Nhiều năm nay, có những ngành học tuyển mãi mà không có người học do thí sinh chưa nắm bắt được thông tin.
Thí sinh thiếu thông tin
Với một số ngành nghề không tuyển đủ chỉ tiêu là do bản thân người học chưa hiểu rõ bản chất ngành nghề và triển vọng việc làm của ngành nghề đó sau khi ra trường. Ngành Công nghệ vật liệu của trường CĐ Kinh tế - Công nghệ TP.HCM là một ví dụ. Qua nhiều năm, số lượng hồ sơ nộp vào ngành này của trường không tới 10 hồ sơ. Điều tất yếu là ngành này không thể mở lớp mà sinh viên phải chuyển qua học ngành Cơ khí. “Thật ra cơ hội việc làm của ngành này rất lớn, có điều trong nhìn nhận của xã hội vẫn còn khá lạ lẫm. Khi tốt nghiệp, người học rất dễ dàng tìm được công việc phù hợp với chuyên môn về nghiên cứu, sản xuất trong các nhà máy cơ khí, đóng tàu, luyện kim, vật liệu...”, một cán bộ đào tạo của trường cho hay.
Học sinh cần được tư vấn hướng nghiệp ngay từ bậc phổ thông |
Các ngành Cơ khí nông lâm, Cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, Lâm nghiệp, Chế biến lâm sản... của trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng thường xuyên phải tuyển NV2. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng, vấn đề không phải những ngành này không có nhu cầu xã hội mà do sinh viên ngại khó hoặc chưa có thông tin. Tâm lý học sinh khi nghe đến chữ “cơ khí” là nghĩ ngay đến máy cày, nói đến “lâm nghiệp” thì lo sợ thất nghiệp vì nghĩ rằng không được khai thác rừng... Đó là những suy nghĩ sai lệch do chưa nắm rõ thông tin. Thực chất, đó là những ngành đang rất thiếu nhân lực. Tiến sĩ Hùng còn nhấn mạnh, không phải những ngành có điểm chuẩn trúng tuyển cao sẽ tương quan với việc có cơ hội việc làm lớn, bởi đôi khi có những ngành điểm chuẩn thấp nhưng cơ hội việc làm rất cao. Do vậy, cần phải đẩy mạnh hơn khâu tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ bậc phổ thông và theo một quá trình. Về phía trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nét mới để thu hút thí sinh với các ngành học này là cải tiến chương trình để khi ra trường sinh viên có thể dễ dàng tìm một công việc nuôi sống bản thân và gia đình.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng đưa ra lời khuyên: “Thí sinh không nên chọn lựa ngành nghề theo cảm tính hoặc đua theo phong trào. Thay vì vậy, trước khi quyết định chọn lựa điều đầu tiên cần làm là phải xem mình thích cái gì. Trên cơ sở tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về ngành nghề đó sẽ xem xét khả năng của bản thân, cũng như nhu cầu việc làm của xã hội. Nhất thiết không nên theo cái gọi là sthời thượng”. Tiến sĩ Nam ví dụ thêm, ngành Kỹ thuật địa chất - Dầu khí của trường trước kia nhiều năm phải tuyển NV2, nhưng đến năm 2009 thì chỉ tuyển NV1 đã đủ chỉ tiêu. Có nghĩa, việc tuyển đủ hay thiếu chỉ tiêu ở một vài năm chưa đủ để kết luận ngành nghề đó không phù hợp với nhu cầu xã hội, mà đôi khi nằm ở nhận thức của học sinh về ngành học chưa đúng.
“Tuyển sinh thêm một năm nữa xem sao”
Từ năm 2005, trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã phải ngưng mở lớp với các ngành: Toán - Tin ứng dụng, Tiếng Trung và Tiếng Pháp. Lý do là số lượng hồ sơ nộp vào quá thấp, cao nhất với ngành Tiếng Trung chỉ 3 hồ sơ, với ngành Toán - Tin ứng dụng và Tiếng Pháp chỉ 1 hồ sơ mỗi ngành. Năm 2007, ngành Tiếng Nhật có 12 sinh viên nhập học, năm 2008 là 16 sinh viên, và đến năm 2009 thì chỉ có 4 sinh viên. Kết quả là các sinh viên này phải chuyển qua học các ngành khác như: Quản trị kinh doanh, Du lịch, Tiếng Anh. Ngành Công nghệ sau thu hoạch là một ngành mới và lạ nhưng cũng thuộc loại khó tuyển sinh của trường. Trong khi chỉ tiêu ĐH-CĐ của ngành này là 300 sinh viên, nhưng số sinh viên nhập học bậc ĐH chỉ 17 và bậc CĐ là 49. Đây là ngành phải đầu tư nhiều cơ sở vật chất, trong đó phòng thí nghiệm phải tốn cả tỉ đồng nhưng giờ đang bị bỏ không. Tuy nhiên, thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường vẫn hy vọng: “Ngành Tiếng Nhật trường vẫn cố gắng tuyển sinh thêm một năm nữa xem sao. Riêng ngành Công nghệ sau thu hoạch vẫn giữ nguyên, kết hợp với việc mở thêm ngành Công nghệ thực phẩm, tuyển khối A, B, D1, 2, 3, 4, 5, 6”.
Theo Thanh Niên