trình lên Ngô Đình Diệm mà đã bị Ngô Đình Cẩn và người của y tại Phủ Tổng thống ém nhẹm. Người ta đồn rằng, Cẩn đã khéo léo mở lại đường Bà Nà - Bạch Mã và mời Ngô Đình Diệm ra dự khánh thành, thực chất là để truy tìm kho báu nói trên. Ai đã đọc hồi ký của Đỗ Thọ, tùy viên của Ngô Đình Diệm lúc đó sẽ hiểu sâu hơn câu chuyện bi hài này. Tôi cũng đã có được vài tấm ảnh Ngô Đình Diệm đến Đà Nẵng để dự lễ mở đường vừa nêu. Cần nói thêm rằng, trong hồ sơ “vàng tại Bà Nà” còn có một báo cáo vắn tắt cho biết “Khu vực núi Bà Nà hiện nay, có một người đàn ông Nhật thường lảng vảng quanh đấy mấy chục năm nay để dò tìm kho báu!”. Vậy người đàn ông đó là ai?
Song Cai Phát, ông là ai?
Ai từng thông thuộc vùng núi Bà Nà – Suối Mơ của Hòa Ninh thì không thể không biết về “ông già Sapa”, hiện mộ ông vẫn còn nằm ngay lối vào khu du lịch Bà Nà – Suối Mơ. Người dân địa phương nói với tôi rằng, người đàn ông vừa nêu tên là Song Cai Phát (cũng gọi là ông Sapa) mà hành tung của ông ta vô cùng bí ẩn. Người thì cho rằng ông ta là một viên tướng của Tưởng Giới Thạch đến Đà Nẵng năm 1945, bởi ông ta rất quắc thước, dáng đi đúng điệu con nhà võ và nhất là rất cam đảm, khi ở một mình trong rừng núi này suốt 50 năm qua và qua đời vào năm 1992.
Người thì cho rằng, Song Cai Phát là một người Nhật, kẻ được phân công giữ “kho báu Bà Nà” do bọn Nhật cướp đoạt từ thực dân Pháp mà chưa kịp tẩu tán về nước vào năm 1945! Tuy nhiên, ai từng gặp Song Cai Phát đều thừa nhận rằng ông ta không biết tiếng Hoa, không biết tiếng dân tộc Tày và cả tiếng Việt, mà “nói một thứ tiếng không ai hiểu được!”. Vậy phải chăng người được gọi ông già Sapa chính là người Nhật như tường trình của văn bản nói trên. Nhiều người dân địa phương từng biết ông Sapa nói với tôi rằng, nhiều lần họ nhìn thấy Song Cai Phát lặn lội vào rừng sâu, dưới rặng núi Bà Nà một mình với một chiếc rựa trên tay và một tấm bản đồ cũ.
Dù sao, nay ông già Sapa đã chết, bí ẩn về hành tung của ông cũng như bí mật về “kho báu Bà Nà” nếu có thực đã theo ông về nơi chín suối. Riêng, vẫn còn lại đây truyền kỳ về kho báu Bà Nà, khi mới đây, một người cho tôi biết rằng: “Hồi anh Phạm Đức Nam còn sống, có một người Pháp đến đề nghị truy tìm kho báu nói trên và nêu tỷ lệ ăn chia phần trăm rất cụ thể!”. Gần đây, khi vụ vàng Khe Đương nổi lên, nhất là vụ các phu làm vàng tại làng Quan Nam, xã Hòa Liên phát hiện được một khối vàng 40kg (?) thì “truyền kỳ kho báu Bà Nà” lại sống dậy với vô vàn sự huyền bí, khó tin.
Được biết, trước đây, sau khi tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá trữ lượng vàng tại Lỗ Đông, Giáo sư Trần Kim Thạch đã lập dự án đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ, tiến hành khai thác vàng tại Sông Vàng, song do tỉnh không đủ kinh phí nên dự án này đành gác lại. Vậy với tiềm lực kinh tế của Đà Nẵng hiện nay, theo tôi, chúng ta nên khởi động lại dự án nói trên, nhằm thu về cho thành phố một nguồn lợi lớn, cũng là xóa đi mãi mãi “truyền kỳ về kho báu Bà Nà” đã tồn tại hơn trăm năm qua.
LƯU ANH RÔ