Ngành tài chính tiêu dùng: Chuyển mình sau cơn bão

Ngành tài chính tiêu dùng: Chuyển mình sau cơn bão
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tín dụng tiêu dùng trải qua một năm khốc liệt nhất trong lịch sử khi tiêu dùng - một trong động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thể phục hồi trong năm 2023. Kích cầu, tăng sức mua cùng sự thay đổi từ chính nội lực của các tổ chức tín dụng, bức tranh được kỳ vọng sẽ “không thể xấu hơn”.

Đối phó thách thức kép

Giảm giá sâu, khuyến mãi khủng nhưng sức cầu vẫn yếu - thị trường xe máy vốn thường nhộn nhịp “săn sale” vào các dịp cận Tết lại mang một gam màu ảm đạm trong tháng cận Tết Giáp Thìn. Số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho thấy sự suy giảm đáng kể về doanh số bán hàng năm 2023: chỉ gần 2,52 triệu xe được 5 hãng thành viên bán ra, giảm 16,21% so với năm trước.

Quản lý một đại lý xe máy lớn tại Hà Nội, anh Hiếu cho biết tình hình kinh doanh đã kém đi đáng kể từ giữa năm 2023 và đến giờ cũng chưa tốt hơn. Doanh số may mắn không giảm quá sâu nhưng hụt mạnh doanh thu do đại lý này giảm giá bán, thậm chí chấp nhận bán dưới giá đề xuất của hãng ở một số dòng xe.

Sản phẩm điện tử, điện lạnh cũng nằm trong nhóm người dân “thắt chặt chi tiêu”. MWG, “ông lớn” ngành bán lẻ thu về hàng tỷ đô la mỗi năm chứng kiến mức sụt giảm hơn 20.100 tỷ đồng doanh thu trong năm, tương đương giảm 14%, ở hai thương hiệu Thế giới di động và Điện máy xanh. Năm 2023, theo người đứng đầu MWG, là một trong những năm khốc liệt nhất trong lịch sử hoạt động.

Kịch bản hồi phục sức mua sau dịch đã không diễn ra như kỳ vọng khi thu nhập và niềm tin của người tiêu dùng kém khả quan. Cũng bởi tiêu dùng yếu, cho vay tiêu dùng chậm lại và trải qua một đoạn đường nhiều gian khó.

Xét riêng ở nhóm các công ty tài chính, nơi cung ứng vốn cho nhóm phân khúc khách hàng dưới chuẩn (thường khó tiếp cận tín dụng ngân hàng), dư nợ tín dụng tiêu dùng theo số liệu cập nhật mới nhất giảm khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Cụ thể, đến cuối quý III/2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng, trong khi nợ xấu tăng 10-15%.

Dư nợ cho vay khách hàng của FE Credit - công ty tài chính có quy mô lớn nhất ngành ước tính giảm 14,6% so với thời điểm đầu năm. Năm 2023, FE Credit báo lỗ 3.699 tỷ đồng. Các công ty tài chính có vốn ngoại Mirae Asset Finance, JACCS và Shinhan Finance đều thua lỗ khá lớn.

EVN Finance, Home Credit hay Mcredit vẫn giữ được lợi nhuận dương dù giảm so với cùng kỳ. Trong các công ty tài chính tiêu dùng, EVN Finance báo lãi giảm ít nhất (gần 10,4%) nhưng cũng chủ yếu nhờ hiện thực hoá lợi nhuận khá nhiều lượng cổ phiếu trong danh mục.

Theo ông Lê Quốc Ninh - Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, hoạt động của các công ty tài chính năm qua cùng lúc đối diện với thách thức “kép”. Bên cạnh nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt ở các sản phẩm mang tính chất lâu bền như xe máy, ti vi, điện thoại… yếu đi thấy rõ, khả năng trả nợ của khách hàng năm vừa qua cũng bị ảnh hưởng. Thu nhập của người lao động đã sụt giảm mạnh trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng, các đơn hàng giảm sút, không còn các khoản thu nhập thêm nhờ tăng ca…

Cùng đó, hiện tượng rủ nhau “bùng nợ” từ một bộ phận khách hàng không chỉ làm tăng nợ xấu mà còn khiến các hoạt động giải ngân cho vay tiêu dùng phải quản trị rủi ro chặt chẽ hơn. Tại các đại lý xe, như nơi anh Hiếu quản lý, một phần vì nguyên nhân này mà tỷ trọng mua xe trả góp giảm mạnh.

