Gieo rắc lo âu
“Từ những tấm áp phích ở bến xe bus và trong tàu điện ngầm, những lời mời chào trên các trang mạng xã hội đến các bài quảng cáo trên phim trên truyền hình, “trào lưu sở hữu” vẻ đẹp do phẫu thuật mà có đang lan tỏa mạnh mẽ,” tờ Nhật báo Nhân dân (People's Daily) cho biết.
Tờ báo cho hay, một số quảng cáo gắn việc trở nên đẹp về ngoại hình với cuộc sống chất lượng cao, sự chăm chỉ, thành công, đồng thời bịa ra những câu chuyện về việc phẫu thuật thẩm mỹ sẽ thay đổi vận mệnh của một người và bóp méo nhận thức về thẩm mỹ.
Thời báo Hoàn cầu ghi lại chia sẻ của một giáo viên tiếng Anh ở một trường trung học tại Thành phố Trùng Khánh (Tây Nam Trung Quốc), gần đây đã đến một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ sau khi cảm thấy áp lực bởi đồng nghiệp và thậm chí cả các học sinh của cô: “Là một phụ nữ trẻ, sống ở Trùng Khánh và Thành Đô (thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc), tôi rất căng thẳng khi có nhiều người sở hữu gương mặt xinh đẹp. Hèn gì mà tôi luôn độc thân, bởi tôi không có ngoại hình hấp dẫn.” Cô cho biết, mình gặp vấn đề nghiêm trọng với chứng lo lắng về ngoại hình.
Xiao Ran là ngôi sao mạng xã hội Trung Quốc chuyên về thời trang đã tử vong sau phẫu thuật làm đẹp. |
Thời khắc cuối cùng
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, vào tháng 7, một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (33 tuổi) đã chết vì biến chứng sau phẫu thuật hút mỡ, trường hợp này đã được báo chí Trung Quốc đưa tin rộng rãi.
Nạn nhân là blogger thời trang có nghệ danh Xiao Ran với khoảng 130.000 người theo dõi trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Cô qua đời ngày 13/7 do nhiễm vi khuẩn ăn thịt người sau khi phẫu thuật thẩm mỹ.
Cô tiến hành cuộc phẫu thuật hút mỡ bụng và eo, nâng ngực tại một phòng khám vào ngày 2/5. Hai ngày sau cuộc phẫu thuật, Xiao Ran cảm thấy vô cùng đau đớn toàn thân và sốc tuần hoàn.
Cô nhập viện gần nhà và được các bác sĩ kết luận suy đa tạng. Đến ngày 5/5, gia đình chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Số hai Đại học Y dược Chiết Giang để điều trị.
Cô được chẩn đoán nhiễm trùng da và nhiễm vi khuẩn ăn thịt người. Trong thời gian điều trị hồi sức tích cực, các bác sĩ đã 2 lần phẫu thuật cho Xiao Ran, nỗ lực ngăn nhiễm trùng lan rộng toàn cơ thể nhưng không thành công.
Theo báo cáo, Xiao Ran đã đề nghị chỉnh sửa 3 bộ phận: hút mỡ eo và bụng, hút mỡ bắp tay và nâng ngực. Cũng theo hồ sơ phẫu thuật, cô ấy đã trải qua tất cả 3 ca phẫu thuật hết 5 giờ đồng hồ trong cùng ngày hôm đó.
Hai ngày sau khi phẫu thuật, Xiaoran vẫn cảm thấy đau và khó thở, cô đã gọi cấp cứu và được đưa vào bệnh viện. Sau 2 tháng nằm viện, toàn bộ cơ thể Xiaoran vẫn trong tình trạng nguy kịch và cuối cùng cô đã chết vì suy đa tạng.
Gia đình Xiao Ran cáo buộc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ không đủ trình độ theo đúng quy định pháp luật. Trong khi đó, một số bạn bè Xiao Ran cho biết phòng khám đã thờ ơ khi bệnh nhân xuất hiện biến chứng, chỉ cho thuốc uống nhưng không có bất kỳ tác dụng nào với các triệu chứng viêm.
