Hơn 4 nghìn tỷ đồng tiền nợ khó thu
Theo Điều 55 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định về thời hạn nộp thuế thì doanh nghiệp (DN) khi thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa có thuế suất vẫn có thể làm hồ sơ xin ân hạn thuế 90 ngày. Lợi dụng chính sách ưu đãi này, nhiều DN đã trốn thuế, gian lận thuế, gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến số nợ xấu do ngành Hải quan quản lý lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, buộc ngành phải có giải pháp “cứng rắn”.
Mới đây, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) đã ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Sài Gòn từ ngày 30/11/2023.
Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Sài Gòn bị cưỡng chế theo đề nghị của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. Lý do là DN này đang nợ thuế quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế theo quy định, thuộc nhóm nợ khó thu, với tổng số thuế trên 35,4 tỷ đồng.
Tương tự, Cục Hải quan Đồng Nai đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Đại Phúc Lộc 24/7. Quyết định cưỡng chế sẽ có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 14/11/2023. Quyết định sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ khi DN nộp đủ tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước.
Lý do cưỡng chế là Công ty có tiền nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định; Công ty không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời gian ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế. Số tiền bị cưỡng chế trên 4,6 tỷ đồng. Quyết định được ban hành trên cơ sở đề nghị thi hành quyết định hành chính quản lý thuế của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai về việc tiếp tục phối hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế tiền thuế nợ đối với Công ty CP Sản xuất và Thương mại Đại Phúc Lộc 24/7.
Trên đây chỉ là 2 trường hợp trong rất nhiều trường hợp DN chây ỳ nợ thuế được các đơn vị hải quan “bêu” tên trên các phương tiện truyền thông. Trong số này, có những DN chậm nộp nhiều năm nhưng cơ quan Hải quan chưa thể thu đòi do rất nhiều lý do.
Theo số liệu thống kê, nợ thuế quá hạn do cơ quan Hải quan quản lý đến ngày 31/12/2022 là 5.716 tỷ đồng, tăng 2,44% so với năm 2021, bằng 1,3% số thu ngành Hải quan năm 2022. Cụ thể, nợ khó thu là 4.072 tỷ đồng; nợ chờ xử lý 45,66 tỷ đồng; nợ có khả năng thu 1.332 tỷ đồng và nợ do phạt vi phạm hành chính trên 265 tỷ đồng. Nguyên nhân phát sinh nợ thuế chủ yếu là do kết quả từ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra sau thông quan mà các cục hải quan tỉnh, thành phố đã ban hành các quyết định ấn định thuế đối với một số các DN, dẫn đến làm phát sinh tăng số nợ tiền thuế phải thu.
Tính đến ngày 30/11, số nợ thuế ngành Hải quan quản lý là 5.387,59 tỷ đồng. Như vậy, số nợ trên đã giảm 465,75 tỷ đồng, tương đương với 7,95% so với thời điểm 31/12/2022.
“Mạnh tay” là cần thiết
Để bảo đảm công tác thu hồi và xử lý nợ thuế đạt hiệu quả cao nhất, Cục Hải quan các tỉnh, TP thường xuyên báo cáo Tổng cục Hải quan để có văn bản đề nghị với cơ quan chức năng địa phương nơi DN đăng ký kinh doanh để cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN nợ thuế quá hạn. Song song đó, các biện pháp cưỡng chế khác như dừng làm thủ tục, cấm xuất cảnh, trích tài khoản… sẽ được cân nhắc áp dụng với các DN quá chây ỳ.
Nỗ lực là vậy nhưng kết quả mang lại chưa cao. Một trong những khó khăn khi triển khai công tác thu hồi và xử lý nợ là việc xác minh, đề nghị cung cấp số dư tài khoản tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác rất khó khăn, cần phải có thời gian để nhận phản hồi thông tin. Khi nhận thông tin phản hồi, kết quả chủ yếu là DN không mở tài khoản tại ngân hàng hoặc có tài khoản nhưng số dư rất ít, cá biệt có trường hợp khi nhận được thông tin số dư tài khoản, DN nợ đã rút hết tiền ra khỏi tài khoản.
Cũng theo Luật Quản lý thuế 2019, tại Điều 125, ngoài thực hiện 7 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với DN nợ thuế quy định, một trong những biện pháp “mạnh tay” hơn đang được ngành Hải quan thực hiện đối với đối tượng nợ thuế là tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của DN. Việc cưỡng chế nợ thuế này đã thu được kết quả nhất định.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, tạm dừng xuất cảnh là biện pháp rất hiệu quả để thu những khoản khó đòi với những DN đã tẩu tán tài sản, biến mất khỏi địa điểm kinh doanh. Đây là biện pháp phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật là người quyết định các vấn đề quan trọng của DN và phải có mặt ở Việt Nam hoặc ủy quyền cho người khác khi xuất cảnh. Trong trường hợp DN đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế thì việc xuất cảnh của họ có ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước (không thực hiện được việc thu thuế) nên tạm dừng xuất cảnh là cần thiết.