Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III, năm 2021 được tỉnh Lai Châu tổ chức nhằm bảo tồn, khai thác, tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và tính đặc thù văn hóa của dân tộc Mông nói riêng.
Ngày hội lần này diễn ra trong 3 ngày từ 24/12 đến 26/12/2021. Cùng với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào dân tộc Mông của 11 tỉnh (Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Đắk Lắk, Thanh Hóa) đồng thời có sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương.
Chương trình văn nghệ chào mừng Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại Lai Châu. |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III được tổ chức ngay sau khi Hội nghị văn hóa toàn quốc thành công rất tốt đẹp, là việc làm cụ thể, thiết thực triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược văn hóa đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, góp phần chấn hưng nền văn hóa nước nhà.
Lãnh đạo các tỉnh bạn tham dự ngày hội. |
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Ngày hội là dịp để đồng bào các dân tộc thiếu số nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng, thông qua lời ca tiếng hát, điệu múa, tiếng khèn, tiếng sáo,… để bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, niềm tin tưởng và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Qua đó, đề cao ý thức, trách nhiệm, giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi khai mạc. |
“Trân trọng đề nghị đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng phải coi việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc là yếu tố tự thân, gìn giữ cho mình, Nhà nước và xã hội hỗ trợ giúp đỡ chứ không thể làm thay cho chúng ta được, vì đồng bào vừa là chủ thể sáng tạo ra các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc mình, vừa là người thụ hưởng để nâng cao đời sống tinh thần. Mặt khác văn hóa có tính cộng đồng nên phải cùng nhau làm thì mới có kết quả tốt, mỗi người tự làm thì sẽ rời rạc, không có sức mạnh, khó thành công”. Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ.
Hoạt động văn nghệ phong phú tại ngày hội. |
Nói về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với đời sống đồng bào các DTTS, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thông tin, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, Bộ Chính trị ban hành Kết luật 65, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88 và 120, Chính phủ ban hành Quyết định 1719 đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, với 10 dự án lớn, vốn ngân sách đầu tư hơn 100 ngàn tỷ đồng. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, một cơ hội hiếm có để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đề nghị các cấp, các ngành, đồng bào diện thụ hưởng chính sách nỗ lực cao nhất để thực hiện thắng lợi chương trình này, phấn đấu đạt bằng được các mục tiêu đã đề ra, nhằm nâng cao thực chất đời sống, vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Đặc biệt, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các địa phương, đồng bào, đồng chí quán triệt sâu sắc thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 128 của Chính phủ, thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế. Cùng với đó, cần thấm nhuần nội dung Chỉ thị 11 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022, đảm bảo an toàn, vui tươi, tiết kiệm, thực hiện thật tốt công tác an sinh xã hội để mọi nhà, mọi người đều có điều kiện đón xuân, vui tết.
Các tiết mục trình diễn giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông. |
Đến với ngày hội, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm các hoạt động như: trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông, liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; thi giã bánh giầy; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông, liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Ngày hội, sẽ diễn ra các hoạt động thể dục thể thao truyền thống dân tộc Mông như: Tù lu, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy… thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào như bánh giầy, mèn mén, thắng cố… cùng nhiều hoạt động văn hóa thể thao dân gian mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mông.
Video chương trình văn nghệ chào mừng ngày hội. |
Thông qua các hoạt động của ngày hội để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào địa phương đến với du khách trong và ngoài nước. Việc tổ chức ngày hội có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn, giáo dục và phát huy các giá trị văn hoá, làm phong phú thêm các hoạt động trong đời sống văn hoá tinh thần, tâm linh của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Góp phần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Ngày hội được tổ chức đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và áp dụng linh hoạt theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/10/2021 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.