Ghi nhận nỗ lực cải cách
Theo DB 2020, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng lên 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá.
Xếp hạng về chỉ số nộp thuế được WB đánh giá căn cứ trên các tiêu chí như: Số giờ nộp thuế; Số lần nộp thuế trong năm; Tổng mức thuế suất trên lợi nhuận; Chỉ số sau kê khai (hoàn thuế GTGT, thanh/kiểm tra thuế thu nhập DN).
Phần lớn các chỉ số trên đều có sự cải thiện. Trong đó thời gian nộp thuế giảm 114 giờ (từ 498 xuống 384 giờ); trong số giờ này có 94 giờ giảm là nhờ cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về khai thuế GTGT; và 20 giờ giảm là nhờ những cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về nộp và quyết toán thuế thu nhập DN.
Số lần nộp thuế của Việt Nam cũng giảm bốn lần (từ 10 lần năm 2019 xuống còn 6 lần năm 2020). Tổng mức thuế suất (tỷ lệ tổng thuế và đóng góp) giảm 0,2%, từ mức 37,8% (thuế 13,3%, BHXH 24,5%) năm 2019 xuống còn 37,6% năm 2020.
Như vậy, với chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP (năm 2019 tăng 7-10 bậc về chỉ số nộp thuế), tiệm cận mục tiêu đến năm 2021 chỉ số nộp thuế tăng lên 30-40 bậc.
Theo Tổng cục Thuế, kết quả trên là ghi nhận khách quan từ DB 2020. Đây là minh chứng cho những nỗ lực vượt bậc trong đẩy mạnh cải cách toàn diện của toàn hệ thống thuế trong suốt một năm qua từ thể chế, phương thức, đến bộ máy.
Thời gian qua, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được hệ thống thuế đưa vào ứng dụng để cắt giảm, đơn giản hóa nhiều khâu trong quy trình nghiệp vụ và tạo thêm dư địa để cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN và người dân trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước..
Gần 78% DN được khảo sát hài lòng về dịch vụ của cơ quan thuế
Theo khảo sát đánh giá cải cách thủ tục hành chính (TTHC), mức độ hài lòng của DN năm 2019 do Tổng cục Thuế đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, gần 78% DN được khảo sát hài lòng về dịch vụ của cơ quan thuế (CQT).
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có tối thiểu có 80% số người nộp thuế (NNT) hài lòng với các dịch vụ do CQT cung cấp theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi cục thuế các tỉnh, TP trong đó nêu rõ một số nội dung cần thực hiện để nâng cao chất lượng dịch vụ của CQT.
Tổng cục Thuế đề nghị Cục trưởng các Cục Thuế chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ NNT; tiếp tục duy trì và cung cấp các dịch vụ thuế điện tử; tăng cường giám sát của người dân, DN với việc thực thi công vụ của CQT, công chức thuế; đồng thời không gây phiền hà cho các DN chấp hành tốt pháp luật thuế.
Nhằm hỗ trợ NNT trong việc tiếp cận thông tin, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị rà soát lại các hình thức, phương tiện cung cấp thông tin; xem xét để thực hiện truyền thông qua các diễn đàn trực tuyến và tận dụng sự phát triển của mạng xã hội để tăng độ phủ sóng của thông tin về chính sách thuế. Việc tuyên truyền hỗ trợ NNT cần tiến hành đồng bộ ở các khâu, các bộ phận, lĩnh vực; thực hiện hỗ trợ theo chuyên đề, theo nhóm NNT, đảm bảo việc tiếp cận thông tin về thuế của DN được đầy đủ, dễ dàng, thuận tiện.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Văn phòng các Cục Thuế và Chi cục Thuế cần thực hiện đúng quy trình và các quy định về tiếp cận giải quyết TTHC, tăng cường kiểm tra giám sát để chấn chỉnh tình trạng cán bộ thuế yêu cầu thêm hồ sơ giấy tờ không có trong quy định. Đẩy mạnh việc giải quyết TTHC theo phương thức trực tuyến mức độ 3-4.
Tổng cục Thuế cũng lưu ý công tác thanh, kiểm tra thuế cần cải thiện theo hướng hỗ trợ cho DN biết sai và khắc phục, không tập trung vào việc truy thu và xử phạt, đồng thời phát hiện và xử lý thấu đáo hiện tượng nhũng nhiễu gây khó dễ cho DN. Công tác rà soát đối chiếu nợ thuế phải dễ dàng, thuận lợi, không để tình trạng DN phải đi nhiều vòng, gặp nhiều cán bộ để đối chiếu nợ thuế.
Ngoài ra, CQT các cấp cần tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, quán triệt đến tất cả cán bộ thuế về những nội dung, chính sách, thủ tục về thuế đã sửa đổi bổ sung theo tinh thần cải cách; tăng cường tinh thần, thái độ, tác phong ứng xử của cán bộ thuế; kiên quyết xử lý các sai phạm đảm bảo kỷ cương, kỷ luật nội ngành.