Quên rằng đó là ngày của mình
Từ những miền đất xa xôi, làm kinh tế khó khăn, có rất nhiều người phụ nữ phải tạm xa quê, lên thành phố làm ăn, mưu sinh, thuê trọ ở những khu nhà ẩm thấp, chật trội để tiết kiệm tiền gửi về quê cho con cái ăn học.
Mối lo cơm, áo, gạo, tiền đã đủ nặng nề, họ không còn tâm trí để nhớ được ngày 20-10 là ngày dành cho những người phụ nữ, và họ chính là những người phụ nữ chịu thương chịu khó, xứng đáng được trân trọng, tôn vinh.
Xe hoa hôm nay nặng hơn mọi ngày
Không để ý đến chuyện 20-10 là ngày dành cho mình, nhưng họ nhớ rõ, vào ngày này, họ bán được nhiều hoa hơn nên cũng nhập hoa nhiều hơn ngày thường một chút. Càng gần ngày lễ, họ càng tất bật bán buôn, không nề sáng sớm hay đêm khuya, nắng ấm hay mưa rét, chỉ biết phải đi bán để có thu nhập tốt hơn, ngày lễ phải gắng hơn ngày thường. Nhưng không phải xe hoa nào cũng rộn ràng vào ngày này.
Tôi gặp cô Đỗ Thị Hương, quê ở Bắc Giang, vào buổi trưa ngày 19-10 trên vỉa hè gần trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nghe cô chia sẻ: Cô lên Hà Nội làm ăn cũng đã 7 năm, hiện đang thuê trọ ở gần Chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), cô lấy hàng từ chợ và đạp xe hơn 10 cây số đến đường Nguyễn Chí Thanh và bán quanh ở đó, năm nay hoa mất mùa, cô đã chi hơn 10 triệu tiền vốn để lấy hoa bán trong 3 ngày cuối dịp lễ, ngày bán nhiều thì thu về hơn 3 triệu “cả vốn lẫn lãi”, nay bán ế thì chắc chỉ được một nửa con số đó quay lại.
Giờ người bán ngày càng nhiều, người mua thì lại thay đổi xu hướng quà tặng, khó khăn chồng chất. Cô Hương buồn rầu kể thêm về nỗi khổ khi đi bán hàng rong thời gian gần đây, “cô phải tranh thủ buổi trưa ra đường lớn bán ở ven vỉa hè, khi nào xe công an đi đến thì cô và những người phụ nữ cùng cảnh phải chạy tạm vào trong ngõ đứng chờ, công an đi lại ra, cứ như “mèo đuổi chuột” dòng dã suốt ngày”. Xe hoa đầy không còn chỗ chất, từ trưa đến tối mà không vơi thì ngày mai không dám lấy thêm nữa.
Tặng chính mình những bông hoa còn ế
Những người bán hàng quanh năm, ngày 20-10 mà không bán hết hoa thì họ có thể bán vào ngày tiếp theo, nhưng có những người chỉ tranh thủ đi bán vào dịp lễ, nếu ế họ sẽ làm thế nào với số hoa đó? Khi được hỏi về điều này, chị Nguyễn Thu Hạnh, 30 tuổi, quê ở Nam Định cười nói:
“Những năm trước, có lần hoa còn đẹp, chị để lại lỗ vốn cho những người chuyên bán hoa ở đây để ngày mai họ không cần đi lấy hàng, cũng có lần hoa thuận mùa, giá thấp, chị phải mang về quê vừa bán vừa cho bà con hàng xóm, lần còn nhiều quá thì cắm bớt ở nhà, coi như tự tặng cho chính mình, đành vậy chứ không biết làm thế nào. Hồi đó mới lên thành phố, không biết đường đi đổ buôn cho các cửa hàng cắm hoa nghệ thuật, khổ lắm”.
Những người phụ nữ chân chất ấy, không mơ nhận được món qùa gì xa xỉ vào ngày mà đáng lẽ họ được quyền hi vọng. Niềm vui của họ chỉ đơn giản là bán được nhiều hàng, kiếm được tiền cho cái con cái ăn học, lo được kinh tế cho gia đình, tích cóp chút tiền dư để an yên ở quê nhà lúc tuổi đã lớn. Phụ nữ Việt Nam bao đời nay vẫn luôn xứng đáng với 4 từ Bác Hồ dành tặng “Anh hùng - Bất khuất – Trung hậu - Đảm đang”, dù bao khó khăn, vất vả, có khi là thiệt thòi, họ luôn hy sinh tất cả cho gia đình.