HĐXX nhiều lần phải nhắc nhở nguyên đơn
Trình bày bài phát biểu dài 3 tiếng đồng hồ trong phần tranh luận, đại diện Thiên Phú đưa những lập luận bị đánh giá mâu thuẫn, phủ nhận nhau.
Ban đầu, Thiên Phú phủ nhận Kết luận thanh tra số 62/KL-TTr ngày 24/12/2018 của Thanh tra Bộ Tư pháp thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong vụ bán đấu giá này (KLTT); vì cho rằng “không giải quyết được các vấn đề sai phạm về đấu giá và không thể thay thế cho bản án của tòa”. Tuy nhiên, ngay sau đó, Thiên Phú lại viện dẫn chính KLTT để đòi vô hiệu hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Trong KLTT trên có dòng yêu cầu “ngân hàng có biện pháp với việc Kim Oanh chậm thanh toán”. Nội dung này bị Thiên Phú suy diễn thành “phải hủy kết quả đấu giá”.
Thiên Phú còn dùng những từ ngữ có tính chất xúc phạm, vu khống, ảnh hưởng đến uy tín của các đương sự khác. Kim Oanh bị Thiên Phú nói là “ngụy biện, ngang nhiên vi phạm pháp luật, mua tài sản bằng mọi cách, bất chấp pháp luật, không minh bạch về khả năng tài chính thanh toán”. Nam Sài Gòn bị Thiên Phú nói “hành nghề trái pháp luật, là sân sau của ngân hàng, câu kết, ưu ái đặc biệt cho Kim Oanh gây thiệt hại Thiên Phú”.
Dù không có chứng cứ, nhưng Thiên Phú vẫn cho rằng “việc bàn giao tài sản là dự án Hòa Lân để bán đấu giá là do ngân hàng thúc ép, ông Trọng (PGĐ cũ của Thiên Phú-NV) tự ý giao hồ sơ dự án cho Kim Oanh...”.
Những phát biểu trên bị các đương sự khác đề nghị HĐXX chấn chỉnh. Đại diện Kim Oanh phản ứng: “Yêu cầu Thiên Phú chấm dứt ngay việc bôi nhọ, vu khống Kim Oanh, lập luận nhưng không đưa ra được chứng cứ”.
Đại diện Agribank phản ứng: “Phát biểu của Thiên Phú là không có chứng cứ, làm ảnh hưởng đến uy tín của Agribank đang được Nhà nước giao nhiệm vụ trọng yếu. Chúng tôi sẽ đề nghị có biện pháp xử lý vấn đề này”.
Những phản đối nêu trên của các đương sự với Thiên Phú được HĐXX chấp nhận. HĐXX nhắc nhở Thiên Phú không được sử dụng những từ ngữ như trên.
Thế nhưng ngay sau đó, trong phần tranh luận, đại diện Thiên Phú tiếp tục “tái diễn”: “Tại phiên tòa hôm nay các bên Kim Oanh, Nam Sài Gòn, Agribank và văn phòng công chứng đều đồng ý quan điểm của nhau, có lợi ích nhóm, có chung cách hiểu về luật. Các bên có quan hệ liên kết với nhau để hướng đến một mục đích. Còn ngân hàng có sự mập mờ trong áp dụng pháp luật”.
Các đương sự khác tiếp tục phản đối, yêu cầu chủ tọa buộc Thiên Phú chấm dứt những suy diễn vu khống.
Đại diện Agribank nói: “Thiên Phú nên dừng lại những quan điểm, hành vi này; vì không có lợi cho mình và gây thiệt hại cho các đương sự khác. Thực tế thiệt hại đã xảy ra, khi hậu quả về kinh tế là dự án chưa thực hiện được, không giải quyết được việc làm, không thu được ngân sách cho Nhà nước, lãng phí tài nguyên đất đai, luật pháp bị xâm phạm”.
Kim Oanh đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án
Trong phiên xử, ngoài việc đưa ra các lập luận chứng minh Thiên Phú không có quyền khởi kiện mình vì không phải chủ thể trong các yêu cầu khởi kiện, phía bị đơn Nam Sài Gòn còn nêu ra hàng loạt dấu hiệu vi phạm tố tụng của chủ tọa phiên tòa.
Thứ nhất, trong quá trình xét xử, chủ tọa nhận định và trả lời rất nhiều lần rằng: “Hợp đồng bán đấu giá tài sản xuất phát từ hợp đồng tín dụng nên phải xem xét hợp đồng tín dụng”. Quan điểm trên là không có căn cứ, thiếu khách quan, dẫn tới làm ảnh hưởng quyền và nghĩa vụ của bị đơn và các bên liên quan.
