Những tháng đầu năm 2010, thuận lợi lớn nhất của các DN là sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới có phần lắng dịu hơn so với năm 2009. Tình hình SXKD của các DN đã ổn định hơn. Kết quả 7 tháng qua cho thấy các DN đều có tăng trưởng, nhiều ngành hàng đã phục hồi mạnh.
Công ty Daiwa, một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh với trên 1.600 lao động. |
Theo số liệu của ngành Công thương, đến hết tháng 7, toàn ngành đã đạt giá trị sản lượng 6.952,3 tỷ đồng, đạt 53,3% kế hoạch năm, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công nghiệp Trung ương ước đạt 3.068 tỷ đồng, đạt 51,3% kế hoạch, tăng 7,6%; công nghiệp địa phương ước đạt 2.465,5 tỷ đồng, đạt 53,5% kế hoạch, tăng 20,3%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1.418,8 tỷ đồng, đạt 57,9% kế hoạch, tăng 30,2%.
Những sản phẩm chủ yếu có mức tăng trưởng cao (trên 15%) so với cùng kỳ năm trước như săm, lốp ô-tô, gạch ceramic, sản phẩm may mặc, nước máy ghi thu, điện thương phẩm. Các sản phẩm khác có mức tăng trưởng như xi-măng, thức ăn chăn nuôi, gạch nung các loại, thủy sản chế biến, vải lụa thành phẩm... Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mức tăng trưởng cao nhất như Công ty TNHH Mabuchi Motor tăng 85,8%, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam tăng 46,7%, Công ty TNHH VBL tăng 48,6%
… Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng qua đạt 318 triệu USD, đạt 58,9% kế hoạch, tăng 83,8%. Trong đó doanh nghiệp của thành phố đạt 74,5 triệu USD, đạt 37,7% kế hoạch. Tuy chưa đạt so với kế hoạch nhưng với mức tăng 8,6% so với năm 2009 cho thấy các ngành hàng xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố đang có dấu hiệu phục hồi. Những đơn vị sản xuất hàng tiêu thụ trong nước như vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng vẫn giữ được mức ổn định. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến thương mại, nhất là hiệu quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Mặc dù có những tín hiệu tốt như vậy, nhưng để hoàn thành kế hoạch năm nay đối với các DN vẫn còn nhiều thách thức. Các DN làm hàng xuất khẩu vẫn chưa có những đơn hàng ổn định, xu hướng những đơn hàng nhỏ lẻ, thời vụ vẫn còn phổ biến. Một số thị trường mới, nhất là các thị trường châu Phi, Nam Mỹ mới chỉ dừng lại ở mức độ thăm dò và giới thiệu là chủ yếu. Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, các thị trường mới này chủ yếu vẫn là nhập hàng nông sản, hải sản. Việc sản xuất của các DN này cũng khá bấp bênh do nguồn nguyên liệu bị chia sẻ.
Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước cho biết: Nhiều khi công ty không mua được nguyên liệu từ các ngư dân mà phải mua qua các thương lái. Một số ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu cao do năng lực của các cơ sở sản xuất trong nước rất lớn và đang dư thừa do cung lớn hơn cầu như xi-măng, thép nhưng rất khó xuất khẩu do thiếu sự quản lý thống nhất. Để bán được sản phẩm, một số DN đã tự hạ giá, đôi khi thấp hơn cả giá thành, gây rất nhiều khó khăn cho việc xuất khẩu, chưa kể sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực.
Một số thị trường lớn đang áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch đối với sản xuất trong nước, gây khó khăn cho các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, trong đó có các DN của thành phố như dệt may, giày da và các mặt hàng tiêu dùng khác. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho các cơ sở sản xuất trong nước dần thu hẹp cũng gây ra không ít khó khăn trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ lãi suất đã bị cắt, trong khi lãi suất ngân hàng vẫn cao, làm cho chi phí sản xuất tăng. Hệ quả là sức cạnh tranh của hàng trong nước giảm nhiều trên thương trường.
Nhằm tạo thuận lợi cho các DN củng cố sản xuất, trước tiên là hoàn thành kế hoạch năm 2010, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm 2005-2010, rất cần những chính sách, sự hỗ trợ cần thiết của thành phố, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong quy chế hỗ trợ DN tham gia Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Đà Nẵng đến năm 2010...
Bài và ảnh: Đức Thịnh