Văn hóa trà Việt
Nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ, hiện nay, giới trẻ tìm hiểu trà và uống trà nhiều hơn. Khác hình ảnh khi xưa là bậc trung niên, các bậc cao niên mới ngồi thưởng trà. Ngày càng có nhiều loại trà du nhập vào nước ta nhưng cái cốt lõi văn hóa thưởng trà của người Việt vẫn còn gìn giữ qua các thế hệ như cách uống chè tươi độc đáo đã có hàng ngàn năm vẫn tồn tại.
Ấm trà và trà cụ vẫn giữ nếp gọn gàng, giản dị. Khách đến nhà, việc đầu tiên là pha trà mời khách. Rồi nữa, các tục lệ xát lá chè vào chân những đứa trẻ mới sinh để chúng có đôi chân khỏe đi rừng. Tục cúng thần rừng, thần cây (cây chè) cầu cho cây chè cho nhiều búp, búp to, búp khỏe như búp lá đa để thu hoạch thêm nhiều, việc thờ Cô Tám Chè trong đạo Mẫu… Tất cả vẫn hiện hữu trong đời sống văn hóa người Việt bao đời nay.
Người Việt có đúc kết nghệ thuật thưởng trà gồm: Nhất nước, Nhì Trà, Tam Pha, Tứ ấm, Ngũ Trạch, Lục Nhạc. “Trạch” ở đây được hiểu là không gian để thưởng trà, có thể là bàn trà trong phòng khách, bàn trà bên hiên nhà hay nơi mái đình làng, một không gian giữa rừng thanh vắng hoặc trong trong không gian thiền định nơi cửa chùa yên bình... Và “Nhạc” là âm thanh của tiếng nước sôi, tiếng gió thổi ngoài bụi tre, tiếng chim hót hay tiếng đàn tiếng sáo ngân nga…
Đây là sáu yếu tố cần và đủ trong việc thưởng trà để có chén trà như ý. Sáu yếu tố đó không yếu tố nào quan trọng hơn nhau, nhưng xuyên suốt quá trình đó vai trò của trà nhân - người pha trà. Trà nhân giữ nhân tố hết sức quan trọng, họ phải am hiểu tường tận việc chọn trà, chọn nước, chọn ấm, thuần thục cách pha chế từng loại trà, am hiểu về mỹ thuật để bài trí, chọn không gian và thời gian cho việc thưởng trà - nghệ nhân Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.
Ngạn ngữ có câu: “Nước là mẹ của Trà”. Vì thế, vai trò của nước rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của chén trà. Nên trà nhân phải hết sức chú ý đến việc chọn nước. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Nước khe, chè núi”. Nước suối trên núi là hạng nhất, nhưng không phải nước suối lấy đâu cũng được mà phải chọn chỗ nước chảy qua sỏi, đá. Nước sông phải lấy ở giữa dòng, nơi thượng nguồn. Nước giếng ở trên đồi cao hay trên núi mới thực sự ngon. Sau đến nước mưa, nhưng chọn nước mưa phải chọn mưa sau (không lấy nước trận mưa đầu), nước mưa được trữ trong chum sạch.
Cầu kỳ hơn nữa các bậc cao nhân còn tìm hạt sương móc, sương sa là nước sương đọng trên lá sớm mùa thu và mùa đông để pha trà. Nước đọng trên lá sen mùa Hạ cũng rất được trọng vì nó ngậm hương sen, hương thơm thanh khiết. Nước ngon pha trà sẽ làm nổi bật các đặc tính tiềm ẩn trong lá trà khô, khiến cho những tính chất đặc trưng của trà được “đánh thức”.
Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn, thời tiết có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Ngày có 4 thời Sáng - Trưa - Chiều - Tối. Do cây chè gắn liền với thời tiết nên việc chọn trà phải phù hợp theo mùa để có được chén trà thơm ngon nhất theo đúng tiêu chí thời Trần.
Khởi đầu cho vụ chè đầu tiên trong năm, mọi người chờ đón những búp chè tiền Thanh Minh. Vụ chè xanh này ở vùng trung du được coi là ngon nhất, quan trọng nhất trong năm. Còn vụ chè Thu ở vùng cao, những cây chè shan tuyết cổ thụ cho hương vị tốt nhất khi hấp thụ tinh hoa của đất trời đang giao thoa. Mùa nắng nóng của Phương Nam sau Tết Nguyên Đán lại đem lại chất lượng tốt nhất cho cây chè ô long.
Và yếu tố làm nên văn hóa thưởng trà của người Việt Nam chính là cái tình sự giản dị, dung hòa và bình đẳng. Người Việt Nam coi trọng bạn cùng thưởng trà hơn bất cứ yếu tố nào khác dù không gian, trà cụ... có đẹp hay xấu, có đầy đủ không cũng không còn quan trọng nữa…
Chậm lại bên chén trà
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tư liệu sớm nhất về trà ở Việt Nam phải kể đến những bài thơ của các vị thiền sư trong “Thiền uyển tập anh như” của thiền sư Viên Chiếu thời Lý. Hay thơ về trà của Trần Nhân Tông, Trần Thái Tông, thiền sư Huyền Quang thời Trần.
