Nhiều vụ án hậu ly hôn của những cặp vợ chồng hoặc "vợ chồng hờ" mà dư âm của nó là chuyện vướng víu, tố nhau liên quan đến tình phí, khiến thiên hạ thở dài ngao ngán cho tình nghĩa vợ chồng thời buổi đồng tiền lên ngôi.
1. Nhiều người còn nhớ, vụ kiện của anh Trần Văn H. ở Đồng Nai cách đây ba năm. Hai vợ chồng anh Trần Văn H. và chị Lê Thị Minh T. ra toà ly hôn, sau vụ ly hôn là vụ kiện của chị T., nhằm đòi lại tài sản thuộc về mình. Chuyện như vậy thì không có gì đáng nói, nếu như không có những tình tiết éo le đến nực cười của vụ kiện. Số là, sau khi chia tài sản xong xuôi từ vụ ly hôn, anh H. sở hữu căn nhà, còn chị T. sở hữu mảnh đất ở Hóc Môn với gía trị tương đương, chị T. nuôi con trai út, anh H. nuôi con gái đầu.
Nhưng một thời gian sau, không hiểu nghe ai xui khiến mà chị T. lại đâm đơn kiện đòi... số tiền chăm sóc chồng con bấy nay. Chị bảo, anh T. đi làm bên ngoài rất sung sướng, ăn mặc đẹp đẽ, hưởng thụ nhiều thú vui, về nhà đã có chị cơm bưng nước rót, dọn dẹp nhà cửa đàng hoàng, chỉ việc ăn xong ngủ nghỉ. Chị đi dạy nữ công cho một trường cấp 2, chỉ có nửa buổi, còn lại dành hết cho việc chăm nom, hầu hạ chồng. Chị cho rằng, tài sản chia đôi như vậy là không phù hợp với công sức đóng góp của chị vào gia đình, rồi tuổi xuân của chị đã trôi qua vì chồng con.
Chị H. còn làm một bài toán khác so sánh là nếu trong bằng ấy năm, anh T. mà thuê ô sin thì tốn bao nhiêu là tiền, rồi những giá trị tinh thần chị mang lại, rồi tiền chị đi làm đóng góp vào sinh hoạt gia đình... Tất tần tật đều bị chị liệt kê ra, khiến những người thân của anh có mặt ở toà cứ nhìn chị với con mắt kinh ngạc pha giận dữ. Tất nhiên, những đề nghị của chị đều bị toà bác bỏ. Vị thẩm phán nhận định rằng, việc phân chia theo bản án ly hôn là công bằng, vì phiên toà đã xem xét dựa trên những đóng góp của chị vào gia đình.
Cần phải nói rằng, anh T. là kĩ sư giám sát công trình, lương tháng gấp 5 lần lương giáo viên hợp đồng của chị. Nếu chỉ dựa vào mặt thu nhập, đóng góp tài chính thì chị "thua đứt", nhưng chính nhờ vào những cống hiến cho chồng con, tính về sự thiệt thòi của người phụ nữ sau bao năm mà chị được chia khối tài sản tương đương với anh. Kết thúc phiên toà, chị vẫn không đạt được điều mình mong muốn, ra về tay trắng, lại còn thêm mất mát tình cảm với người chồng cũ đã từng bao năm đầu ấp tay gối, có với nhau hai mặt con. Từ nay chị cũng khó lòng nhìn mặt anh và người thân gia đình anh, chưa kể ánh mắt trách cứ của con gái vì hành xử của mẹ. Trước cửa toà, chị trách cô em gái: "Tại mày cứ xúi kiện đòi thêm bây giờ mất mặt quá đi".
2. Một vụ kiện "hậu chia tay" nổi tiếng khác, là của anh Lý Vinh Q., ngụ Phú Nhuận, TPHCM. Có khác một chút là anh Q. và người bị kiện, chị Phan Thị Thanh N. chưa phải là vợ chồng, họ chỉ là một cặp "sống thử" với nhau được hai năm cũng coi là "vợ chồng hờ" trong con mắt của nhiều người. Quen ba năm, sống chung hai năm, với bao nhiều mặn nồng, nhưng rồi họ chia tay vì trong quá trình sống thử nảy sinh nhiều mâu thuẫn, rồi anh Q. phát hiện chị N. ngoại tình với người bạn của mình.
Họ chia tay nhau, chị N. dọn ra khỏi căn nhà do anh Q. thuê giá cao, từng là tổ ấm của hai người. Tuy nhiên, sau đó, dường như chưa hả giận, anh Q. bỗng phát đơn kiện chị N. Nội dung đơn, anh Q. muốn đòi lại chị N. những "tình phí" mà anh phải gánh chịu trong quá trình yêu đương và chung sống. Anh Q. trình bày, tất cả mọi chi phí sinh hoạt trong quá trình sống chung nào là tiền thuê nhà giá 4 triệu/tháng, tiền điện nước, sinh hoạt phí, ăn uống... đều do anh đảm trách.
Do chị N. kể cảnh nhà chị khó khăn, nên anh đã bao bọc cho chị toàn bộ, lương chị đi làm kế toán công ty xi măng, chị dành trọn gửi về nhà. Không những thế, anh còn thường mua tặng chị những món quà có gía trị, cụ thể là cái điện thoại trị giá hơn 2 triệu đồng, một xe máy trị giá 16 triệu đồng, một số thứ khác như đồng hồ, mỹ phẩm.
Ngoài ra, anh còn góp tiền giúp đỡ cho gia đình chị ở quê xây nhà với số tiền 40 triệu đồng... Nay vì chị đã có hành vi phản bội tình cảm của anh, phụ bạc tình yêu mà anh giành cho chị, cũng như sự chăm nom, cung phụng của anh, nên anh mong muốn đòi lại số của cải, vật chất đó để "công bằng". Sau vụ kiện căng thẳng mà hai bên kì nèo, chi li với nhau từng đồng một, kết quả là anh Q. lấy lại được chiếc xe máy do chính tay anh đứng ra mua và còn đứng tên anh.
Những thứ khác như điện thoại, đồng hồ, mỹ phẩm và cả tiền mà anh đưa cho chị để về sửa nhà ở quê thì thiếu bằng chứng nên không được Tòa xử cho lấy lại. Anh ra về với vẻ mặt hậm hực, có lẽ vì "tiếc" những thứ chưa đòi lại được, và thấm thía cái câu "bắc thang lên hỏi ông trời". Chị thì đi thật nhanh ra khỏi tòa, người yêu mới đang chờ sẵn, trên gương mắt đầy vẻ chán nản và bẽ bàng. Có lẽ cả hai đều chẳng được gì, ngoài sự giễu cợt của những người dự tòa...
Có không ít câu chuyện hậu chia tay mà hai bên cạn tàu ráo máng với nhau đến từng chiếc chén, đôi đũa. Dường như, với nhiều người, khi kết thúc những ngày tháng tình nghĩa mặn nồng, đường ai nấy đi, thì trong suy nghĩ của họ, chỉ còn tồn tại nỗi hằn học, ghét bỏ lẫn nhau, phải làm thế nào cho "bõ ghét", làm thế nào để mình không bị thiệt thòi hơn...
Lê Phương