Hiện nay, nhiều thí sinh chọn vào học ngành được gọi là “nóng” như kinh tế, ngân hàng, tài chính… mà lãng quên ngành truyền thống Nông - Lâm - Ngư, trong khi đó ngành này đang rất hiếm nhân lực.
[links()] Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị tuyển sinh 2011, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho biết: “Các ngành học thuộc lĩnh vực Nông-Lâm - Ngư có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững đất nước, đặc biệt trong điều kiện thế giới có nguy cơ khan hiếm lương thực thực phẩm, thì sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam cần được xem là một lợi thế”. Ông Vinh cho hay, hiện một số ngành truyền thống như Nông - Lâm - Ngư thực sự khó tuyển thí sinh. Trong khi đó, thí sinh vào học những ngành này rất có lợi. Những ngành học truyền thống luôn gắn với các ngành kinh tế lớn, phát triển đa dạng cả kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân. Thị trường việc làm luôn sẵn có nhu cầu và ít bị cạnh tranh hơn. Vì vậy, việc đăng ký vào học các ngành truyền thống, không chạy theo “mốt” mà chưa thật rõ thị trường việc làm khi tốt nghiệp thì rủi ro có thể cao hơn”. Mặt khác, đó luôn là những ngành đào tạo trường đó có thế mạnh nhất về năng lực, kinh nghiệm, truyền thống đào tạo.
Thí sinh cần cân nhắc khi chọn ngành học. |
Không chỉ lượng thí sinh đăng ký dự thi ít mà điểm chuẩn đầu vào của các ngành truyền thống này cũng không cao. Để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời gian tới, tại hội nghị tuyển sinh vừa qua, nhiều trường đại học đã đề nghị Bộ GD-ĐT có chính sách với thí sinh vào học ngành này. Ông Nguyễn Tấn Vui, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, cho biết: “Hàng năm khối Nông - Lâm nghiệp của trường không tuyển đủ chỉ tiêu, nên hàng năm không có nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu xã hội đang cần. Do vậy, mong muốn Bộ GD-ĐTcó chính sách như miễn học phí để thu hút học sinh vào học”. Không chỉ miễn học phí với đối tượng theo học ngành này, nhiều trường còn đề nghị Bộ cho phép hàng năm hạ điểm chuẩn để thí sinh có cơ hội vào học. Đại diện trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết: “Tôi mong Bộ GD-ĐT có quy chế đào tạo ngành Nông Lâm Ngư là cho phép các trường có chính sách ưu tiên, chỉ tiêu ngay từ đầu cho các em vào học ngành này”. Còn ông Từ Quang Hiển, hiệu trưởng ĐH Thái Nguyên, đề nghị: “Bộ đưa vào quy chế cho phép các trường vận dụng ngay điều 33 khi tuyển sinh với các ngành khó tuyển như khối Nông Lâm”. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Việc khuyến khích các ngành khó tuyển, trên tinh thần chung đồng tình với các kiến nghị, nhưng tôi cũng khẳng định, việc ưu tiên phải có chọn lọc, đó phải là những ngành phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia”. Chia sẻ khó khăn với các trường, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, các trường thuộc khối Nông - Lâm - Ngư cũng cần marketing các ngành học của mình để cho người học biết nhiều hơn. Đối với thí sinh, ông Vinh cho biết: “Việc chọn ngành dự thi của không ít thí sinh hiện nay là theo tâm lý đám đông, thị hiếu nhất thời của xã hội, chưa xuất phát trên nhu cầu sử dụng nhân lực, cơ hội việc làm thật sự”. Để chọn được ngành nghề phù hợp với mình, ông Vinh khuyên các thí sinh cần cân nhắc từ nhiều yếu tố như năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, điều kiện đi lại... Các em cũng nên chú ý, hiện số lượng trường đào tạo cùng một ngành, số lượng thí sinh đông đảo có nguyện vọng học, đăng ký xét tuyển vào một ngành học nào đó chưa phải là những thông số tin cậy phản ánh chính xác nhu cầu sử dụng nhân lực. Các thí sinh nên chú ý đến các thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về thị trường lao động... Lựa chọn ngành học hôm nay nhất thiết phải nghĩ đến việc làm trong tương lai.
Theo Dân trí