Sở Y tế thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang ngày 15/7 kết luận phòng khám phải bồi thường cho gia đình nạn nhân. Cơ quan chức năng cũng tạm thời rút giấy phép kinh doanh của cơ sở này.
Theo kết luận chính thức, phòng khám không có bác sĩ đủ trình độ chuyên môn nhưng vẫn tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ, thực hiện sai kỹ thuật trong thời gian phẫu thuật và không điều trị hậu phẫu kịp thời cho bệnh nhân. “Những sai lầm này đã dẫn đến cái chết của nạn nhân”, cơ quan điều tra nhấn mạnh.
Giám đốc Hiệp hội Luật Y tế Trung Quốc và là chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ Deng Liqiang nói với Thời báo Hoàn Cầu hôm 14/9 rằng, lợi nhuận mà ngành chăm sóc sắc đẹp mang lại đi cùng với nhiều vấn đề về xã hội như “lo lắng về ngoại hình” và vấn đề này phát tán tràn lan, đặc biệt là ở thế hệ trẻ.
Bằng chứng về nỗi ám ảnh trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc với phẫu thuật thẩm mỹ có thể được tìm thấy trên các trang mạng xã hội với từ khóa như #PreAndPostOp - nơi những người thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ chia sẻ về hình ảnh của mình trước và sau khi phẫu thuật, về những góc mặt, đôi môi đã chỉnh, những chiếc xương gò má đã được tái tạo...
Các phương tiện truyền thông nhà nước gần đây tăng cường chỉ trích ngành công nghiệp này vì nó cố cổ vũ cho việc thần tượng hóa ngoại hình và khiến những người trẻ vốn tự ti về ngoại hình của mình lại càng thêm đau khổ.
Vào tháng 8, cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc soạn thảo các hướng dẫn để điều chỉnh các hoạt động quảng cáo của ngành thẩm mỹ y tế, cho rằng các ngành này khiến xã hội lo lắng về ngoại hình của mình.
Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ hoặc dùng y học để can thiệp vào thẩm mỹ bùng nổ ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Các thủ thuật nhấn mí mặt hoặc nâng mũi là một trong những phương pháp phổ biến nhất. Ngành phẫu thuật thẩm mỹ bị chỉ trích vì không cảnh báo mọi người về rủi ro.
Đòn chí mạng
Thị trường phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 300 tỷ nhân dân tệ (46 tỷ USD) vào năm 2022, Tân Hoa xã đưa tin hồi tháng 8, trích dẫn một báo cáo của Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc. Theo một báo cáo khác nghiên cứu về ngành phẫu thuật thẩm mỹ do CITIC Securities công bố vào tháng 7, giá trị thị trường của ngành phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 1.300 tỷ nhân dân tệ (201 tỷ USD) vào năm 2030.
Tuy nhiên, chính bởi cơ hội kiếm lời lớn, một số lượng lớn các cơ sở chăm sóc sắc đẹp hoạt động bất hợp pháp. Thống kê cho thấy vào năm 2019, có khoảng 13.000 cơ sở thẩm mỹ đủ điều kiện ở Trung Quốc, 15% trong số đó thực hiện các ca phẫu thuật mà họ không được cấp phép. Bên cạnh đó, số lượng các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ y tế không có giấy phép nhiều hơn những cơ sở có giấy phép rất nhiều, Tân Hoa xã cho biết.
Financial Times cho biết, các nhà đầu tư “đánh cược” ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc sẽ là ngành tiếp theo trong danh sách bị “sờ gáy”. Cổ phiếu của các công ty phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu đã giảm 1/3.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng ngành này có thể bị giáng một đòn nặng nề nếu nhà chức trách Trung Quốc đưa ra kết luận rằng những ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội của ngành này mang lại ngang với dạy thêm và các trò chơi trực tuyến - những ngành mà các quy định nghiêm ngặt đã “đè bẹp” giá trị trị trường của những nhóm chủ chốt trong các tháng gần đây.
Giám đốc điều hành của công ty tiếp thị China Skinny ông Mark Tanner cho biết: “Rất có thể chúng ta sẽ thấy một ngành công nghiệp nữa biến mất”.