Hy vọng xen lẫn âu lo
Về xã Suối Trầu những ngày này, không khí như đang trầm lắng hẳn bởi những ngổn ngang mà người dân để lại. Suối Trầu nằm lọt thỏm giữa những lô cao su, vắng vẻ và đơn điệu. Dường như đi đến đâu cũng chỉ nhìn thấy những ngôi nhà tạm bợ, trống trước, trống sau, xuống cấp trầm trọng. Không những vậy, người dân nơi đây cũng chân chất với những nỗi lo thăm thẳm hiện rõ trong ánh mắt, trong cả lời nói.
Với họ việc xóa đi nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình chắc cũng sẽ buồn bã lắm. Nhưng có lẽ sau hàng chục năm nằm ở vùng dự án, không thể vực nổi cuộc sống thì việc dự án sớm thực hiện đó chính là niềm vui của họ. Ai nấy hi vọng rằng sẽ sớm có nơi ở mới, sớm ổn định lại cuộc sống, lo làm ăn và mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn, không còn tạm bợ.
Bà Mai Thị Én, người dân ấp 1, xã Suối Trầu cho biết: “Chúng tôi là người địa phương, giờ chẳng còn cái tên Suối Trầu nữa thì cũng sẽ buồn lắm, nhớ lắm. Chúng tôi chỉ muốn dự án sớm triển khai để bà con nhanh chóng ổn định lại cuộc sống, lo làm ăn. Nhà cửa xuống cấp, tạm bợ, ẩm mốc nhưng cũng không dám sửa sang, chỉ dám ở như thế vì sợ sửa rồi lại đi”.
Còn hộ gia đình ông Hoàng Văn Tám (67 tuổi) cho biết vợ chồng ông từ miền Trung vào đây lập nghiệp hơn 40 năm trước. Hiện con trai, con gái ông đều đã lập gia đình nhưng tất cả cũng chỉ cùng "chui ra chui vào" trong căn nhà tạm bợ. Gia đình không đủ khả năng xây nhà mới và cũng không dám xây hay sửa sang vì sợ đến thời điểm rời đi bị phá bỏ thì tiếc.
“Không được xây mới nên cũng không dám sửa chữa cho khang trang mà chỉ sửa tạm cho sạch sẽ và không dột ướt thôi. Ấy vậy mà cứ vài ba năm do sửa không tới nơi tới chốn nên lại khổ vì mưa, nhà ướt, bẩn nhưng đành chịu.
Giờ cũng đến lúc cho chúng tôi cuộc sống yên bình bớt khổ cực hơn cũng đúng. Giải tỏa hết thì cũng buồn nhưng ai cũng phải sống, cứ sống như thế tội cho chúng tôi lẫn con cháu chúng tôi. Chỉ mong nhà nước sớm giúp chúng tôi ổn định cuộc sống trở lại”, ông Tám chia sẻ.
Mong muốn sớm ổn định cuộc sống
Không chỉ bà Hoa, bà Én mà gia đình ông Định, một người dân nơi khác về Suối Trầu sinh sống và làm thuê cũng mong mỏi dự án sớm được thực hiện. Trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, gạch bung nát, tường đen nhẻm hoen ố màu thời gian ông Định cho biết ông cũng đang chờ, chờ ngày để đi.
“Không biết cuộc sống người dân rồi sẽ ra sao nhưng sống ở đây khổ lắm, cái xã này xưa giờ không thấy phát triển gì cả, chục năm qua vẫn vậy, không thay da đổi thịt. Mong cho dự án sớm triển khai, bà con về nơi khác lo làm ăn kiếm kế sinh nhai sớm. Bao nhiêu đời bám trụ ở đây thì tội cho người dân lắm”, ông Định nói.
Cạnh đó, Trường tiểu học Suối Trầu lặng lẽ dưới cái nắng hè gay gắt. Sau đợt tổng kết năm học này, thầy trò trong trường cũng sẽ phải chia tay ngôi trường này rồi đợt khai giảng tới sẽ đến một ngôi trường mới. Ông Khuynh Hiểu, một phụ huynh lo lắng: “Xã cũng sắp giải tỏa hết, giờ chúng tôi cũng lo không biết con cái sau này học hành sao, đi lại có xa không. Nhưng cũng mong địa phương sớm sắp xếp trường mới cho các cháu sạch sẽ, đẹp đẽ hơn”.
Trong khi đó, tại UBND xã Suối Trầu, hiện nay các cán bộ, nhân viên cũng đang chạy đua với thời gian để sắp xếp hồ sơ. Bởi chỉ còn vài ngày nữa xã Suối Trầu sẽ không còn, nhưng sẽ lập ấp Suối Trầu 1, Suối Trầu 2, Suối Trầu 3. Vì vậy các cán bộ xã phải phân chia tài liệu gói ghém cẩn thận, trách thất lạc.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Suối Trầu cho biết: “Trước mắt giải thể đơn vị hành chính nhưng hiện xã vẫn đang tiếp tục làm việc.
Chúng tôi kiến nghị thành lập các tổ, ví dụ như tổ điều chỉnh sổ hộ khẩu, điều chỉnh thông tin trong chứng minh nhân dân, một tổ liên quan đến các thủ tục hành chính để hỗ trợ giải quyết điều chỉnh thông tin cho người dân, một tổ tiếp tục công tác khám chữa bệnh cho bà con nhân dân tại địa phương để bà con có thể thuận lợi, dễ dàng hơn trong các thủ tục hành chính, tránh rườm rà. Các cán bộ xã cũng mong muốn được tiếp tục làm việc ở nơi mới và cũng mong muốn được sắp xếp công việc tại các đơn vị không quá xa nơi ở”, ông Hiệp nói.