Tỷ lệ khách hàng vay không trả nợ ngày càng cao, trong khi đó chế tài với khách vay chưa đầy đủ, việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) ước tính tỷ lệ nợ xấu bình quân ở nhóm công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%.

Động lực mới từ chính sách

Tâm lý thận trọng trước những khó khăn của nền kinh tế khiến sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này chưa dừng lại ở năm 2023. Dù đã có những nỗ lực kích cầu tiêu dùng, tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011 - 2019. Số liệu kinh tế vừa công bố cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ, thấp hơn mức trên 9% các năm trước.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp sản xuất hiện nay. Do đó, việc tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, trong đó có tiêu dùng, cũng chính là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm được người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ưu tiên thực hiện.

Từ phía ngành ngân hàng, ngay từ đầu năm, nhiệm vụ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được đặt lên hàng đầu. Theo ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ có đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thì mới có thể kích cầu được sức mua, từ đó đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp được khơi thông thì cầu vốn của khách hàng tăng trở lại...

Cơ chế chính sách mới từ phía cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy tín dụng tiêu dùng sẽ sớm được kích hoạt từ ngày 1/7/2024. Các khoản vay nhỏ lẻ theo đó sẽ không phải chứng minh mục đích sử dụng vốn, nhờ vậy có thể kích thích mạnh mẽ hoạt động cho vay bán lẻ - đặc biệt là các khoản vay nhỏ lẻ.

Dù thủ tục được “gỡ rào”, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh các tổ chức tín dụng sẽ không đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ bằng mọi giá mà vẫn thận trọng trước xu hướng nợ khó đòi có thể còn tiếp tục tăng nhanh, hành lang pháp lý cho thu hồi, xử lý nợ vẫn còn nhiều trở ngại.

Bên cạnh chính sách thúc đẩy giải ngân tín dụng, các chuyên gia kỳ vọng công tác thu hồi nợ sẽ sớm thuận lợi hơn cho các ngân hàng và công ty tài chính khi dữ liệu có thể sớm được liên kết trực tiếp dữ liệu của Bộ Công an. NHNN từng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an, sử dụng dữ liệu của Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số để tạo thuận lợi cho vay tiêu dùng.

Cho đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với 5 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Pvcombank, VIB, BIDV) và 1 tổ chức tín dụng (Mcredit) hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, triển khai sản phẩm đánh giá khả tín khách hàng vay.

Kích cầu tiêu dùng là bài toán chung của nền kinh tế. Trước sức cầu yếu, nỗ lực hạ giá sản phẩm cùng các chương trình khuyến mãi được nhiều hãng sản xuất triển khai thời gian qua. Với doanh nghiệp thương mại như MWG, dù đưa ra dự báo thận trọng nhu cầu mua sắm tiêu dùng đi ngang, hãng bán lẻ này đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng trở lại 6% cùng lợi nhuận hồi phục mạnh so với mức nền so sánh thấp năm 2023.

Với lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, sự phục hồi thường có độ trễ hơn so với những tín hiệu về kinh tế vĩ mô, ông Lê Quốc Ninh - Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) cho rằng năm nay vẫn chưa phải là năm sẽ có những tín hiệu thật sự tốt đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo ông Ninh, thị trường đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và không thể xấu hơn, nhất là với những nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua thúc đẩy tiêu dùng của Chính phủ. Đồng thời, những khó khăn của năm 2023 cũng chính là cơ hội để ngành tài chính tiêu dùng nhìn lại và chuyển mình.

“Lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ cần một số cơ chế quản lý mới từ NHNN. Sau những biến cố, những cái tự phát sẽ được nhìn nhận lại và trở thành quy trình. Cả công ty tài chính và khách hàng đều sẽ là người hưởng lợi từ sự thay đổi này”, CEO Mcredit nhấn mạnh.

Tại Mcredit, trung thành với chiến lược “cho vay nhân văn” và “thu hồi nợ nhân văn”, lấy khách hàng là trung tâm. Chân dung khách hàng được xây dựng rõ ràng, chi tiết để

đưa ra những sản phẩm vay và sản phẩm tiêu dùng phù hợp với nhu cầu và năng lực tài chính của họ, từ đó, giúp tăng trưởng tín dụng bền vững, kiểm soát tốt chất lượng nợ.

