Được biết, trước khi Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có hiệu lực (1/1/2013), Thái Bình là một trong nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền theo mô hình Ngày Pháp luật, ông có thể cho biết rõ hơn về những việc mà tỉnh đã làm?
- Từ đầu năm 2012, sau khi có hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành kế hoạch thực hiện Ngày Pháp luật. Theo đó, mỗi tháng các cơ quan ban, ngành dành một ngày để phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức của ngành mình. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, 8 huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Ngày Pháp luật. Về cơ bản, các cơ quan, đơn vị đều tổ chức Ngày Pháp luật hoặc lồng ghép các nội dung pháp luật vào các cuộc họp công đoàn, cơ quan, sinh hoạt chi bộ… Nói là Ngày Pháp luật nhưng không nhất thiết là một ngày mà có thể linh hoạt trong một buổi hoặc một vài giờ, tùy theo yêu cầu công việc của từng cơ quan, đơn vị.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền |
- Ở các thôn, làng, tổ dân phố… hiện chưa làm được nhiều vì khó khăn về con người, kinh phí, cách thức tổ chức. Việc lồng ghép nội dung pháp luật qua các tổ tự quản thực sự cũng chưa được như mong muốn…
Luật PBGDPL có hiệu lực, Ngày Pháp luật lần đầu tiên sẽ được triển khai trên quy mô toàn quốc. Thái Bình đã có sự chuẩn bị ra sao cho Ngày Pháp luật?
- Sau khi Luật PBGDPL có hiệu lực, UBND tỉnh Thái Bình tiếp tục ban hành kế hoạch thực hiện. Điểm nhấn của kế hoạch là tạo ra động lực, phong trào học tập pháp luật cho cán bộ và đặc biệt là các tầng lớp nhân dân. Chúng tôi coi đây là cơ hội lớn để cán bộ, nhân dân học tập pháp luật. Qua đây, cũng giải thích rõ cho người dân hiểu ý nghĩa của Ngày Pháp luật cũng như vai trò của pháp luật trong đời sống.
Để làm tốt Ngày Pháp luật, Thái Bình xác định tập trung mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích cũng như tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, nói chuyện chuyên đề triển khai các luật, nhất là các dự án luật được người dân quan tâm trong dịp này như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hay Luật Đất đai.
Tinh thần là các ngành, địa phương rất ủng hộ Ngày Pháp luật, tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy khó khăn hiện tại là về kinh phí. Bản thân kinh phí cho công tác tuyên truyền đã rất eo hẹp, giờ triển khai thêm cũng rất khó, nhưng các ngành đều nỗ lực một cách tối đa, chúng tôi cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ thêm kinh phí.
Bên cạnh đó, nhân dịp này chúng tôi cũng tập trung đẩy mạnh việc lồng ghép nội dung pháp luật vào sinh hoạt các tổ chức tự quản trong dân, thông qua họ chuyển tải pháp luật chứ không thể có lực lượng chuyên trách để làm. Thái Bình hiện có 15 ngàn hòa giải viên và hàng trăm tổ chức tự quản ở khu dân cư. Đây sẽ là lực lượng góp phần đắc lực vào công tác tuyên truyền ở cơ sở. Sở Tư pháp sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ. Pháp luật lâu nay vẫn bị coi là xơ cứng nên chúng tôi trăn trở nhất là làm thế nào để pháp luật đi vào đời sống một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả, vì thế việc đổi mới phương thức tuyên truyền luôn được xem trọng.
Xin cảm ơn ông!