Cũng theo ông Đức, ngoài những áng thơ văn về trà xuất hiện từ thế kỷ 9, 10, sử liệu Việt Nam không có trước tác nào riêng về trà. Mãi đến cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 mới có Phạm Đình Hổ khảo về cách uống chè trong “Vũ trung tùy bút”. Đây có thể coi là trường hợp trước tác huy hữu về trà trong sử liệu Việt. Bước vào thời kỳ Pháp thuộc, những câu hỏi về phong tục, tập quán của người Việt được dấy lên, từ đó mới bắt đầu lác đác xuất hiện sách về trà.
Trong “Chuyện trà” mới ra mắt, Trần Quang Đức đặt trà Việt đồng hiện với văn hóa trà của các nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản. Dẫu vậy mỗi văn hóa trà lại có những nét đặc sắc riêng. Cụ thể, tác giả “Chuyện trà” cho rằng, giữa trà Tàu và trà Việt rất khó để tách bạch, thậm chí với cả trà Nhật cũng khó tách bạch.
Văn hóa trà có những điểm chung nhất định. Ví dụ trong văn hóa trà Nhật Bản dùng chổi để đánh matcha (bột nghiền mịn từ lá trà xanh) hiện vẫn đang được lưu giữ. Người Việt khoảng từ thế kỷ 12, 13, nhất là ở trong cung đình cũng có thú vui uống trà dùng chổi đánh matcha như người Nhật. Lối uống này về sau bị khuất lấp dần, thay vào đó người Việt dùng ấm, chén để thưởng trà từ thế kỷ 15 trở về sau.
Hay, người Việt có thói quen uống trà tươi được bảo lưu và phổ biến đến tận ngày nay. Tưởng rằng đây là lối uống đặc sắc chỉ có ở Việt Nam, nhưng trên thực tế ở cả Trung Quốc và Nhật Bản uống trà tươi từng là lối uống sơ khai nhất từ rất xa xưa.
Ở khía cạnh đặc sắc, “văn hóa trà Việt về mặt lịch sử bao gồm: Trà bình dân và trà trong giới trí thức, quý tộc. Trong dân gian, tuyệt đại đa số cả mấy ngàn năm người Việt uống trà tươi, trà xanh. Đây là một trong những lối uống đặc sắc về mặt giá trị văn hóa trong dân gian được nối truyền qua nhiều đời kéo dài đến tận ngày nay. Một thức uống tồn tại ít nhất 2.000 năm về mặt sử liệu”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức nói.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức. |
Ngoài ra, trong dân gian lối uống trà của người Việt trong khẩu vị đại chúng thường thích đậm, đặc. Khẩu vị này cũng ảnh hưởng đến tận hiện nay, đặc biệt là ở thế hệ 6X, 7X trở về trước. Đây có thể coi là một trong những vị đặc trưng của văn hóa trà Việt.
Cũng theo ông Đức, bên cạnh đại chúng còn có một lối uống xưa vẫn hay gọi là uống trà Tàu, ảnh hưởng của lối uống trà từ Trung Hoa. Lối uống này nhiều quy trình hơn, từ chọn nước đến dụng cụ pha trà. Hầu hết văn nhân, quý tộc sẽ thưởng thức trà theo lối chơi tinh thần này.
Tuy nhiên do người Việt có căn tính thích thoải mái, phóng khoáng nên thưởng trà dẫu có cầu kỳ nhưng không quá câu nệ, lề lối, thay vào đó là sự dung dị, coi trọng tinh thần thưởng trà. Ví như thưởng trà theo lối “thiền trà nhất vị” đã có từ đời Trần, Lê, Nguyễn… Đó là thú thưởng trà chú tâm thường trực để thưởng thức trà một cách trọn vẹn, với hình thức biểu hiện ra ngoài không cầu kì, kiểu cách như trà Nhật. Tất cả hội tụ thành một nét văn hóa tinh tế, có chiều sâu, bề dày cũng là một nét đặc sắc của trà Việt.
Hơn thế, “đối với người Việt không có gì gần gũi như trà. Một thức uống phổ thông chỉ sau nước lọc, hay nước vối. Trà gắn liền với cuộc sống của người Việt. Trà dùng làm thuốc, thậm chí cả khi nhắm mắt xuôi tay thì trà cũng theo ta xuống 3 tấc đất. Trà còn được dùng để đặt tên một bộ phận trên cơ thể người - xương bánh chè (chè ngày xưa đóng thành bánh dạng tròn). Trà ở khắp mọi nơi, từ dinh thự công quyền cho đến hang cùng ngõ hẻm, từ bình dân đại chúng cho đến văn sĩ quý tộc. Bởi Việt Nam cũng là một trong những cái nôi của cây trà”, tác giả Trần Quang Đức chia sẻ.
Trà ngày nay vẫn kết nối con người trong một thế giới tinh thần dung dị, khiến những dao động trong lòng ta dần chậm lại, nhịp nhàng hơn, để rồi đọng lại một sự cân bằng thật đẹp. Tựa như một tách trà ngọt dịu, chát nhẹ, thanh mát và thật tròn vị… Là khi chúng ta dọn lòng mình, bên những người bạn hiền, bên chén trà mà hậu vị sẽ còn rất lâu, đầy lưu luyến…