Tin cùng chuyên mục

Sacombank nhận 9 giải thưởng từ các tổ chức thẻ

Sacombank nhận 9 giải thưởng từ các tổ chức thẻ

(PLVN) - Với những nỗ lực không ngừng trong lĩnh vực phát hành thẻ và phát triển các giải pháp thanh toán số mới, trong tháng 12/2024, Sacombank đã nhận được 9 giải thưởng lớn từ các tổ chức thẻ Visa, Mastercard và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), ghi nhận những thành quả nổi bật đã đạt được trong năm 2024.

Đọc thêm

Khai mạc Khảo sát chính thức đánh giá chất lượng 6 chương trình đào tạo tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Khai mạc Khảo sát chính thức đánh giá chất lượng 6 chương trình đào tạo tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
(PLVN) -  Ngày 13/12, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức khai mạc đợt khảo sát chính thức để đánh giá chất lượng giáo dục đối với 06 chương trình đào tạo bao gồm: Bất động sản, Quản lý đất đai, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Marketing, Quản trị khách sạn, và Luật. Chương trình khảo sát do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.

Sao Mai và hành trình san sẻ yêu thương

Sao Mai và hành trình san sẻ yêu thương
Không chỉ tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh đa ngành, Sao Mai còn đang nỗ lực thực hiện "sứ mệnh" thiện nguyện như một phần trách nhiệm trong hành trình phát triển của mình.

Khởi công dự án Parc Hà Nội

Khởi công dự án Parc Hà Nội
(PLVN) - Với dự án Parc Hà Nội, Indochina Kajima thể hiện chiến lược đáp ứng nhu cầu thuê văn phòng cao cấp ở hiện tại và đón đầu nhu cầu này trong tương lai, đồng thời duy trì cam kết về tính hiệu quả trong hoạt động vận hành, đột phá và xuất sắc trong kiến trúc, bền vững, thân thiện môi trường và có trách nhiệm với xã hội.

TTC Land và Tui Hotels & Resorts ký kết thỏa thuận hợp tác quản lý vận hành khách sạn dự án TTC Plaza Đà Nẵng

Ông Võ Thanh Lâm - Tổng Giám đốc TTC Land và ông Artur Gerber - Tổng Giám đốc TUI Hotels & Resorts cùng Lãnh đạo cấp cao hai bên thực hiện nghi thức ký kết.
(PLVN) - Vừa qua, tại trụ sở Tập đoàn TTC, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land; HOSE: SCR) và Công ty TUI Hotels & Resorts (thuộc Tập đoàn TUI Group) đã ký kết hợp đồng dịch vụ kỹ thuật và thỏa thuận hợp tác quản lý vận hành khách sạn thuộc dự án cao ốc phức hợp TTC Plaza Đà Nẵng.

Áp lực, nóng trong người khi ngày chạy deadline đêm săn sale mùa tết

Áp lực, nóng trong người khi ngày chạy deadline đêm săn sale mùa tết
Tháng 12 là cao điểm chạy deadline, đây cũng là lúc người trẻ tăng tốc mua sắm khi các doanh nghiệp, cửa hàng tung ra các chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm. Ngày cuống cuồng chạy việc, tối thức đêm săn sale khiến không ít bạn trẻ nóng trong người vì thiếu ngủ hay ăn uống thất thường.

Tích cóp đón Tết, bí quyết gửi tiết kiệm sinh lời tối đa

Tích cóp đón Tết, bí quyết gửi tiết kiệm sinh lời tối đa
(PLVN) -  Tiết kiệm online đã trở nên phổ biến nhờ tính tiện lợi, nhanh chóng và an toàn. Với vài thao tác trên điện thoại, bạn đã có thể chủ động tận dụng số tiền nhàn rỗi để sinh lời mà không lo ngại các thủ tục phức tạp. Đặc biệt các chương trình khuyến mại hấp dẫn của ngân hàng đang là cơ hội “vàng” vừa giúp bạn có một hình thức đầu tư ổn định vừa nhận được những phần quà tri ân giá trị.