'Ngày tồi tệ với thương mại thế giới'

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/6 chính thức áp thuế lên các mặt hàng kim loại nhập khẩu từ những nước đồng minh thân cận nhất. Biện pháp này chắc chắn sẽ khiến quan hệ ngoại giao giữa Washington và các nước trở nên căng thẳng, đồng thời kéo theo các biện pháp trả đũa nhằm vào các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.

Đồng minh cũng không miễn trừ

Theo thông báo được Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross công bố ngày 31/5, Mỹ sẽ áp mức thuế suất 25% lên mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm có nguồn gốc từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico. Việc áp thuế này có hiệu lực từ 0h00 ngày 1/6/2018.

Đây là những nước cung cấp nhiều thép và nhôm nhất vào thị trường Mỹ. Theo thống kê, tổng cộng EU, Canada và Mexico cung cấp gần một nửa kim loại nhập khẩu vào Mỹ.

Trước đó, hồi tháng 3/2018, Mỹ đã thông báo việc áp thuế toàn cầu với các mặt hàng thép và nhôm của các nước. Tuy nhiên, Mỹ cũng tuyên bố sẽ áp dụng việc miễn trừ áp thuế đối với một số đối tác thương mại lớn để đổi lấy những nhượng bộ trong các vấn đề khác, trong đó có việc tự nguyện giới hạn lượng hàng chuyển tới Mỹ và giảm thuế với hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Canada, Mexico và EU nằm trong số các nước được miễn trừ để tạo kiện cho việc Mỹ tiếp tục đàm phán với các nước này nhằm làm rõ những quan ngại về tình trạng sản xuất thép và nhôm trong nước. Hạn chót cho những thương thảo này là ngày 1/6. 

Tuy nhiên, đến ngày 31/5, Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố, dù các cuộc đàm phán với châu Âu vẫn đang được tiến hành nhưng EU đã không thuyết phục được Mỹ rằng Washinton nên tiếp tục miễn trừ việc áp thuế cho khối.

Mỹ cũng bỏ việc miễn trừ cho Mexico và Canada vì các cuộc đàm phán liên quan đến Hiệp định thương mại tự do Bắc  Mỹ (NAFTA) đã kéo dài lâu hơn so với hy vọng của Mỹ và đến nay vẫn chưa xác định được ngày kết thúc.

Quyết định áp các biện pháp trừng phạt đối với mặt hàng thép và nhôm của ông Trump được thực hiện theo một đạo luật năm 1962, theo đó cho phép một tổng thống Mỹ có quyền tăng hoặc giảm thuế đối với mặt hàng mà ông cho là quan trọng với an ninh quốc gia của Mỹ.

“Chúng tôi quan điểm rằng nếu không có một nền kinh tế mạnh thì sẽ không có được an ninh quốc gia mạnh”, ông Ross ngày 31/5 nhắc lại lập trường của Mỹ khi áp thuế. 

Nhưng EU và Canada đã mạnh mẽ phản bác việc sử dụng lập luận an ninh quốc gia vì giữa Mỹ với các nước này có các thỏa thuận liên minh và quốc phòng chặt chẽ. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho rằng lý do thép nhập khẩu từ Canada sẽ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ là điều vô lý.

“Ngày tồi tệ”

Việc áp các mức thuế suất như vậy giúp ông Trump hiện thực hóa thêm được cam kết bảo vệ nền công nghiệp của Mỹ được ông đưa ra ngay từ khi tranh cử. Song, quyết định của Mỹ cũng đã ngay lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các nước đồng minh của nước này.

“Hôm nay là một ngày tồi tệ với thương mại thế giới. Chúng tôi đã làm mọi thứ để tránh kết quả này”, Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmstro nói trong một tuyên bố. 

Giới chức châu Âu ngày 31/5 tuyên bố sẽ sớm áp dụng các khoản thuế để trả đũa lên khoảng 3 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo thông báo, việc trả đũa như vậy sẽ được tiến hành ngay trong tháng 6 này và sẽ nhắm vào các mặt hàng như rượu whisky, các mặt hàng may mặc của hãng Levi’s vốn được sản xuất ở các bang có đại diện là những nhà làm luật đảng Cộng hòa ủng hộ lập trường của ông Trump. Trước đó, EU tuyên bố sẽ áp mức thuế suất 25% đối với nhiều mặt hàng để trả đũa nếu Mỹ quyết định áp thuế với khối.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh việc áp thuế của Mỹ là bất hợp pháp, khẳng định châu Âu sẽ đáp trả một cách cứng rắn và tương thích. Mexico trong ngày 31/5 cũng đã thông báo việc áp thuế trả đũa đối với các mặt hàng thép dẹt, đèn, các sản phẩm thịt lợn, thịt lợn sơ chế, táo, nho, việt quất và pho mát nhập khẩu từ Mỹ.

