Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn
Đầu năm 2022, TAND Tối cao đã khánh thành Trung tâm Tư liệu - Thư viện, Trung tâm Giám sát và Điều hành, Phần mềm trợ lý ảo cho thẩm phán, Nền tảng xét xử trực tuyến TAND tại Trụ sở TAND Tối cao. Dự Lễ khánh thành, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc ngành toà án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức, hoạt động, coi đây là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng công tác; TAND các cấp đã quán triệt và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số là giải pháp then chốt để khắc phục những hạn chế trong công tác toà án, từ đó hỗ trợ các thẩm phán hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
“Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Tư liệu - Thư viện, Trung tâm Giám sát và Điều hành, Phần mềm trợ lý ảo cho thẩm phán, Nền tảng xét xử trực tuyến TAND cùng với việc ban hành Thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên toà trực tuyến ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên toà trực tuyến đã cho thấy tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm nỗ lực lớn của hệ thống tòa án trong việc đồng hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp kịp thời, phù hợp và hiệu quả để chủ động thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến hoạt động tố tụng tại tòa án”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý ngành toà án cần đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp trong TAND với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo. Tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp trong TAND; Đề án xây dựng Toà án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp… Cùng với đó, cần tăng cường công khai minh bạch và bảo đảm sự tham gia của nhân dân đối với hoạt động của các tòa án.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số các mặt hoạt động của tòa án. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác toà án phải quán triệt quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và là mục tiêu; lấy hiệu lực, hiệu quả hoạt động và lợi ích của người dân doanh nghiệp và xã hội làm thước đo để đánh giá kết quả. Xác định đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức tòa án là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công trong thực hiện Chiến lược chuyển đổi số, xây dựng toà án điện tử theo tinh thần cải cách tư pháp.
Các nền tảng số, trợ lý ảo… là công cụ hỗ trợ rất đắc lực nhưng con người vận hành hệ thống đó mới là yếu tố quyết định, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Toà án tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; thường xuyên quan tâm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, xây dựng hình ảnh người cán bộ toà án thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi và tinh thông về nghiệp vụ, mẫu mực về đạo đức.
Trợ lý ảo sẽ được sử dụng như một dịch vụ tư pháp công
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết năm 2021, các Tòa án đã làm tốt các nhiệm vụ, công tác đề ra, tạo những chuyển biến tích cực trên mọi mặt mặt công tác. Đặc biệt chất lượng giải quyết các vụ án xét xử, các loại vụ việc tiếp tục được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước.
Trong nhiệm kỳ 2021-2026, tòa án có một số ứng dụng về công nghệ thông tin theo Nghị quyết của Quốc hội, bao gồm việc xét xử trực tuyến. Đây là xu thế toàn cầu trong điều kiện Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động xét xử, nhiều phiên tòa phải hoãn, dừng. Trong thời gian tới, ngành tòa án sẽ đưa ứng dụng trợ lý ảo vào hoạt động nghiệp vụ. Trợ lý ảo đóng vai trò như một thư ký làm việc thường xuyên với các thẩm phán, tư vấn cho các thẩm phán ứng dụng pháp luật, điều khoản pháp luật.
Theo lời Chánh án TAND Tối cao, khi ứng dụng trợ lý ảo phát triển hoàn thiện, cơ quan này sẽ mở rộng phạm vi, cho phép người dân sử dụng trợ lý ảo làm tư vấn pháp lý khi gặp tình huống pháp lý tương tự vụ án của mình. Khi đó, người dân tham khảo từ trợ lý ảo để đưa ra quyết định có nên tiếp tục kháng cáo, khiếu kiện hay không... “Chúng tôi sẽ nghiên cứu để công chúng sử dụng như một dịch vụ tư pháp công, nâng cao trình độ pháp lý cho người dân”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.
Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết trong năm 2021, ngành tòa án đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Tòa án, sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến; triển khai các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành điện tử giữa Chính phủ và TAND tối cao; các hệ thống dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp khi có công việc liên quan đến Tòa án; triển khai, kết nối hệ thống quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký điện tử của TAND liên thông với trục văn bản quốc gia; tích hợp 5 trang thông tin - dịch vụ công của Toà án nhân dân lên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021, các Tòa án đã giải quyết được 436.660 vụ việc. Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật. Các Tòa án đã giải quyết, xét xử được 79.409 vụ với 138.272 bị cáo. Trong đó, các Tòa án đã thụ lý sơ thẩm 2.880 vụ với 6.124 bị cáo phạm các tội kinh tế, tham nhũng; đã xét xử 2.263 vụ với 4.125 bị cáo.
Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ, vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Công ty Gang thép Thái Nguyên,… Đã đưa ra xét xử 136 vụ với 177 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh. Cùng với công tác giải quyết, xét xử các loại án, TAND còn triển khai thực hiện tốt công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng và kiểm tra công tác chuyên môn…
BOX 1: Nhiều nước trên thế giới đã triển khai thành công mô hình Tòa án điện tử
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Mỹ, Nhật Bản… đã triển khai thành công mô hình Tòa án điện tử, xét xử trực tuyến, nộp và bổ sung đơn, các tài liệu khác qua mạng… Việc này mang lại nhiều thuận lợi cho người dân trong khả năng tiếp cận công lý, hoạt động quản lý và xét xử của Tòa án được nhanh chóng. Bởi việc xét xử trực tuyến mang lại rất nhiều lợi ích: không cần “trích xuất” các bị cáo ra khỏi nhà tạm giữ, tạm giam đến tham gia phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí dẫn giải, bảo đảm an ninh tại phiên tòa, tiết kiệm thời gian, an toàn xã hội nhưng vẫn bảo đảm quyền con người, quyền tự bào chữa từ luật sư, bào chữa của bị cáo.
Ở Việt Nam theo Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.
Xét xử trực tuyến là cần thiết nhưng phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản
Chia sẻ về phiên tòa xét xử trực tuyến, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết việc chuyển sang hình thức xét xử trực tuyến một số vụ án hình sự là cần thiết nhưng vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản và trình tự thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định, trong đó vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi xét xử trực tuyến phải được chú trọng một cách đặc biệt. Điều quan trọng nhất trong các điều kiện tổ chức phiên toà, phiên họp trực tuyến là phải có sự đề nghị hoặc đồng ý của đương sự, bị cáo hoặc cơ sở giam giữ và VKS, sự phù hợp về điều kiện vật chất và kỹ thuật của phòng xử án.
Ngoài ra, luật sư Hòe cho rằng cần có luật riêng về tố tụng điện tử. Bởi theo luật sư Hòe, khi phiên tòa trực tuyến đang diễn ra mà xuất hiện tình tiết mới thì giải quyết như thế nào, tống đạt ra sao…