(HPĐT)- Hôm qua 22-11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Trong ngày đầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đăng đàn trả lời chất vấn. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên báo cáo, giải trình một số vấn đề liên quan.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh phát biểu chất vấn |
Năm 2015, giảm nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu còn 14%
Mở đầu phiên chất vấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Trần Ngọc Vinh đề nghị Công Thương trả lời rõ nguyên nhân khiến nhập siêu tháng 7 vọt lên 1,07 tỷ USD, có ảnh hưởng đến việc kềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô? Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp bình ổn và kiểm soát giá? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2010, nước ta có tốc độ xuất khẩu tăng 23%, trong khi nhập khẩu chỉ tăng khoảng 19 - 20%. Tuy tình hình năm 2010 được cải thiện, nhưng tổng thể nhập khẩu vẫn nhiều hơn xuất khẩu về con số tuyệt đối.
Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để kiểm soát chặt chẽ giảm nhập siêu. Năm 2008, nhập siêu 18 tỷ USD, tỷ lệ trên kim ngạch xuất khẩu là 30%, năm 2009 là 12,9 tỷ USD, (tỷ lệ trên kim ngạch xuất khẩu là 22,5%); năm nay nhập siêu gần 12 tỷ USD, bằng 17% trên kim ngạch xuất khẩu. Dự kiến đến năm 2015, giảm nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu còn 14%.
Bộ trưởng nêu ra các giải pháp tham gia chống lạm phát và bình ổn cung cầu, bình ổn giá mà các Bộ tham mưu với Chính phủ triển khai: bảo đảm cung cầu hàng hóa cho sản xuất, cho đời sống nhân dân. Chính phủ chỉ đạo trong bất kỳ tình huống nào cũng phải bảo đảm cân đối cung cầu 11 nhóm hàng hóa thiết yếu.
Nếu bị ảnh hưởng do xả lũ, các nhà máy thủy điện có trách nhiệm hỗ trợ
Liên quan đến quy hoạch thủy điện và việc xả lũ của các hồ thủy điện làm ảnh hưởng đến việc tăng lũ đối với vùng của người dân bị lũ được các đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình), Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định) chất vấn. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Quy hoạch về phát triển thủy điện nhỏ toàn quốc có 230 dự án với tổng công suất 1.520 MW, nhưng chúng ta mới triển khai 90 dự án với tổng công suất khoảng 500 MW. Ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung, do đặc điểm sông ngòi có độ dốc rất lớn, chiều dài ngắn, mùa khô cạn kiệt, nhưng mùa mưa nước về rất nhanh. Phần lớn thủy điện nhỏ ở miền Trung không có chức năng điều tiết lũ do đặc điểm sông ngòi ở đó. Sắp tới, quan điểm của Bộ Công Thương là tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện và nếu thấy dự án lợi ích kinh tế rất nhỏ, có thể có những tác động liên quan đến môi trường lớn hơn, sẽ kiên quyết dừng hoặc yêu cầu chính quyền địa phương dừng.
Những người dân chịu thiệt hại do ảnh hưởng của lũ lụt, trong đó có phần nào lỗi của các nhà máy thủy điện thì bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý, lãnh đạo nhà máy thủy điện phải có trách nhiệm hỗ trợ.
Dự án bô xít có hiệu quả kinh tế
Trả lời băn khoăn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng(Đắc Lắc) về hồ bùn đỏ ở trên quá cao, độc tính lớn, ngửi phải hơi bùn đỏ có thểbị bệnh ung thư và hiệu quả kinh tế của dự án nhà máy alumin Nhân Cơ, Bộ trưởng cho biết: Căn cứ vào những số liệu thẩm định về thuế xuất khẩu, phí môi trường, giá nhôm và vốn đầu tư, chi phí vận chuyển, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và Hội đồng thẩm định đánh giá với những thông số như hiện nay, khả năng thu hồi vốn của dự án Nhân Cơ khoảng 8,24%, và như vậy là có hiệu quả, tính cho cả đời dự án, không phải chỉ tính cho mấy năm đầu. Đời dự án được tính theo luận chứng là 30 năm, nhưng trên thực tế sẽ tồn tại dài hơn nữa.
Năm 2015 sẽ không phải nhập phân bón
Đề cập việc giá cả phân bón năm nào cũng tăng mặc dù được quản lý chặt, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) hỏi: Hiện nhu cầu phân bón cho sản xuất trong nước chỉ bảo đảm 60%, còn lại 40% phải nhập khẩu. Chừng nào ngành phân bón có thể đáp ứng cho nhu cầu thị trường trong nước? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, theo đúng tiến độ, vào năm 2012, chúng ta sẽ xây dựng xong nhà máy sản xuất phân đạm Cà Mau, công suất 800.000 tấn/năm; xây dựng xong nhà máy sản xuất phân đạm ở Ninh Bình với công suất 500.000 tấn/năm; cải tạo nhà máy, mở rộng nhà máy phân đạm ở Bắc Giang. Như vậy, đến năm 2015, chúng ta không phải nhập khẩu phân đạm.