Theo các nhà phân tích, các mặt hàng được Mexico chọn để áp thuế trả đũa cũng nhằm tác động mạnh nhất tới những khu vực ủng hộ ông Trump. Giới chức Canada cũng đã tuyên bố áp thuế đối với số hàng hóa có giá trị 12,8 tỉ USD nhập khẩu từ Mỹ để bảo vệ các lợi ích thương mại và công nhân của nước này. Các mặt hàng Canada dự kiến áp thuế trả đũa bao gồm thịt bò, cà phê, bánh kẹo, ván ép, xi-rô trái cây và cả thép, nhôm

Việc tăng thuế của Mỹ cũng vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp Mỹ có sử dụng nguyên liệu thép và nhôm vì chi phí sản xuất của họ sẽ bị đẩy lên cao hơn trong khi các nguồn nguyên liệu từ nước ngoài bị thu hẹp. Ngay cả các hiệp hội nhôm và thép của Mỹ cũng không đồng tình với quyết định này.

Hiệp hội nhôm Mỹ ngày 31/5 tuyên bố họ thất vọng vì thông báo của Bộ thương mại Mỹ. Chủ tịch Hiệp hội Heidi Brock cho rằng động thái của Chính phủ Mỹ sẽ không giúp ích nhiều cho việc làm tình trạng dư thừa ở Trung Quốc; trong khi lại tiềm ẩn nguy cơ khiến Mỹ bị các nước đồng minh xa lánh và gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng vốn thu hút đến 97% lao động trong ngành công nghiệp nhôm của Mỹ.

Ông Jean Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, tuyên bố Mỹ đã đẩy châu Âu vào tình cảnh không có lựa chọn nào khác ngoài việc kiện Mỹ ra Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng như đánh thuế trả đũa lên các mặt hàng của Mỹ. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã lên tiếng cảnh báo về khả năng xói mòn lòng tin: “Việc đó sẽ gây tổn hại và làm gián đoạn chuỗi cung ứng vốn đã được xác lập trong nhiều thập kỷ”.

Tranh chấp trên nhiều mặt trận

Quyết định của ông Trump được cho là có thể khiến giá cả các mặt hàng mà người Mỹ phải mua hàng ngày đội lên cao hơn so với hiện nay. Ngoài ra, động thái này còn đẩy Mỹ vào tranh cãi thương mại trên không chỉ một mặt trận. 

Hai ngày trước thông báo trên, Nhà Trắng trong một tuyên bố ngày 29/5 cho biết các biện pháp trừng phạt thương mại nhằm vào Trung Quốc đã được Mỹ thông báo hồi tháng 3/2018 vẫn đang được soạn thảo và sẽ được công bố vào ngày 15/6 tới.

Trước đó, trong thông báo hồi tháng 3, Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế 25% lên khoảng 50 tỉ USD hàng công nghệ của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ cũng đe dọa sẽ áp thuế lên thêm 100 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh trả đũa.

Thêm vào đó, trước ngày 30/6 tới, Mỹ cũng sẽ công bố những giới hạn đầu tư vào các ngành công nghệ cao và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tăng cường đối với các cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan tới hoạt động thâu tóm công nghệ công nghiệp quan trọng.

Bộ thương mại Trung Quốc đã phản ứng các tuyên bố của Mỹ, cho rằng động thái này đã vi phạm đồng thuận mà Trung Quốc và Mỹ đã đạt được gần đây. “Dù Mỹ làm gì thì Trung Quốc cũng có tự tin, khả năng và kinh nghiệm để bảo vệ các lợi ích của người Trung Quốc cũng như các lợi ích cốt lõi của đất nước”, Bộ thương mại Trung Quốc nhấn mạnh.

Theo các nhà phân tích, tác động của những biện pháp trả đũa mà giới chức các nước áp với hàng hóa Mỹ dự kiến sẽ rất nặng nề. Việc bỏ các miễn trừ đối với Canada và Mexico của Mỹ cũng có thể khiến các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ với các nước này trở nên phức tạp. 

Cùng với đó, Mỹ cũng đang tìm cách áp các khoản thuế mới lên mặt hàng xe hơi – một thị trường lớn hơn nhiều lần so với thép và nhôm. Hai tuần trước, chính phủ Mỹ tuyên bố đang tiến hành điều tra về khả năng các mặt hàng xe hơi nhập khẩu cũng đang làm tổn hại tới an ninh quốc gia của Mỹ, đặt nền móng cho một cuộc đấu tranh thương mại khác.
“Có bằng chứng cho thấy trong nhiều thập kỷ qua, nhập khẩu từ nước ngoài đã xói mòn ngành công nghiệp xe hơi nội địa của chúng tôi”, ông Ross nói ngày 30/5. Việc điều tra này cũng được tiến hành theo cách tiếp cận tương tự như việc áp thuế thép và nhôm hồi đầu năm, tức cũng vì các lo ngại an ninh quốc gia.
“Các ngành công nghiệp cốt lõi như xe hơi và phụ tùng xe hơi rất quan trọng đối với sức mạnh quốc gia”, ông Trump nói trong một tuyên bố. Giới chức Mỹ không nói rõ nhưng theo tờ The Wall Street Journal, ông Trump cũng muốn đánh thuế 25% lên xe hơi nhập khẩu vào Mỹ.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.