Nhiều đồng phạm cổ vũ, giúp sức cho Nguyễn Phương Hằng phạm tội
Theo cáo trạng của VKSND TP. Hồ Chí Minh, các bị truy tố gồm: Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971 quê An Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam); Nguyễn Thị Mai Nhi (sinh năm 1983, trợ lý cho bà Hằng); Lê Thị Thu Hà (sinh năm 1992, nhân viên của bà Hằng); Huỳnh Công Tân (sinh năm 1994, trưởng phòng truyền thông Công ty Đại Nam), Đặng Anh Quân (sinh năm 1978, quê Tiền Giang là tiến sĩ- Giảng viên trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.
Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ để nhiều lần livestream trên không gian mạng, phát ngôn có nội dụng bịa đặt, biết rõ không tin không đúng sự thật hoặc chưa được kiểm chứng, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; đưa lên mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của nhiều người như: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ hài), Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển (Nhà báo), Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ), Lê Công Vinh (cầu thủ bóng đá), Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà trái quy định của pháp luật.
Đối với Đặng Anh Quân đã tham gia tương tác, bình luận trực tiếp với Hằng trong 11 buổi livestream của bà Hằng nhằm cổ vũ tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Hằng phạm tội. Ngoài ra trong buổi livestream ngày 24/12/2021, ông Quân đã phát ngôn, đưa thông tin có nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của ông Võ Nguyễn Hoài Linh.
Đối với Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân đã thực hiện hành vi tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội, kết nối các tài khoản mạng xã hội vào internet, thông báo thời gian, chủ đề livestream, chuẩn bị sân khấu để bà Hằng livestream và đăng tải các bài viết của bà Hằng lên các trang mạng xã hội theo sự chỉ đạo của bà Hằng. Do đó, vai trò của Nhi, Hà, Tân, Quân là đồng phạm giúp sức cho bà Hằng phạm tội.
Nguyễn Phương Hằng cùng các bị cáo đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ thực hiện nhiều buổi livestream trên không gian mạng. Hành vi đó đã vi phạm các Điểm a,b Khoản 3 Điều 16, Điểm d Khoản 1 Điều 17 Luật An ninh mạng 2018 (Điểm a; xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Điểm b: thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác). Điểm d, Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ (Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân) đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hành vi này chỉ xử lý về một tội danh và các bị can đã bị khởi tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức cá nhân” theo khoản 2 , Điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Do vậy không có căn cứ để xem xét xử lý thêm về các tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 và tội “Vu khống” theo Điều 156 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Ông Huỳnh Uy Dũng và nhiều Youtube không phạm tội
Cáo trạng của VKSND TP.HCM cũng thể hiện, đối với ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Nguyễn Phương Hằng), tài liệu điều tra cho thấy, Nguyễn Phương Hằng thực hiện rất nhiều buổi livestream, nhưng kết quả giám định chỉ có 57 buổi livestream có nội dung vi phạm pháp luật. Trong 57 buổi livestream của bà Hằng thì có một buổi ông Huỳnh Uy Dũng tham gia vào ngày 31/12/2021 (có nội dung xúc phạm theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Đức Hiển). Nhưng nội dung thể hiện, ông Dũng tham gia sau khi bị can Hằng đã chấm dứt việc phát ngôn xúc phạm ông Hiển. Không có tài liệu để xác định trong buổi livestream ngày 31/12/2021 ông Dũng đã phát ngôn xúc phạm ông Hiển.
Theo cáo trạng thì trong 57 lần livesstream có nội dung xúc phạm các bị hại thì 26 lần bà Hằng cùng các bị cáo tổ chức livesstream tại nhà riêng (số 6, đường Nguyễn Thông, phường Võ Thị Sáu, Quận 3); 11 lần tổ chức tại nhà riêng (số 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, Quận 1); 12 lần tại Khu du lịch Đại Nam số 1675A Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; 7 lần đi trên xe ô tô và 01 lần tại Hà Nội…
Ông Huỳnh Uy Dũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đại Nam và có quan hệ vợ chồng với Nguyễn Phương Hằng, có quyền quyết định với việc sử dụng xe ô tô và tài sản tại các địa chỉ nêu trên. Quá trình điều tra xác định, không có cơ sở để xử lý hình sự về vai trò của ông Huỳnh Uy Dũng đã đồng phạm giúp sức cho bị can Nguyễn Phương Hằng trong các buổi livestream nên cơ quan điều tra không khởi tố là có cơ sở.
Nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí đăng ký thẻ tác nghiệp phiên tòa Nguyễn Phương Hằng vào chiều 19/9 tại TAND TP.HCM |
Bên cạnh đó, cáo trạng cũng nêu lên một số cá nhân là chủ trang youtube như: Nguyễn Đình Kim, Phạm Hoàng Khang là chủ kênh youtube “Lang thang đường phố”; Huỳnh Tấn Lợi là chủ kênh youtube “Vlogs Trúc Ngân”; Nguyễn Văn Việt là chủ kênh youtobe “Trai đồng bằng”… do hành vi chưa đủ cơ sở xử lý hình sự nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản chuyển kèm tài liệu liên quan đến Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao để xử lý theo thẩm quyền.
Đối với vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo đối với các ông bà: Đặng Thị Hàn Ni, Trần Văn Sỹ, Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Huỳnh Minh Hưng, Đinh Thị Lan, Trần Thị Trang và nhiều tài khoản mạng xã hội khác về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” thì cơ quan điều tra Công an TP.HCM đang điều tra xác minh làm rõ.
Được biết đến nay đã có một số cá nhân đã bị khởi tố bắt giam như bà Đặng Thị Hàn Ni, Trần Văn Sỹ.
Do đây là vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận nên TAND TP. Hồ Chí Minh, cho biết, chỉ những người được tòa án triệu tập mới được tham dự phiên tòa. Báo chí sẽ được bố trí khu vực tác nghiệp. Phóng viên tham dự phiên tòa phải mang theo giấy giới thiệu và thẻ nhà báo, đăng ký tác nghiệp tại TAND TP. Hồ Chí Minh từ chiều 19/9 và mỗi cơ quan báo chí được đăng ký tối đa 2 người.