Năm 2011, ngành KSND đã kiểm sát hơn 83.000 vụ án theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm, chất lượng kiểm sát xét xử đã được nâng cao, tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung chỉ còn 4,29%, hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan sai người vô tội.
Kiểm sát tư pháp về hình sự: không ngừng nâng cao
Năm qua, VKSND các cấp đã có các biện pháp tích cực đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, nhất là các vụ án hình sự phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng. Toàn ngành đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp công tác, thực hiện việc kiểm sát điều tra ngay từ đầu, phối hợp với Điều tra viên để thu thập, đánh giá chứng cứ bảo đảm chính xác, khách quan.
Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đã đổi mới công tác nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa, kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định giải quyết vụ án của Tòa án nên các chỉ tiêu thi đua đều đạt kết quả cao: tỉ lệ án truy tố đạt 98,9% số vụ (tăng 3,6%) ; tỉ lệ trả hồ sơ giữa các cơ quan tố tụng chiếm tỉ lệ 4,29% giảm so với cùng kỳ năm 2010.
Viện kiểm sát các cấp đã tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, nhất là các vụ án trọng điểm, án được dư luận xã hội quan tâm; đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng xá định được 2169 vụ án trọng điểm; phối hợp tổ chức 6.305 phiên tòa xét xử lưu động để tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân và 1.982 phiên tòa để tổ chức rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng cho đội ngũ Kiểm sát viên, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Năm qua, ngành đã ban hành 422 kiến nghị (tăng 91 kiến nghị) yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án khắc phục các vi phạm trong hoạt động giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và trong hoạt động điều tra, xét xử ; thông qua việc giải quyết các vụ án hình sự các đơn vị trong ngành đã tổng hợp, rút ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và đã ban hành 55 bản kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong hoạt động quản lý tài chính, ngân hàng và các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông. v.v…
Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận cao : 82,5% đối với án dân sự, 73,6% đối với án kinh doanh, thương mại, lao động hành chính ; kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được chấp nhận 92,8% đối với án dân sự, 88% đối với án kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính.
Cũng thông qua công tác kiểm sát, nhiều Viện kiểm sát địa phương đã quan tâm phát hiện vi phạm trong tố tụng của Tòa án và trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng và ban hành 1.804 bản kiến nghị (tăng 122 bản kiến nghị) đối với các Tòa án cùng với nhiều kiến nghị yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước khắc phục, phòng ngừa vi phạm.
Kiểm sát tạm giữ, tạm giam: chặt chẽ, nghiêm minh!
Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam năm qua đạt được nhiều thành tích. Viện kiểm sát các cấp đã tiến hành các cuộc kiểm sát bất thường và thường kỳ 5200 lần tại các nhà tạm giữ (tăng 4,67%), 315 lần tại các trại tạm giam; đã ban hành 1309 kháng nghị, kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam khắc phục sửa chữa vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Viện kiểm sát các cấp đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành hữu quan, kiểm sát chặt chẽ số bị án bị phạt tù, án có hiệu lực pháp luật chưa thi hành để yêu cầu thi hành; đã ban hành 924 kiến nghị, kháng nghị (tăng 716 kiến, kháng nghị) yêu cầu Toà án, cơ quan Công an khắc phục nhiều vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án.
Viện kiểm sát các cấp còn đẩy mạnh công tác kiểm sát việc thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ tại các cơ sở xã, phường. Qua kiểm sát tại 1535 UBND cấp xã, đã ban hành 666 bản kiến nghị, kháng nghị yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường biện pháp quản lý, giáo dục những đối tượng này.
Trong công tác kiểm sát việc xét giảm thời hạn án phạt tù và thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2011,Viện kiểm sát các cấp đã tích cực thực hiện kiểm sát hồ sơ, cử cán bộ tham gia các Đoàn thẩm định liên ngành tại các trại giam, trại tạm giam; đã phát hiện, đề nghị đưa ra khỏi danh sách đặc xá các trường hợp không đảm bảo điều kiện, đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất. Từ đó, góp phần tăng cường pháp chế, đảm bảo chất lượng chung của các hoạt động tố tụng, đóng góp đáng kể cho thành tích đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung…
Quỳnh Lưu