Những vi phạm nêu trên tại các spa, thẩm mỹ viện (cơ sở dịch vụ thẩm mỹ) không phải là cá biệt. Theo đại diện Phòng quản lý hành nghề y dược tư nhân - Sở Y tế Hà Nội cho biết, hầu như quận (huyện) nào cũng có những cơ sở hoạt động khi chưa được cấp giấy phép vì nhiều lý do như nhấn mí được thực hiện tại các cơ sở cắt tóc gội đầu,… Hiện nay Hà Nội có khoảng trên, dưới 70 cơ sở đã được cấp phép chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có cả bệnh viện. Sở Y tế chỉ cấp phép và hậu kiểm những cơ sở mà Sở đã cấp phép đồng thời lực lượng thanh tra còn mỏng trong khi số lượng cơ sở làm đẹp ngày càng nhiều.
Để làm rõ hơn về những kỹ thuật mà các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ được phép làm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội). Theo ông Trung, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phải cấp phép mà chỉ thông báo với Sở Y tế, phòng y tế trên địa bàn đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ thẩm mỹ. Tuy nhiên, rất ít các cơ sở có báo cáo với cơ quan quản lý. Đồng thời các cơ sở này phải đáp ứng được những tiêu chí về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự,... theo quy định tại điều 37 Nghị định 109/2016NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
“Theo quy định, người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”, ông Nguyễn Quang Trung cho biết.
Để giúp người dân nhận biết, phân biệt giữa cơ sở dịch vụ thẩm mỹ với phòng khám, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, ông Trung chỉ rõ một số điểm: “Điều kiện để nhận biết phòng khám đã được cấp phép hay chưa thì ngay từ phía ngoài phải có biển hiệu tên phòng khám, giờ làm việc, tên bác sĩ phụ trách chuyên môn, có địa chỉ và số giấy phép mà Sở Y tế đã cấp được dán trên biển hiệu. Khi vào vị trí tiếp đón của phòng khám sẽ thấy cơ sở niêm yết giấy phép hoạt động, danh sách, ảnh hoặc chứng chỉ của người hành nghề, tại vị trí đón tiếp ngoài ra phải niêm yết giá dịch vụ,… Đó là những cơ sở để người dân nhận diện cơ sở này đủ điều kiện để hành nghề và có thể yên tâm thăm, khám. Còn ngược lại những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không có các số hiệu như trên”./.