(HPĐT)- Hôm qua 23-11, Quốc hội tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn với phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng.
ĐBQH Đồng Hữu Mạo chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh Ảnh: Phương Nga |
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhận được 19 lượt chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó có một số đại biểu chất vấn nhiều lần. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời trực tiếp câu hỏi của đại biểu liên quan đến các lĩnh vực cấp phép kinh doanh, quyết toán đầu tư xây dựng cơ bản, công trình chậm tiến độ, nguyên nhân giá cả tăng cao, trách nhiệm quản lý điều hành của Bộ…
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng: Việc phân bổ vốn không phải là nhiệm vụ, chức năng của Bộ Tài chính, mà do Chính phủ giao tổng mức vốn trong năm, còn phân bổ vốn là nhiệm vụ của các bộ và chủ đầu tư. Đối với các địa phương, do HĐND quyết định trên phương án báo cáo và đề xuất của UBND địa phương phân bổ vào vốn cho các dự án, công trình. Mấy năm gần đây, qua kiểm tra của các ngành cho thấy, vốn cấp cho phần lớn các dự án sẵn sàng, nhưng vướng do thủ tục về giải phóng mặt bằng, đấu thầu, giải ngân chậm tiến độ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nhận được 16 chất vấn bằng văn bản và 8 lượt ý kiến chất vấn, phát biểu của đại biểu liên quan đến chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, tình trạng tai nạn giao thông, trách nhiệm của Bộ trong quản lý Vinashin…
Liên quan tới vấn đề tai nạn giao thông, nguyên nhân có phần do người tham gia giao thông và đặc biệt là của lái xe, trong đó có vấn đề bằng lái, kỹ năng của người lái xe... Hiện tượng bằng giả khá nhiều, chất lượng đào tạo lái xe cũng có nhiều vấn đề. Bên cạnh đó là chất lượng đường giao thông chưa bảo đảm. Với tinh thần cầu thị, Bộ tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng công trình.
Về vấn đề nợ của Vinashin theo chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng: Việc Vinashin lỗ bao nhiêu, các cơ quan đang khảo sát, đánh giá. Song đã là doanh nghiệp để đầu tư phát triển thì phải có vay, có nợ. Vay để đầu tư phát triển, nợ trong đầu tư phát triển và nợ trong những dự án đóng tàu dở dang... trong việc vay vốn đầu tư và vay vốn lưu động. Nhưng điều bất thường của Vinashin là nợ này vượt quá cao so với tỷ lệ cho phép. Tức là nợ trên vốn chủ sở hữu quá cao, gấp 11 lần, bình thường 3 lần, 4 lần có thể trong giới hạn an toàn. Như vậy, nợ trên vốn chủ sở hữu quá cao, mất an toàn và có khả năng bị phá sản. Nhưng không có nghĩa rằng số nợ này của Vinashin là số lỗ, số nợ này và số tài sản này đang nằm trên tài sản hiện hữu của Vinashin, trong đó có hơn 100 cơ sở sản xuất, 28 cơ sở đóng tàu đang hoạt động, 14 cơ sở đầu tư dở dang, hàng chục hợp đồng đóng tàu dở dang.
Nhà nước sẽ bằng cơ chế đúng pháp luật để hỗ trợ, lành mạnh hóa dần tình hình tài chính của Vinashin qua đề án tái cơ cấu để giúp Vinashin thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Vấn đề nợ của Vinashin, doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh để trả nợ. Nhà nước không dùng vốn ngân sách hay vốn nào để trả nợ thay cho Vinashin.
Hôm nay 24-11, Thủ tướng Chính phủ báo cáo giải trình và trả lời chất vấn các đại biểu. Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Luật Tố tụng hành chính./.