Thứ hai, chủ tọa không xác định quan hệ tranh chấp, tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trước khi diễn ra phiên tòa. Trong yêu cầu khởi kiện, Thiên Phú có cả yêu cầu hủy hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản và đã được xác định lại tại phiên tòa. Nhưng chủ tọa ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử không đưa ngân hàng là bị đơn mà xác định là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Trong quá trình giải quyết chủ tọa lại yêu cầu Agribank cung cấp và thẩm vấn, giải thích muốn làm rõ vì có mối quan hệ trong vụ án. “Hành vi này của chủ tọa là không khách quan”, Nam Sài Gòn nêu.
Thứ ba, chủ tọa giải quyết vụ án vượt yêu cầu khởi kiện dẫn tới quá trình xét xử, giải quyết vụ án không khách quan.
Thứ tư, Thiên Phú khởi kiện hợp đồng tín dụng, thế chấp không liên quan đến yêu cầu khởi kiện đầu tiên là tuyên hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá vô hiệu. Và trường hợp này không thuộc thẩm quyền giải quyết, nhưng TAND Quận 7 vẫn thụ lý là vi phạm.
Bị đơn yêu cầu VKS thực hiện kiểm sát việc chấp hành tố tụng trong vụ án với chủ tọa.
Đại diện Agribank cũng nêu ra điểm bất thường khác của chủ tọa: “Kim Oanh bỏ ra gần 1500 tỷ để mua dự án Hòa Lân nhưng không sử dụng được tài sản đó do Thiên Phú đi kiện và TAND Quận 7 ngăn chặn. Nếu chỉ tính lãi suất theo ngân hàng thì mỗi tháng Kim Oanh phải mất hơn 5 tỷ. Thế nhưng Thiên Phú chỉ dùng có 1 tỷ để ngăn chặn mà vẫn được TAND Quận 7 chấp nhận, là không đúng quy định pháp luật”.
Về phía Kim Oanh, đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án vì Giám đốc Thiên Phú (cũng là người đang sở hữu 99% vốn của Thiên Phú) đã rút đơn khởi kiện; và vụ việc đã được giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật là KLTT của Bộ Tư pháp.
Dự kiến ngày 13/8/2020 tới đây phiên tòa tiếp tục làm việc.
PLVN đã có cuộc trao đổi với LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM), là người đã có thời gian dài theo dõi, nghiên cứu kỳ án này.
Từ ngày 7/3/2019, ông Đặng Bình Anh Trọng (SN 1982, ngụ A78A, khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm, TP Thuận An, Bình Dương, thành viên góp vốn 1% của Thiên Phú) đã có “đơn cầu cứu” gửi CA Bình Dương phản ánh sự việc bị “giang hồ” ép chuyển nhượng phần vốn góp cho ông Trương Thành Phú. LS đánh giá ra sao?
- Nếu sự thật như đơn của ông Trọng thì có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản”, tức là dùng vũ lực, đe dọa, uy hiếp tinh thần để ép buộc ông Trọng thực hiện một giao dịch mà ông Trọng không mong muốn.
Vậy giao dịch đó có bị vô hiệu hay không?
- Chưa tính đến việc ông Trọng có bị “cưỡng đoạt tài sản” hay không, nếu ông Trọng chưa nhận được tiền thì ông Phú không phải là thành viên công ty theo Điều 51 Luật DN, Sở KH&ĐT phải hủy bỏ giấy chứng nhận phần vốn góp, hủy bỏ giấy đăng ký kinh doanh có tên ông Phú.
Sau khi bị bắt vì liên quan vụ án lừa đảo khác, ông Sơn hiện còn quyền gì?
- Thời điểm bị tạm giam, các quyền của thành viên góp vốn của ông Sơn vẫn được giữ nguyên. Ông Sơn góp vốn 99% thì có các quyền được quy định tại Điều 50 và 72 Luật DN, có quyền ủy quyền cho người khác để triệu tập một cuộc họp thành viên nhằm quyết định người mới đại diện theo pháp luật.
Theo LS, vụ việc này nay phải xử lý sao mới đúng luật?
- Vì phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm, nên TAND Quận 7 cần lập tức có văn bản đề nghị CQĐT vào cuộc vụ cưỡng đoạt tài sản của ông Trọng. Tòa cần đình chỉ ngay vụ kiện Hòa Lân, lập tức hủy bỏ quyết định “phong tỏa” dự án. Làm như vậy vừa tuân thủ pháp luật, vừa tránh gây ra một vụ án tiền lệ xấu, vừa giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Kim Oanh.