Nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu
Năm 2020, do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, kèm theo đó là tình hình thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung… đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Trong bối cảnh đó, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã luôn chủ động, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời ứng phó, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người dân trước những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ gây ra.
Trong đó, cơ quan BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương. Triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT); xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho BHXH các tỉnh, thành phố; triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, trong năm 2020, số người tham gia BHXH là 16,164 triệu người, chiếm khoảng 32,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi tăng 390 nghìn người (2,47%) so với năm 2019. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc 15,036 triệu người; BHXH tự nguyện 1,128 triệu người (tăng 554 nghìn người, hơn gấp đôi so với năm 2019); BHTN 13,324 triệu người, chiếm khoảng 27% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; BHYT 87,978 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 90,85% dân số tham gia BHYT (vượt 0,15% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg và Nghị quyết 01/NQ-CP).
Số thu toàn ngành BHXH đạt 391.788 tỷ đồng, tăng 23.607 tỷ đồng (6,4%) so với năm 2019, đạt 100,6% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Đồng thời, ngành BHXH đã thực hiện giải quyết 133.867 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. Trong đó, hưởng lương hưu là 113.086 người, nâng tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khoảng 3,2 triệu người. Giải quyết cho 876.702 người hưởng trợ cấp 1 lần; 9.691.389 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 1.002.836 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 16.282 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề;
Thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho 167,605 triệu lượt người (nội trú và ngoại trú). Ước chi BHXH, BHTN, BHYT là 349.273 tỷ đồng, trong đó: chi BHXH từ nguồn ngân sách 45.507 tỷ đồng; chi BHXH từ Quỹ BHXH 184.626 tỷ đồng; chi Quỹ BHTN 16.219 tỷ đồng; chi KCB BHYT là 102.921 tỷ đồng.
Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp để đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Nhờ vậy, công tác thu phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2020.
Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý, giải quyết những tồn tại, vướng mắc về chế độ, chính sách cho người lao động (đặc biệt là các trường hợp có thời gian công tác trước năm 1995). Đồng thời, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để quản lý người tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHTN từ cơ sở, giải quyết kịp thời các chế độ BHXH, BHTN cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN tại các địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHTN.
Mặt khác, tính đến hết năm 2020, ngành BHXH đã triển khai thực hiện 19 dịch vụ công (DVC) trực tuyến cấp độ 3, 4 trên Cổng DVC của Ngành (dự kiến năm 2021, 100% DVC của Ngành được thực hiện ở mức độ 4). Phối hợp với Văn phòng Chính phủ để tích hợp, cung cấp 15 DVC trên Cổng DVC Quốc gia (hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Cùng với đó, BHXH Việt Nam còn hoàn thiện và đưa vào triển khai thành công ứng dụng BHXH trên nền tảng thiết bị di động Vss-ID - BHXH số. Hiện đã triển khai thí điểm tại 10 tỉnh khu vực miền Trung sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng Vss-ID thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy bị hỏng, mất do bão lũ) để đi KCB.
Lễ ra quân hưởng ứng Tháng BHXH toàn dân. |
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được thì thời gian vừa qua, ngành BHXH cũng gặp phải không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thiên tai bão lũ, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, tạm ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc.
Điều này dẫn đến một số công việc theo Chương trình công tác trọng tâm của BHXH Việt Nam còn chậm so với thời hạn, tiến độ đề ra; công tác tham mưu vẫn còn hạn chế, đôi lúc chưa kịp thời. Trong khi đó, một số đơn vị, cá nhân chưa chủ động và còn lúng túng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; còn một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương chưa được giải quyết kịp thời.
Ngoài ra, sự phối hợp, trao đổi, xử lý, giải quyết công việc giữa các đơn vị đôi khi chưa kịp thời, thống nhất (còn mang tính hành chính, máy móc, có lúc còn đùn đẩy trách nhiệm...), đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả, tiến độ giải quyết công việc.
Trước tình hình đó, BHXH Việt Nam cho biết, phát huy những thành tích, khắc phục hạn chế, nhằm phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác của Ngành, năm 2021, các đơn vị trực thuộc, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan BHXH sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền (tập trung trực tiếp vào các nhóm đối tượng có khả năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình), tuyên truyền sâu rộng về mẫu thẻ BHYT mới, ứng dụng VssID - BHXH số…; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài Ngành.
Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu nợ đọng, lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT; kịp thời xử lý hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT. Quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức DVC. Đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BHTN.
Thứ ba, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách, tiếp tục chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan. Phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong việc quan tâm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công chức, viên chức, người lao động.
Thứ tư, thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong cơ quan, phát huy hơn nữa trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ, cùng nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tăng cường bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ của BHXH các tỉnh, thành phố để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.