Giá thuốc chữa bệnh không lên, xuống theo ngoại tệ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) về quản lý giá thuốc, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: Theo Tổng cục thống kê, trong 10 tháng năm 2010, giá 11 mặt hàng thiết yếu tăng 8,6%, giá thuốc chỉ tăng 3,2%. Nguyên nhân khiến giá một số thuốc tăng đột biến đã được liên ngành Bộ Y tế, Tài chính, Công thương tìm hiểu và nhận thấy, 95% số thuốc thuộc thị trường hoàn hảo (đủ doanh nghiệp sản xuất, đủ sức cạnh tranh công khai minh bạch) theo sát giá thị trường. Còn lại 5% số thuốc (chủ yếu là những thuốc mới phát minh, có tính độc quyền) thuộc thị trường không hoàn hảo như thuốc điều trị vô sinh, ung thư…
Trong thời gian qua, các cơ quan liên ngành đưa ra biện pháp kiểm soát giá thuốc thông qua việc giữ giá trần của các mặt hàng thiết yếu để nhà sản xuất thuốc, người kinh doanh đều có lãi và người tiêu dùng có thể chấp nhận được với mức giá đó. Bộ Y tế yêu cầu Cục Thuế thường xuyên báo cáo với Cục Dược về giá thành, Tổng cục Hải quan báo cáo với Bộ Y tế về việc đấu thầu thuốc, các địa phương giao UBND theo dõi tình hình giá thuốc ở địa phương mình…
Theo thông tư liên bộ Bộ Y tế, Công Thương và Tài chính, đấu thầu thuốc chữa bệnh là đấu thầu cả năm. Nếu ngoại tệ lên hay xuống, người trúng thầu phải chấp nhận. Vì vậy, các tỉnh, thành phố, bệnh viện đều phải thực hiện theo giá niêm yết đã quy định của Bộ Y tế, không phải là theo giá ngoại tệ. Như vậy, sẽ không có chuyện là tháng này giá ngoại tệ tăng thì kéo theo giá thuốc tăng theo.
Bộ Y tế cố gắng để dân đỡ khổ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Kim Phương (Hà Nội), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) về giải pháp của Bộ Y tế đối với tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viên đa khoa tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện giảm tải số ngày điều trị cho người bệnh bằng cách yêu cầu bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và điều trị tốt. Giải pháp thứ hai là giảm diện tích khu vực hành chính, tăng diện tích khu điều trị để kê thêm giường bệnh. Giải pháp thứ 3 là chống quá tải từ xa bằng việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới thông qua việc ban hành Đề án 1816. Tất cả những giải pháp này của đề án 1816, đến nay giảm được 30% số người bệnh chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên một cách không hợp lý được giải quyết ở tuyến dưới. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đưa ra giải pháp khám, chữa bệnh ngoại trú, chăm sóc tại nhà… Giải pháp lâu dài để giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện là xây dựng thêm bệnh viện và đào tạo đủ nguồn nhân lực y tế.
Ngày 23-11, các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tổng kết phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu:
Các Bộ trưởng nắm chắc tình hình, trả lời cặn kẽ
Lĩnh vực công nghiệp và thương mại rất rộng, nhiều vấn đề khó, lớn, quan trọng liên quan đến cả những nhiệm vụ cấp bách trước mắt cũng như nhiệm vụ cơ bản, lâu dài. Phần kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu phản ánh nỗi bức xúc và lo lắng về vấn đề điện, vấn đề giá cả, vấn đề nhập siêu...
Phiên chất vấn này, Bộ trưởng nhận được 42 chất vấn bằng văn bản, 19 lượt ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chất vấn, trao đổi. Phần trả lời của Bộ trưởng có thể chưa thật trọn vẹn, chưa thật đầy đủ, đại biểu có thể chưa hài lòng nhưng thể hiện tinh thần nghiêm túc, có báo cáo việc thực hiện lời hứa cũng như những việc đã làm kể từ kỳ họp thứ 7 đến nay.
Bộ trưởng nắm tương đối chắc tình hình nên phần trả lời khá đầy đủ, cặn kẽ, chi tiết, có sự trao đi, đổi lại. Do thời gian ngắn, phần trả lời có những lúc hơi dài, không khí hơi trầm nên các đại biểu không có nhiều thời gian để trao đổi nhiều vấn đề hơn.
Đối với phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: Có 16 chất vấn bằng văn bản, 12 vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi được Bộ trưởng trả lời. Phần trả lời của Bộ trưởng tương đối suôn sẻ, chắc chắn.
Chúng ta đều biết lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của người dân, người bệnh là vấn đề chiến lược lâu dài, chúng ta phải thường xuyên quan tâm. Nhà nước tập trung nhiều nguồn lực, huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho y tế, song so với yêu cầu còn thấp. Ngành y tế cũng có rất nhiều cố gắng, nâng cao trình độ khám, chữa bệnh, áp dụng kỹ thuật mới, ngang bằng với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn nhiều bức xúc như tình trạng quá tải bệnh viện, người nghèo được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chưa nhiều, giá thuốc cao, còn nhiều phàn nàn về y đức…
Nhu cầu càng ngày càng cao, nguồn lực có hạn, nhưng chúng ta cũng không đổ tại vì nghèo mà bằng lòng. Hết sức khiêm tốn để tập trung làm tốt hơn nữa trong lĩnh vực này. Đây là chính sách chiến lược của chúng ta đối với bảo đảm chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
|